PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay còn 9 ngày nữa, hệ thống đăng ký nguyện vọng xét tuyển của Bộ GD-ĐT sẽ kết thúc việc nhận đăng ký của thí sinh (vào 17h ngày 30/7).
“Các em cũng không nên chờ đến sát thời điểm cuối cùng, bởi lúc này có thể nhiều người đăng ký, gây nghẽn mạng”, bà Thủy nói.
Bà Thủy cho hay trên toàn quốc, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Song, hiện mới có gần 390.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng lên hệ thống, chiếm khoảng 1/3.
“Cụ thể là khoảng 37%. Tỷ lệ này so với cùng kỳ các năm là còn thấp. Như vậy cho thấy nhiều thí sinh đang cân nhắc về quyết định của mình”, bà Thủy nói.
Bà Thủy hơi lo lắng khi đến thời điểm này, chưa có nhiều thí sinh đăng ký trên hệ thống. “Có thể các em còn đang phân vân, băn khoăn chưa ra quyết định. Nhưng cũng có thể các em đang hiểu nhầm một số thông tin nào đó, nghĩ rằng mình đã trúng tuyển sớm (trúng tuyển có điều kiện vào một số trường đại học) và nghĩ rằng không cần đăng ký trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT nữa”, bà Thủy nói.
Bà Thủy lưu ý nếu muốn trúng tuyển chính thức vào một trường đại học bất kỳ đều bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết địa phương có số đăng ký nhiều nhất hiện nay là Hà Nội và TP.HCM. Song, nếu xét theo tỷ lệ số đã đăng ký/số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bình Dương lại là địa phương có tỷ lệ thí sinh đã đăng ký nhiều nhất, trên 53%, tiếp theo là các tỉnh Bạc Liêu, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.
Qua thống kê cũng cho thấy, số thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng khá nhiều. “Chúng tôi đang ghi nhận 72.000 thí sinh đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Thí sinh cần lưu ý không nên đăng ký quá ít nguyện vọng bởi rủi ro có thể xảy ra. Dù biết rằng năm nay, nhiều thí sinh đã trúng tuyển xét tuyển sớm (và chỉ cần đăng ký nguyện vọng và tốt nghiệp THPT) song các em vẫn nên đề phòng những trục trặc có thể xảy ra”.
Ngược lại, bà Thủy cũng cho rằng, thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng tránh lãng phí. “Việc đăng ký hàng trăm nguyện vọng là không cần thiết. Tôi đã thấy có những thí sinh đăng ký hơn 100 nguyện vọng ở những năm trước”, bà Thủy nói.
Trước băn khoăn của phụ huynh khi một thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển sớm ở nhiều trường nhưng sau khi đủ điều kiện trúng tuyển không đăng ký nhập học lại gây mất cơ hội của thí sinh khác, bà Thủy cho hay: Một thí sinh bất kỳ dù đủ điều kiện xét tuyển sớm nhiều nguyện vọng của nhiều trường đại học, song vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Hệ thống sẽ xét tuyển theo thứ tự nguyện vọng. Sau đó, hệ thống sẽ tiến hành lọc ảo, do đó, cơ hội còn lại sẽ dành cho thí sinh khác.
Tại ngày hội, cũng liên quan đến xét tuyển sớm, một vị phụ huynh chia sẻ dù con đã đủ điều kiện trúng tuyển đến 15 nguyện vọng nhưng chị vẫn rất lo lắng.
Vị phụ huynh lo bởi: "Trong quá trình đặt thứ tự nguyện vọng nếu những nguyện vọng xét tuyển sớm này không đặt ở những thứ tự nguyện vọng cao, cơ hội trúng tuyển đại học của con ra sao, có bao giờ trượt tất cả?".
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay nếu con không đỗ các nguyện vọng phía trên, chắc chắn sẽ đỗ các nguyện vọng xét tuyển sớm nếu đã đủ điều kiện.
"Trường hợp nào không đỗ nguyện vọng xét tuyển sớm, hãy làm đơn kiến nghị gửi lên Bộ GD-ĐT và chúng tôi sẽ xử lý, giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Do đó, phụ huynh và thí sinh hoàn toàn yên tâm", bà Thủy nói.