Tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden là thành quả của quá trình chấp nhận mạo hiểm và tìm kiếm trong nhiều năm. Công lý đã được thực thi, Bin Laden đã phải trả giá những tội ác kinh hoàng mà hắn gây ra. Nhưng 5 năm trôi qua kể từ khi trùm khủng bố bị tiêu diệt, mối nguy từ chủ nghĩa khủng bố vẫn không ngừng gia tăng.
Đối với người Mỹ, ngày 1/5/2011, khi Tổng thống Obama tuyên bố Bin Laden bị tiêu diệt là ngày nước Mỹ trả được mối hận 10 năm trước, khép lại chương sử đau thương của vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9. Tuy nhiên, đối với cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động cũng kể từ sau vụ 11/9 đến nay, tiêu diệt Bin Laden chưa phải là bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược. Thực tế, cuộc chiến này đến nay vẫn chưa chấm dứt, thậm chí còn diễn biến phức tạp hơn. Loại bỏ Bin Laden không đồng nghĩa với việc tiêu diệt được phong trào thánh chiến mà Bin Laden chỉ là một đại diện.
Trong một phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo thượng viện tháng 2/2016, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ ông James Clapper nhận định, chưa bao giờ thế giới lại có nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan bạo lực như hiện nay. Phong trào thánh chiến nay đã biến thể và lan rộng từ Tây Phi đến Trung Đông và Đông Nam Á. Nước Mỹ và thế giới giờ đang phải đối mặt với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, một nhánh nổi loạn từ al-Qaeda, cường bạo hơn cả tổ chức của Bin Laden. Trong khi đó, al Qaeda cùng các chân rết lại chọn cách âm thầm phát triển, thấm dần vào cơ sở xã hội tại những khu vực đang chìm trong nội chiến, mâu thuẫn xã hội, chủ nghĩa bè phái và chia rẽ tôn giáo. Đây chính là những mối đe dọa khủng bố hiện hữu cả trước mắt và lâu dài đối với nước Mỹ và thế giới.
Theo VTV