- Thưa bà, nói về ngành trứng Việt Nam, nhiều người biết đến tên tuổi Ba Huân. Vậy người chọn nghề hay nghề chọn người trong cuộc đời gắn liền với những quả trứng gia cầm của bà ?
Bà Ba Huân: Tôi sinh ra trong một gia đình nhà nông ở Long An. Nói ra không phải kể khổ, nhưng gia đình tôi đúng nghèo. Tôi bỏ học từ bé, theo mẹ gánh trứng. Tôi đi các ấp để mua lại trứng của người dân rồi sau đó mang ra chợ quê bán lấy tiền. Khi nhu cầu ngày càng lớn, tôi buôn bán qua các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp,... rồi vận chuyển lên TP.HCM.
Đến giờ, tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ và tôi đi cùng những ghe trứng từ Long An, Kiên Giang lên TP.HCM, giao tới điểm bán. Đó là những năm 1970. Lúc bấy giờ, di chuyển đường bộ khó khăn nên trứng được vận chuyển chủ yếu bằng ghe.
Ngoảnh đi ngoảnh lại đã 50 năm có lẻ. Ở đây, không phải người chọn nghề hay nghề chọn người. Đơn giản, việc bán trứng đã nuôi sống gia đình 8 anh chị em chúng tôi. Sau thời gian theo mẹ, tôi tiếp quản công việc kinh doanh, thương hiệu trứng Ba Huân ra đời năm 1985.
- Khi dịch cúm gia cầm ập đến năm 2003, bà từng tính bỏ nghề?
Bà Ba Huân: Đúng. Đó là năm dịch cúm gia H5N1 xuất hiện, cơ đồ gây dựng của gia đình gần như biến mất. Dịch cúm xuất hiện cùng với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, ngành trứng không ngoại lệ. Người tiêu dùng không sử dụng trứng trong một thời gian dài.
Tôi đã tính bỏ nghề, chuyển hướng kinh doanh. Tuy nhiên, khi tôi đi về vùng quê Đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy cái khổ của người nông dân lúc đó. Trứng ế, không tiêu thụ được, bị vứt bỏ, họ ôm tôi rồi khóc tức tưởi. Tôi tự hỏi rằng, tại sao trứng các nước khác đều bán được, còn trứng của nông dân mình phải hủy bỏ. Sao có thể để ngành trứng của một đất nước đi lên từ cây lúa, từ nông nghiệp có thể mai một. Lúc đó, tôi phải tìm đường cứu cơ nghiệp gia đình, cứu quả trứng Việt.
Tôi chấp nhận bán gia sản, vay mượn để mua thiết bị xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan). Đây được xem là bước ngoặt cho ngành trứng gia cầm truyền thống. Dây chuyền công nghệ trên gồm 2 lần rửa bằng nước sạch; sấy khô; soi loại bỏ trứng hỏng, vỡ; chiếu tia UV diệt khuẩn 99%; rồi phủ lên một lớp dầu bảo vệ trứng. Tiếp theo, trứng được in số hiệu để truy xuất nguồn gốc và đóng hộp. Dây chuyền có công suất 65.000 trứng/giờ.
Khi đặt bút ký hợp đồng mua dây chuyền, lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam được treo lên tại đất nước Hà Lan. Ngành sản xuất trứng đã hội nhập cùng thế giới. Đó là năm 2005. Việc đầu tư dây chuyền công nghệ khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn quốc tế đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng trở lại, vực dậy ngành gia cầm đang trong cơn khủng hoảng, kéo doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Đến giờ, Ba Huân đã có 3 trang trại và 4 nhà máy sản xuất trứng, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ở hai đầu đất nước. Nếu chạy hết công suất, sản lượng trứng có thể đạt 2 triệu quả/ngày, đảm bảo nhu cầu trong nước và quốc tế.
Nói về xuất khẩu, hiện, nước ta đã xuất đi nhiều sản phẩm từ gạo, trái cây, cà phê... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn cần có những "nhạc trưởng" chủ trì, hướng dẫn bà con nông dân biết cụ thể, nước bạn cần nhập khẩu, xuất khẩu mặt hàng gì liên quan tới Việt Nam. Từ đó, chúng ta cân đối, tập huấn cho nông dân sản xuất theo nhu cầu thực tế, tránh dư thừa. Trên thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn rất lớn, những mặt hàng xuất khẩu nên được chú trọng.
- Giữa đại dịch Covid-19 năm 2021, trong các cuộc họp về công thương của TP.HCM, người ta nhớ đến cái xua tay từ chối tăng giá trứng của bà. Vì sao lại như vậy, thưa bà?
Bà Ba Huân: Trung tuần tháng 7/2021, cao điểm dịch Covid-19 tại thành phố. Lúc đấy, xuất hiện tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội, giá thành nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng cao, dẫn đến tình trạng thua lỗ của doanh nghiệp sản xuất.
