Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chính thức ra đời từ bộ phim truyện đầu tiên 'Chung một dòng sông' sản xuất năm 1959. Địa chỉ số 4 Thụy Khuê đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ với những tên tuổi đình đám như Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Như Quỳnh, Lan Hương, Lê Vân, Phương Thanh.... mà sau này tất cả trong số họ đã trở thành NSND.
Các bộ phim ghi dấu ấn của Hãng phim truyện Việt Nam đã được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển: Chung một dòng sông (1959), Vợ chồng A Phủ, Con chim vành khuyên (1961), Chị Tư Hậu (1963), Nổi gió (1966), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972), Đến hẹn lại lên - Em bé Hà Nội (1974), Sao Tháng Tám, (1976), Mối tình đầu (1978), Mẹ vắng nhà (1979), Chị Dậu (1981), Làng Vũ Đại ngày ấy (1982), Bao giờ cho đến tháng Mười (1984), Cô gái trên sông (1987)...
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim chủ lực sản xuất các bộ phim đề tài chiến tranh theo đơn đặt hàng của Nhà nước như: Giải phóng Sài Gòn (12,5 tỷ), Hà Nội 12 ngày đêm (hơn 10 tỷ), Sống cùng lịch sử (21 tỷ)... Tuy nhiên, các bộ phim này khi ra rạp đều vắng người xem. Sau hơn mười ngày công chiếu ở Hà Nội và TP.HCM, bộ phim Giải phóng Sài Gòn đã thu hút trên 12.000 khán giả, thu về khoảng 170 triệu đồng. Trong khi đó, Sống cùng lịch sử ra rạp tháng 8/2014 nhưng không bán nổi vé khi chiếu thương mại ngoài rạp khiến báo chí tốn không ít giấy mực khi đó.
Bước sang cơ chế thị trường, với sự bùng nổ của các hãng phim tư nhân và dòng phim thương mại, Hãng phim truyện Việt Nam gần như bị bỏ lại phía sau. Ngoài 1-2 phim trúng thầu được Nhà nước rót tiền mỗi năm, Hãng phim này không sản xuất bất cứ bộ phim nào bán vé ngoài rạp. Các bộ phim làm theo đặt hàng hầu hết chỉ đi các LHP, chiếu trong các đợt kỷ niệm. Những nghệ sĩ danh tiếng của Hãng hầu hết đều làm phim bên ngoài, cả phim điện ảnh và truyền hình do tình trạng bi đát của Hãng phim truyện Việt Nam. Thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam lừng lẫy 1 thời chỉ còn là quá khứ do sau nhiều năm hoạt động trì trệ, không hiệu quả.
Mặc dù nằm trên mảnh đất vàng tại số 4 Thụy Khuê rộng tới 5000m2 nhưng Hãng phim truyện Việt Nam gần 60 năm nay không có quyền sử dụng mảnh đất này mà chỉ là đất đi thuê. Cơ sở vật chất của Hãng nhiều năm qua xuống cấp trầm trọng. Gần đây Hãng phim truyện Việt Nam không sản xuất nổi 1 phim mỗi năm và hiện chỉ có 85 người hiện đang có tên trong bảng lương.
Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam được tiến hành từ năm 2014, dự kiến năm 2015 hoàn thành nhưng kéo dài tới 2016 mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy Vivaso. Với 32,5 tỉ đồng, Vivaso đã giành tới 65% tổng giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược. Công ty này chính thức hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6/2017.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 tháng chính thức trở thành chủ mới của VFS, Vivaso đã nhận sự phản ứng dữ dội của các nghệ sĩ đã và đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam như không trả lương cho những người không đến làm việc, tiến hành quy hoạch lại các phòng ban tại Hãng, đóng cửa lối đi chính và khuyến khích các nghệ sĩ đi bán phở, lái xe ôm để kiếm thêm thu nhập... khiến nhiều nghệ sĩ bức xúc.
Nhiều nghệ sĩ trong đó có NSND Minh Châu, diễn viên Quốc Tuấn, đạo diễn Nguyễn Đức Việt... đã ký vào lá đơn kêu cứu gửi lên Hội điện ảnh liên quan đến việc điều hành của lãnh đạo Vivaso.
Ngày 18/9, Hội điện ảnh đã có cuộc làm việc với các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam và gửi công văn Kiến nghị giải quyết theo đơn kêu cứu của cán bộ, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam lên Thủ tướng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương và Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Các nghệ sĩ nhiều thế hệ của Hãng phim truyện Việt Nam đã tập trung tại Hội Điện ảnh Việt Nam để nêu ý kiến bức xúc về những bất hợp lý trong việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Sáng cùng ngày Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái trong buổi làm việc với báo chí thông tin Hãng phim truyện Việt Nam nợ và lỗ trong suốt 20 năm, chưa thanh toán tiền thuê đất 21 tỷ.