Nhà báo Phạm Huyền: Trong 9 tháng đầu năm, hãng xe Thành Bưởi còn bị Sở GTVT TP.HCM thu hồi tới 246 phù hiệu các xe cũng vì lỗi vi phạm tốc độ. Tiếc rằng đây không phải là vi phạm cá biệt của riêng hãng xe Thành Bưởi. Điều này cho thấy công tác quản lý và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo an toàn giao thông có thể nói gần như tê liệt. Vậy từ chức năng của mình các vị khách mời có thể đưa ra góc nhìn như thế nào về câu chuyện này?
Ông Hoàng Anh: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định: Các đơn vị kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trước tiên là phục vụ cho công tác quản lý, điều hành cũng như là công tác quản lý, điều hành, quản lý lái xe của doanh nghiệp.
Đồng thời cơ quan quản lý cũng căn cứ vào các dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình đó được chuyển về để phục vụ cho công tác điều tra tai nạn, phân tích nguyên nhân và xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo quy định, các đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm theo dõi, chấn chỉnh các hành vi vi phạm của lái xe thông qua các thiết bị đó.
Nghị định 10 cũng như Thông tư 12 quy định rất chi tiết, đầy đủ trách nhiệm của bộ phận theo dõi an toàn giao thông cũng như quy trình đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó có quy định cụ thể về trước và trong quá trình vận chuyển đơn vị phải làm gì, kiểm tra các điều kiện phương tiện và người lái xe ra sao để đảm bảo an toàn giao thông.
Mặt khác, Nghị định 10 cũng quy định dữ liệu vi phạm tốc độ trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ được tổng hợp, thống kê hằng tháng phục vụ cho công tác xử lý vi phạm của phương tiện. Căn cứ trên dữ liệu đó các Sở GTVT sẽ tiến hành xử lý lái xe, phương tiện vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong các quy định của chúng ta vẫn còn những điều không hợp lý và chưa đầy đủ. Ví dụ như quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận theo dõi về an toàn giao thông.
Tuy nhiên, quy định này rất đúng và phù hợp đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, phù hợp với những hợp tác xã quản lý tập trung.
Nhưng đối với những hộ kinh doanh mỗi hộ chỉ có 1, 2 xe, ông chủ xe cũng là người lái xe, hay những hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ một số khâu trong quá trình sản xuất thì quy định này không thể thực hiện một cách đầy đủ.
Theo phân cấp Sở GTVT các địa phương thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh cũng như quản lý hoạt động của các doanh nghiệp để xử lý, chấn chỉnh, tuy nhiên, biên chế cán bộ lĩnh vực này rất hạn chế.
Hơn nữa, cơ sở dữ liệu của chúng ta hiện nay đang trong tình trạng phần cứng thì chưa đủ mạnh, phần mềm lại chưa đủ độ thông minh để phục vụ cho việc khai thác, sử dụng dữ liệu một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Nhà báo Phạm Huyền: Từ thực tiễn kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì đại diện của nhà xe Văn Minh, ông Toàn có ý kiến như thế nào?
Ông Trần Doãn Toàn: Tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại vai trò quan trọng nhất vẫn ở phần các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của lái xe.
Một số doanh nghiệp hiện nay theo tôi đánh giá chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông. Các doanh nghiệp này đang coi trọng lợi nhuận hơn an toàn của hành khách cũng như những người tham gia giao thông khác.