Hướng đến phát triển động cơ đốt trong thế hệ mới
Ngày 28/5/2024, tại buổi hội thảo Multi-Pathway (Tiếp cận đa chiều), Toyota, Subaru và Mazda công bố cam kết phát triển động cơ đốt trong thế hệ mới, sạch và hiệu quả hơn. Thay vì chế tạo một động cơ để cả 3 thương hiệu cùng sử dụng, họ chỉ làm việc chung, chia sẻ công nghệ nhằm tạo ra những động cơ đặc trưng của mỗi bên. Trong đó, Toyota theo đuổi động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng.
Mục tiêu chung của 3 thương hiệu là tối ưu khả năng tích hợp mô-tơ, pin và các bộ truyền động điện khác vào động cơ đốt trong trên các mẫu xe hybrid thế hệ mới.
Những động cơ này sẽ tương thích với các nhiên liệu thay thế như: nhiên liệu điện tử (nhiên liệu tổng hợp), nhiên liệu sinh học và hydro lỏng. Hơn nữa, những động cơ mới này sẽ nhỏ gọn hơn, cho phép đầu xe thấp hơn để cải thiện tính khí động học, tăng hiệu suất và giảm tiêu thụ nhiên liệu, đồng thời có thêm khoảng trống để tối ưu thiết kế khoang máy và khoang cabin.Dù nhỏ hơn, động cơ đốt trong thế hệ mới được mô tả “có hiệu suất mạnh mẽ hơn”, đáp ứng các quy định khí thải ngày càng nghiêm ngặt ở nhiều thị trường khác nhau trên toàn cầu.
Cả ba thương hiệu vẫn là đối thủ cạnh tranh về mặt sản phẩm, dù cùng nhau phát triển động cơ đốt trong thế hệ mới.
Ông Koji Sato - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Toyota phát biểu: “Để mang tới những mẫu xe điện khí hóa đa dạng cho khách hàng, chúng tôi cần đối mặt với thách thức phát triển các động cơ mới phù hợp với tình hình năng lượng trong tương lai. 3 thương hiệu có cùng nguyện vọng cải tiến công nghệ động cơ đốt trong thông qua hình thức cạnh tranh lành mạnh”.
Tại sao không phải động cơ thuần điện?
Khi phóng viên đặt câu hỏi về xe thuần điện, đại diện Toyota khẳng định, xe điện rất quan trọng trong hành trình tiến tới mục tiêu trung hòa carbon. Các thương hiệu đang cung cấp ra thị trường nhiều mẫu xe điện khí hóa, bao gồm cả xe thuần điện. Hiện tại, xe thuần điện chưa thể tăng trưởng nhanh do rào cản về giá và cơ sở hạ tầng trạm sạc.
“Các nghiên cứu mới chỉ ra rằng, khoảng 70% xe động cơ đốt trong vẫn được sử dụng vào năm 2030. Do đó, để theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon, chúng tôi tin giải pháp hiệu quả nhất là thúc đẩy xe thuần điện (BEV) phát triển, đồng thời khuyến khích sử dụng các loại xe hybrid (HEV) và plug-in hybrid (PHEV) vốn có giá cả phải chăng để giảm khí thải carbon ngay từ bây giờ”, đại điện Toyota trả lời.
Hãng xe khẳng định, động cơ đốt trong vẫn đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu trung hòa carbon thông qua việc giảm khí thải carbon. Nỗ lực này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển và khuyến khích các thương hiệu khác hành động.
Xe Toyota hybrid được thị trường Việt Nam đón nhận
Dải sản phẩm điện hóa được phân phối dựa vào từng thị trường, môi trường xã hội và nhu cầu của khách hàng. Với thị trường Việt Nam, Toyota khởi đầu chiến lược “tiếp cận đa chiều” bằng dải sản phẩm hybrid trải dài mọi phân khúc từ sedan, SUV đến MPV. Đại diện Toyota đánh giá, hiện tại chiến lược này đang đi đúng hướng.
Thống kê 5 tháng đầu năm 2024, Toyota Việt Nam đã bán ra 1.291 xe hybrid, nâng tổng tích lũy lên 9.765 xe. Dải sản phẩm hybrid của hãng cũng được mở rộng với 6 mẫu xe trải dài các phân khúc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng của người dùng Việt.
Xe hybrid cũng được các doanh nghiệp kinh doanh taxi đánh giá cao. Vinasun vừa công bố kế hoạch chi 630 - 650 tỷ đồng để mua 700 xe hybrid của Toyota trong năm nay. Mai Linh cũng đang chuyển dần sang xe hybrid với kế hoạch đầu tư 9.999 xe, trong đó có kế hoạch đầu tư thêm 1.000 xe hybrid mới trong 3 năm tới.
Theo dự án nghiên cứu về hiệu quả xe hybrid tại Việt Nam trên mẫu xe Corolla Cross Hybrid, dù có sự khác nhau ở các điều kiện vận hành, thử nghiệm, nhưng kết quả cho thấy sử dụng xe hybrid cùng xăng sinh học là giải pháp tối ưu ở hầu hết điều kiện vận hành để: tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải và tối ưu khả năng tăng tốc.
Lệ Thanh