Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dành thời gian chia sẻ với báo VietNamNet về những thách thức đối với báo chí trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn thu giảm, mạng xã hội phát triển cũng như cách thức vượt khó, vươn lên.
- Thưa ông, báo chí với tư cách một ngành công nghiệp sản xuất tin tức, khách hàng là độc giả - những người trực tiếp thụ hưởng những tin tức. Ở Việt Nam người trả tiền cho tin tức không còn là độc giả mà là những nhà quảng cáo và các nền tảng trực tuyến. Điều này dẫn đến doanh thu báo mạng phụ thuộc vào quảng cáo. Trong khi đó, tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam lại sụt giảm. Vậy các báo nên thay đổi mô hình hoạt động thế nào để giảm phụ thuộc vào quảng cáo?
Ông Lê Quốc Minh: Nguồn tiền từ quảng cáo là rất quan trọng nhưng báo chí còn phải thực hiện chức năng giám sát, phản biện. Làm sao để giữ được thông tin trung thực trong khi vẫn thu hút được nguồn tiền quảng cáo là câu chuyện mà bất kỳ ban biên tập tờ báo nào cũng phải tìm phương án.
Lâu nay, nguồn thu chính của báo chí đến từ quảng cáo. Khi kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn thì chi phí cho quảng cáo cũng eo hẹp, ảnh hưởng đến thu nhập của báo chí. Đặc biệt, khi lượng truy cập nhiều tờ báo đang chững lại, thậm chí suy giảm cũng đồng nghĩa với sụt giảm nguồn thu.
Để đối phó với tình trạng trên, các cơ quan báo chí phải đa dạng nguồn thu, trong đó nguồn thu đến từ độc giả là bền vững nhất. Chúng ta có thể thu phí đọc báo hoặc tạo ra dịch vụ để bạn đọc trả tiền, thậm chí có cơ quan báo chí bán nguồn dữ liệu khổng lồ của mình…
Trên thế giới, có những tờ báo rất mạnh về công nghệ. Ví dụ như Washington Post, họ cung cấp công nghệ cho khoảng 400 tờ báo trên thế giới.
Đó là những mô hình hay mà cơ quan báo chí của Việt Nam cần phải thử nghiệm để tăng nguồn thu để không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào quảng cáo.
- Nhiều cơ quan báo chí chưa đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra nguồn thu nên có những khó khăn nhất định. Theo ông, cần có giải pháp nào để cơ quan báo chí tạo được nguồn thu, đỡ phải lo về mặt kinh tế để thực hiện vai trò phụng sự tốt hơn?
Báo chí cũng như những hoạt động khác của nền kinh tế, nhưng nó mang một sứ mệnh rất đặc biệt, sản phẩm tạo ra nguồn thu cũng rất đặc biệt. Do vậy, bỏ cơ chế bao cấp, báo chí đứng ra tự chủ là phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta hiểu tự chủ là bỏ mặc cho báo chí tự bơi là chưa đúng. Bởi khi tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thì sẽ có cơ chế đặt hàng cho báo chí. Đó là cơ hội cho các cơ quan báo chí phối hợp với bộ ngành, tỉnh, thành để thể hiện sứ mệnh truyền thông chính sách.
Như vậy là ngân sách Nhà nước trả cho cơ quan báo chí nhưng theo một cách thức khác, phù hợp với quy luật thị trường. Có nghĩa, nếu cơ quan báo chí làm ra sản phẩm tốt thì sẽ được các bộ ngành, tỉnh thành đặt hàng, thậm chí được đặt hàng với ngân sách lớn.
Làm được như vậy, báo chí vừa thực hiện được vai trò phụng sự nhưng vẫn tăng nguồn thu. Kinh nghiệm cho thấy, nếu cơ quan báo chí khi làm tốt vai trò phụng sự thì còn có thể thu hút nguồn quảng cáo từ các doanh nghiệp.
