Nửa đêm, phụ huynh vây kín cổng trường tìm 'cửa' vào lớp 10 cho con
Clip phụ huynh Hà Nội xuyên đêm đi giành suất lớp 10 cho con
Tối 1/7, sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập, một người mẹ đã viết lên diễn đàn bày tỏ nỗi buồn khi con không đỗ bất kỳ trường chuyên nào. Chị nói sau khi biết điểm thi của con, chị vừa muốn trách con vừa tự trách bản thân mình vì đã chủ quan, không sát sao, đồng hành với con từ sớm, để đến khi nhận ra sai lầm đã không còn thời gian sửa chữa.
Chị cũng kể lại rằng con trai lớn trước đây học rất nhẹ nhàng. Con tự quyết mọi việc học, vẫn đỗ chuyên Tin mà không cần mẹ phải bận tâm điều gì. Vì thế, khi nhận kết quả thi của người con thứ hai, chị cảm thấy vô cùng sốc.
Dưới bài viết, không ít phụ huynh cũng bày tỏ cùng chung tâm trạng hụt hẫng, vừa trách bản thân, vừa thương con khi không đỗ vào nguyện vọng như mong muốn.
Là phụ huynh có con trúng tuyển vào lớp 10 công lập ở Hà Nội, chị Bùi Thanh Loan (Cầu Giấy) cảm thấy thương cho những đứa trẻ “phải gánh trên vai nhiều kỳ vọng” nhưng lại không đạt kết quả như mong muốn.
“Những đứa trẻ ấy quả thực rất tội. Còn phụ huynh ngay sau khi biết điểm chuẩn lại tiếp tục bắt đầu cuộc chiến mới: chạy đôn chạy đáo ở cổng trường tư”.
Trên chặng đường đồng hành cùng con, chị Loan nhận thấy với không ít gia đình, con cái vất vả 4 phần, cha mẹ phải chật vật tới 6 phần để con có một chỗ học.
“Từ mấy tháng trước, nhiều gia đình đã đăng ký vào các trường tư để đề phòng nếu con trượt trường công lập, mỗi trường mất tới 5 – 6 triệu đồng.
Đến khi thi xong lớp 10, con không may mắn đỗ, phụ huynh lại tiếp tục “chạy đua” đóng tiền để được nhập học trường tư. Đôi khi, chỉ cần chậm chân cũng “hết suất”, vì mỗi trường chỉ lấy khoảng 200 – 300 chỉ tiêu”.
Chung cư mọc lên như nấm, dân số tăng nhanh, trong khi số lượng trường công ít ỏi… theo chị Loan, đó là những lý do khiến các kỳ thi đầu cấp năm nào cũng giống như những “cuộc chiến”.
“Trước đây, thi đỗ vào lớp 10 công lập là chuyện đương nhiên, còn đỗ đại học mới là cao thủ. Giờ đây, đỗ đại học dễ hơn thi lớp 10 gấp nhiều lần. Không vào được các trường công lập, học sinh không có nhiều lựa chọn, nhất là khi học phí của các trường tư hiện nay đa phần cao hơn rất nhiều so với thu nhập người dân”.
Áp lực “phải vào trường công” luôn lớn nên theo chị Loan, đó là nguyên nhân dễ dẫn tới những sự việc đau lòng.
“Mới đây, một người mẹ ở Hà Nội đã đăng tin lên mạng xã hội tìm con trai bỏ nhà đi sau khi biết điểm chuẩn vào lớp 10. Thật may mắn, con đã về nhà bình yên. Nhưng cũng có không ít trường hợp vì kỳ vọng của bố mẹ, người thân quá lớn đã khiến chúng rơi vào bế tắc”.
Chị Loan cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 chỉ là một sự trải nghiệm đầu đời của trẻ. Vậy nên, việc đỗ hay trượt cũng không phải vấn đề quá nặng nề. Điều quan trọng, trẻ cần phải rút ra bài học: “Nếu cố gắng trong cuộc sống sẽ nhận được những gì, còn không nỗ lực kết quả sẽ ra sao”.
