72 GIỜ ĐẢO LỘN CUỘC SỐNG VÌ NƯỚC LŨ Ở HÀ NỘI

18h ngày 8/9, nước sông Bùi bắt đầu dâng cao do ảnh hưởng của mưa lớn trên thượng nguồn. 20h, lũ lên mạnh, người dân các xã thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nhận được loa thông báo gấp rút sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.

Ngày 9/9, cả làng trên lẫn xóm dưới lao đao. Người lớn ở lại thu dọn, gói ghém đồ đạc để chạy, trẻ con được gửi đến nhà người thân ở nơi cao hơn. Cứ như thế, họ quay cuồng vài ngày đối phó với nước lũ.

Khi mặt trời đã tỏ, người ta không còn trông thấy đồng ruộng, ao hồ, đường làng… Cả một vùng rộng lớn ngập trắng. Con đê Bùi 2 vốn được tôn cao để che chắn nay cũng “biến mất” trong dòng nước lớn.

Hàng nghìn hộ dân sinh sống ở các thôn, xã ven sông Bùi như Nhân Lý, Nam Hải, Yên Trình đã quá quen với cảnh này khi vài năm lại xảy ra ngập lụt một lần. Nhiều gia đình phải dùng thuyền để đi lại trên đường làng.

Mực nước có nơi ngập sâu hơn 1m.

Trong khi bố mẹ phải ra trang trại kiểm kê gà vịt, Hiếu (17 tuổi) tranh thủ dọn dẹp nhà cửa. Em tích trữ vài chậu nước sạch để phục vụ ăn uống, sinh hoạt của gia đình trong những ngày tới.

Một vài ngôi nhà im ắng bởi chủ nhân đã đi lánh ở nơi khác.

Chị Tư đứng trong khu chuồng chăn nuôi đã trống trơn. Gia đình chị là một trong những hộ chăn nuôi lớn của xã Tân Tiến với 5 trang trại. “Tôi chuyển được 8 tấn cám và hơn 1.000 con gà, vịt, lùa vào chỗ an toàn. Nay, trời đã quang nhưng nước rút vẫn còn chậm quá, phải khô ráo mới có thể đưa gia súc về", chị chia sẻ. 

Chị ước tính đến nay đã mất trắng 5 mẫu ao cá (hơn 4 tấn), 300 con vịt, 200 con gà, thiệt hại hơn trăm triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Thơm (xã Hoàng Văn Thụ) nuôi 12 con lợn, kịp đưa đi tránh lũ ở nơi cao hơn. Tuy nhiên sau 2 ngày, một vài con trong đàn bắt đầu xuất hiện vết đỏ trên da.

Nước trong ao hồ dềnh lên, cá nuôi của những hộ kinh doanh theo đó thoát ra ngoài. Con số chỉ mới được ước chừng dựa vào những năm ngập lụt trước đó. Người dân nơi đây ước tính thiệt hại bằng vài tấn cá, có nhà quy ra cả chục triệu, trăm triệu.

Nguyễn Văn Bình ngồi bệt xuống đất mệt nhoài sau hàng tiếng đồng hồ vật lộn với nước lũ. Phía sau lưng chàng trai này, con đê Bùi 2 ngập trắng. Gia đình Bình nuôi cá trắm, nước dâng cao khiến chúng bơi hết ra ngoài và bị cuốn đi. "Cá nhà tôi sắp tới vụ thu, ước tính thiệt hại lên tới 50 triệu đồng, xót xa lắm", anh nói.

Nhà ngập nước, đường đến trường cũng khó khăn, trẻ em trong các thôn do ảnh hưởng của sự cố này phải chủ động nghỉ học. 

Em Nguyễn Thị Dịu (lớp 6) trở về nhà lấy sách vở rồi lại sang ông bà để ở nhờ mấy ngày sắp tới. Đêm trước, em và nhiều trẻ nhỏ khác trong xã được bố mẹ đưa đến nhà người quen lánh nạn. 

Trẻ em không tới trường, khi ở nhà những ngày này, chúng rủ nhau lội nước chơi đùa. 

Những cậu bé tinh nghịch xem đường làng, ngõ xóm như bể bơi, hồn nhiên ngụp lặn trong làn nước lũ đỏ au.

 Những đứa trẻ chơi trò mạo hiểm với mưa lũ trong khi người lớn đang mải lo đối phó với nước ngập.

Đến chiều 10/9, nước bắt đầu rút, chỉ còn ngập 25cm.

Dân quân, bộ đội cùng người dân khu vực chịu ảnh hưởng chung tay làm bao tải đất đắp đập ngăn nước tràn vào.

Con đê Bùi 2 được che chắn, để lộ ra phần đường bê tông nằm giữa mênh mông nước.

Lũ rút, người dân rục rịch quay lại dọn dẹp nhà cửa để ổn định cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Ý thất thểu bê nồi cơm về để chuẩn bị bữa tối cho chồng con. Trong đêm chạy sang nhà người thân tránh lũ, người phụ nữ này chỉ kịp ôm theo vài bộ quần áo.

Trong những ngày mưa lũ, nông dân trong các làng vẫn đi làm đồng. Người thì ra trang trại thu dọn, người tranh thủ nước lớn đi buông lưới, giăng câu. Chiều muộn, họ trở về nhà trên con đường đọng đầy bùn đất.

Huyện Chương Mỹ có địa hình thấp trũng, là nơi thoát lũ của Hà Nội nên thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi nước tràn về. Trước đó trong năm 2008, 2018, nơi đây từng chìm trong biển nước, thiệt hại khá nặng nề.