Sở Công Thương TP.HCM đồng ý cho tăng giá một số mặt hàng thực phẩm, các doanh nghiệp cũng đều đề nghị tăng giá bán ra nhưng tôi không nhất trí. Doanh nghiệp bình ổn đóng vai trò giải cứu thị trường, nếu Ba Huân tăng giá, sẽ khiến mặt bằng giá trứng tăng cao. Người nghèo mới xài trứng nên tôi phải giữ giá bằng được. Tôi có hai lần từ chối tăng giá trứng.
Thời điểm đấy, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng NN-PTNT, có gọi điện và nhờ tôi hỗ trợ. Tôi nói, các anh đừng tăng giá, tôi cũng sẽ không tăng và đảm bảo cung ứng 1 triệu quả trứng/ngày cho TP.HCM. Kết quả, cơn “sốt” thiếu trứng cục bộ chỉ diễn ra ít ngày, sau đó, hệ thống phân phối tại thành phố đã ổn định, bán trứng cho người dân.
Lúc đó, giá trứng bên ngoài được bán với giá cao hơn gấp đôi trứng của Công ty Ba Huân. Nếu tăng giá chỉ vài nghìn đồng/hộp, tôi nghĩ công ty có thể thu thêm vài trăm triệu đồng/ngày, qua mùa dịch cũng có vài chục tỷ đồng. Nhưng tôi nghĩ, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra 5-10 tỷ mua vắc-xin tiêm cho người lao động, cho người dân thành phố. Tại sao Ba Huân không thể giúp? Chúng tôi là doanh nghiệp nông nghiệp, số tiền tích lũy không nhiều, nên chúng tôi đóng góp bằng trứng giá bình ổn cho bà con.
Tóm lại, tôi rất hiểu, kinh doanh phải có lời, nhưng không phải nhằm lúc khó khăn để làm giàu. Kinh doanh là việc cả đời, chớ có tát nước theo mưa.
- Sau những biến cố, doanh nghiệp đã hoạt động ổn định và quy mô tài sản hiện lên tới 2.500 tỷ đồng. Doanh nghiệp mới có một CEO trẻ, là người ngoài gia đình tham gia điều hành kinh doanh. Tiêu chí nào khiến bà lựa chọn doanh nhân như vậy ?
Bà Ba Huân: Trước nhất, đừng bao giờ nghi ngờ người trẻ. Thế hệ trẻ ngày nay là những người giỏi. Họ được đào tạo bài bản, có chí tiến thủ trong công việc.
CEO mới của Ba Huân sinh năm 1985. Tôi sinh năm 1954, hai thế hệ cách nhau cả nửa thế kỷ. Tôi đã lớn tuổi rồi, thế hệ chúng tôi dày dạn kinh nghiệm, nhưng nếu nói về mức độ nắm bắt kịp thời đại, ứng dụng khoa học công nghệ thì không bằng các bạn trẻ. Hãy cho người trẻ cơ hội được thể hiện mình.
Tôi chỉ nhắn nhủ với người tiếp quản, điều hành công ty Ba Huân như lời mẹ từng dạy tôi: "Buôn bán thì phải thật thà, chớ cho ai lận cũng chớ mà lận ai. Nhớ điều này thì sẽ thành công".
- Bà có lo ngại việc người ngoài vào điều hành hoạt động kinh doanh trong cơ ngơi mà gia đình đã gây dựng hàng chục năm trời?
Bà Ba Huân: Không. Trước khi nhận trọng trách điều hành doanh nghiệp, CEO mới đã trải qua thời gian trải nghiệm 6 tháng. Cậu ấy là người kính trọng cá nhân tôi và tôn trọng cơ nghiệp do chúng tôi tạo dựng.
Mục tiêu doanh thu của Ba Huân trong năm 2023 là 2.400 tỷ đồng, năm 2024 là 3.200 tỷ đồng. Thời kỳ hiện đại hóa ngành nông nghiệp đã tới. Mô hình công ty gia đình không phù hợp cho sau này, thế hệ trẻ phải tiếp quản để đưa doanh nghiệp lên tầm cao mới.
Hiện, sản phẩm của Ba Huân có mặt tại 4 quốc gia trên thế giới gồm: Mỹ, Singapore, Malaysia và Hong Kong (Trung Quốc), dư địa xuất khẩu còn lớn. CEO mới là người tu nghiệp ở nước ngoài, do đó, thị trường xuất khẩu sẽ là điểm mạnh cho cậu ấy phát huy năng lực.
Đối với thị trường trong nước, công ty đẩy mạnh việc cung ứng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi đang cùng FPT xây dựng mô hình chuyển đổi số trong vận hành, quản trị từng lớp, đi từ chăn nuôi tới chế biến và mô hình kinh tế tuần hoàn từ nông trại tới bàn ăn. Đây cũng là đất diễn cho bạn CEO của công ty.
Xin cảm ơn bà!
Thực hiện: Trần Chung
Thiết kế: Minh Hòa, ảnh: Nhân vật cung cấp