“Đời người sẽ trải qua rất nhiều kỳ thi. Không phải đạt điểm 9, điểm 10 khi đi học sau này sẽ luôn thành công. Tôi cho rằng, điều quan trọng, bố mẹ cần phải trang bị cho con đầy đủ các kỹ năng sống để con tự tin trong mọi thử thách”.
“Đôi khi, trượt kỳ thi lớp 10 lại là một may mắn”
Chia sẻ với VietNamNet, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng trước mỗi kỳ thi, học sinh và phụ huynh đều có những kỳ vọng. Đó đều là những kỳ vọng chính đáng, nhưng không phải lúc nào kết quả cũng được như mong đợi.
“Bản thân đứa trẻ khi thi trượt đã rất đau buồn. Lúc này, cha mẹ cần phải “kìm nén” những kỳ vọng để chia sẻ và đồng hành cùng con. Việc chọn một ngôi trường tư phù hợp cũng là bài toán quan trọng nhất lúc này. Phụ huynh cần động viên, tiếp thêm cho con ý chí, nghị lực để bước tiếp và nỗ lực về sau”.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, mọi sự chỉ trích, mắng mỏ trong thời điểm này đều không có tác dụng, thậm chí sẽ khiến đứa trẻ càng thêm tổn thương, phẫn uất, dẫn tới những hành động dại dột.
Ông cũng dẫn lại nhiều trường hợp học sinh có sức học tốt, nhưng không đạt được nguyện vọng vào các trường top đầu. Song, “trong cái rủi lại có cái may”, khi học tại những ngôi trường top dưới, học sinh này nhờ lực học tốt, được thầy cô động viên, em luôn dẫn đầu trong các kỳ thi của trường. Nhờ đó, em đã thuận lợi đỗ vào những trường đại học tốt trong nước.
Ngược lại, có không ít trường hợp học sinh đỗ vào những ngôi trường top đầu, nhưng vì chủ quan mình giỏi, cuối cùng lại không có ý chí phấn đấu và gặp thất bại về sau.
“Cho nên chúng ta không nên ân hận về những điều không làm được. Điều quan trọng, các em cần phải rút kinh nghiệm. Trước thất bại, bạn cần phải vững vàng để tiếp tục vươn lên”.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng sự buồn bã, lo âu và hoang mang khi học sinh trượt trường công lập là điều dễ thấy nhưng lúc này, bố mẹ cần hiểu rằng, trẻ cần nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời hơn là trách móc, dằn vặt.
Bởi chỉ tiêu tuyển sinh vào 10 công lập hàng năm gần như không thay đổi, với khoảng hơn 30.000 học sinh sẽ không được vào công lập. Không học sinh, gia đình nào muốn con em mình nằm trong số đó nhưng trong tình huống này, việc phụ huynh phải “dẹp thất vọng sang một bên” để bảo vệ con, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối mặt là điều cần thiết, giúp trẻ bớt đi gánh nặng tâm lý, tiếp tục có động lực trong học tập.
“Ở lứa tuổi của các con, tâm sinh lý đang thay đổi, dễ có những lời nói hay hành vi mang tính tiêu cực nhất thời. Thực tế, những đứa trẻ bỏ nhà ra đi hay có ý nghĩ bản thân vô giá trị, muốn tự tử… hoàn toàn do chúng đang đổ lỗi về phía mình".
Thay vì trách mắng các con trong giai đoạn “nhạy cảm” này, bố mẹ nên là chỗ dựa tinh thần để trẻ cảm thấy tự tin mà bước tiếp.
“Sự đồng hành và thấu cảm từ cha mẹ là điều quan trọng nhất, giúp trẻ hiểu rằng cuộc đời sẽ là những cuộc thi. Bài học lần này sẽ giúp con học cách trở nên mạnh mẽ, rút ra những sai lầm để trưởng thành hơn”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.