Nhà báo Quyết Thắng: Thưa ông, cần phải nói ngay rằng, sự thành công liên tiếp của Ánh Viên tại các giải đấu vừa qua, khiến người hâm mộ cả nước rất kỳ vọng vào một tấm huy chương của VĐV này tại Olympic 2016. Ngành thể thao tính toán như thế nào về tương quan, cũng như sự đầu tư trong thời gian tới, để Ánh Viên nâng cao thành tích nhằm đạt mục tiêu nói trên?

Ông Trần Đức Phấn: Có thể nói rằng việc đầu tư cho VĐV Nguyễn Thị Ánh Viên là một kế hoạch đầu tư dài hạn, trong đó có việc chuẩn bị cho VĐV này tham dự đại hội thể thao lớn nhất hành tinh là Olympic 2016 tại Brazil.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Ánh Viên có sự chuẩn bị tốt nhất. Về phía ngành, chúng tôi cũng đã có những phương án chuẩn bị cho Ánh Viên bắt đầu từ năm 2016.

Tất nhiên, những kế hoạch chuẩn bị cho Ánh Viên đã có từ lâu, trong đó có sự lồng ghép các nhiệm vụ quốc tế với nhau. Cho đến thời điểm này, Ánh Viên đã thực hiện một số giải pháp liên quan đến Olympic 2016. Chúng ta rất kỳ vọng vào Ánh Viên ở 2 nội dung sở trường của cô. Để sự chuẩn bị đáp ứng với thành tích tại Olympic 2016 ra sao là cả một bài toán mà không chỉ có sự liên quan của bơi lội, còn của toàn ngành.

Riêng VĐV Ánh Viên sẽ được đầu tư chuyên biệt. Sự đầu tư này giúp cho Ánh Viên có những trải nghiệm tốt nhất ở những sân chơi mà cô tham dự.

Nhà báo Quyết Thắng: Theo thông tin từ Tổng cục Thể dục Thể thao thì hiện nay quá trình tập luyện tại Hoa Kỳ của Nguyễn Ánh viên có diễn ra hoàn toàn thuận lợi hay có gặp phải khó khăn gì? Nếu như sắp tới đây, nếu Nguyễn Ánh Viên muốn thay đổi cơ sở huấn luyện, thay huấn luyện viên nhằm hướng tới những thành tích cao hơn nhưng chi phí sẽ lớn hơn chẳng hạn thì Tổng cục Thể dục Thể thao có sẵn sàng đáp ứng?

Trong năm 2016, một trong những kế hoạch chúng ta chuẩn bị cho Olympic có việc liên quan đến sự điều chỉnh địa điểm tập luyện theo đề nghị của ban huấn luyện, cụ thể là HLV Đặng Anh Tuấn. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị này, với cơ sở tập luyện ở Mỹ thì chúng tôi đánh giá là tốt và có nhiều điều kiện để VĐV có thể tập luyện trên các vùng núi cao, chuẩn bị cho những vấn đề liên quan đến cự ly 400m hỗn hợp của Ánh Viên.

Ánh Viên, Trần Đức Phấn, bơi lội, đầu tư, chuyên biệt
Ánh Viên tiến bộ rất nhanh thời gian qua

Những khó khăn chính là từ trước tới nay chỉ có một thầy, một trò ở bên Mỹ, trong đó có một số chuyên gia nước ngoài giúp. Về cơ bản Ánh Viên không có vấn đề gì trong tập luyện, vẫn đảm bảo theo kế hoạch của BHL đề ra, cũng như công tác huấn luyện, kể cả chuyên môn lẫn thể lực.

Tuy nhiên, để quá trình chuẩn bị cho Ánh Viên được tốt hơn, chúng tôi có một sự điều chỉnh liên quan đến địa điểm tập luyện. Cụ thể là sau khi Ánh Viên tham dự giải Quân sự thế giới trở về, sẽ trở lại Nhật Bản để tập huấn. Đây là đợt tập huấn mang tính giai đoạn, tạo cho Ánh Viên thoải mãi tâm lý, đáp ứng được nhiệm vụ của Ánh Viên tại đấu trường lớn. Ngoài ra, Ánh Viên sẽ được tập luyện trong một môi trường mà ở đó có nhiều VĐV của Nhật Bản có trình độ cao.

Theo khảo sát của Liên đoàn, qua việc thống nhất với BHL, đề nghị với Tổng cục TDTT cho phép Ánh Viên chuyển địa điểm tập luyện ở giai đoạn từ nay tới cuối năm.

Việc đầu tư cho Ánh Viên về cơ bản ngành thể thao sẽ đáp ứng toàn bộ chi phí trong quá trình tập luyện cũng như tham gia các giải đấu.

Chúng ta tập luyện nhưng phải qua thi đấu cọ xát để tạo cho VĐV có kinh nghiệm là rất quan trọng. Do vậy, chủ trương chúng tôi đáp ứng tất cả những điều kiện mà BHL đề nghị.

Ánh Viên, Trần Đức Phấn, bơi lội, đầu tư, chuyên biệt
Ánh Viên được kỳ vọng sẽ giành huy chương ở sân chơi Olympic

Nhà báo Quyết Thắng: Thưa ông, hiện tượng Nguyễn Thị Ánh Viên đã tạo cảm hứng cho hàng nghìn em nhỏ thích thú môn bơi lội. Trước mắt, ngành thể thao sẽ có ngay những việc làm gì để có thêm nhiều Ánh Viên, không chỉ của bơi lội mà còn của nhiều môn khác nằm trong hệ thống Olympic?

Ông Trần Đức Phấn: Trong kế hoạch từ nay tới năm 2020, một trong những vấn đề đặt ra là chúng ta phải tuyển chọn được nhiều VĐV trẻ có tài năng. Một phần các VĐV trẻ ở ĐTQG chuẩn bị cho nhiệm vụ tham dự ASIAD 2018 tại Indonesia.

Trên cơ sở các VĐV hiện nay, ngành cũng đã có những danh sách VĐV trẻ của các môn thể thao. Bên cạnh đó, chúng ta chuẩn bị cho mục tiêu nữa là Olympic 2020 tại Nhật Bản và những nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo.

Ánh Viên là một trong những VĐV hiếm có của thể thao Việt Nam, đặc biệt là trong môn bơi lội có chu kỳ cá nhân, lại càng cần phải có sự tuyển chọn, đào tạo hết sức bài bản, hệ thống và khoa học, thì mới có thể đáp ứng được thành tích mà chúng ta mong muốn.

Về phía Tổng cục, chúng tôi chuẩn bị một hành trang cho bơi lội nói riêng và các môn thể thao khác nói chung, đó là tuyển chọn các em theo đặc thù lứa tuổi, để chúng ta có một cơ sở đào tạo ngay từ sớm, bằng những giải pháp mạnh hơn về mặt chuẩn bị cho VĐV như thuê chuyên gia nước ngoài, gửi VĐV đến các quốc gia có nền thể thao phát triển, giúp VĐV của mình tiếp cận nhanh hơn.

Nhà báo Quyết Thắng:Xin cảm ơn ông Trần Đức Phấn về những thông tin bổ ích!

VietNamNet