Tôi tin rằng, nếu nắm bắt được xu hướng công nghệ mới và áp dụng nhiều cách thức tạo nguồn thu, báo chí sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
- Báo chí hướng nhiều thứ nhưng quan trọng nhất là phải hướng đến người đọc, có nội dung hay. Muốn có nội dung hay phải có nhà báo giỏi, có công cụ hỗ trợ và phải có nguồn chi. Ông nhận định như thế nào về những biến chuyển của báo chí Việt Nam thời gian gần đây?
Nhìn lại 10 năm trước, nói đến tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, chúng ta cảm thấy rất xa vời. Nhưng hiện nay, cơ quan báo chí nào cũng sản xuất nội dung đa phương tiện, đa nền tảng một cách đơn giản.
Như vậy, có thể thấy, báo chí Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, những gì thế giới có, chúng ta đều có. Đặc biệt là báo điện tử, chúng ta đang có những tờ báo sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất nội dung đa dạng, không thua kém cơ quan báo chí nước ngoài.
Nhưng cũng phải thừa nhận thực tế, báo chí Việt Nam đang đứng ở bước ngoặt rất quan trọng, nếu không nắm bắt được quá trình chuyển đổi số sẽ bị tụt hậu. Khi đó, không những bị mất độc giả, mà còn không thực hiện được sứ mệnh tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Như vậy, sẽ không có quảng cáo và không nhận được cơ chế đặt hàng của các cơ quan Nhà nước.
Do vậy, báo chí phải nỗ lực đổi mới về nội dung, công nghệ để bắt kịp xu thế nhưng xét đến cùng, sứ mệnh của báo chí là tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc để họ có thể định hướng trong công việc, cuộc sống, nâng cao kiến thức. Thế nên, dù mạng xã hội, nền tảng công nghệ phát triển đến đâu, báo chí cũng không thể mất trận địa, không thể giảm vai trò, trách nhiệm.
- Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện có 78 triệu lượt người sử dụng mạng xã hội. Từ vị trí gần như độc quyền về thông tin, báo chí đã bị các mạng xã hội chia sẻ thị phần nhanh chóng. Có ý kiến cho rằng, mạng xã hội đang có ưu thế hơn báo chí trên xa lộ thông tin. Ông có nhìn nhận như vậy?
Xu hướng rất rõ trên thế giới và cả Việt Nam trong thời gian qua là một tỷ lệ rất lớn người dùng cho rằng họ có thể tìm kiếm mọi thứ trên mạng xã hội, thay vì đọc báo.
Nhưng ở đây cần phải thấy rằng, thông tin trên mạng xã hội là do những người dùng cung cấp và lượng thông tin này rất nhiều, rất lớn. Trong số này, có cả thông tin đúng, thông tin hấp dẫn, thông tin thú vị nhưng cũng bao gồm cả rất nhiều tin sai lệch, tin giả. Bên cạnh đó, còn có một lượng lớn thông tin trên mạng xã hội là do cơ quan báo chí sản xuất và được người dùng chia sẻ.
Do vậy, nhiều cơ quan báo chí cho rằng, mạng xã hội phải trả tiền khi sử dụng nội dung của họ. Thậm chí ở một số nước như Australia, Chính phủ đã yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho cơ quan báo chí. Những nỗ lực như vậy đã lan rộng ra tận Canada, châu Âu và nhiều nước trên trên giới, Chính phủ những nước này đã yêu cầu các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho cơ quan báo chí.
Trước sức ép trên, đôi lúc các nền tảng công nghệ đồng ý trả tiền nhưng cũng có thời điểm họ quay lưng với báo chí. Hiện nay, Facebook không ưu tiên sử dụng nội dung của báo chí trên news feed.
Theo báo cáo của Meta (công ty mẹ của Facebook), chỉ có khoảng 3% nội dung người dùng nhìn thấy trên mạng đến từ tin tức. Điều đó cho thấy, mạng xã hội thay đổi, khiến lượng truy cập từ Facebook của cơ quan báo chí giảm xuống còn 12-13%. Do vậy, chúng ta không thể trông cậy lượng truy cập lớn đến từ mạng xã hội như trước đây.
Bên cạnh mạng xã hội, công cụ tìm kiếm đã mang lại lượng truy cập rất lớn cho cơ quan báo chí. Cụ thể, với Google search có thể mang lại đến khoảng 50% lượng truy cập cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, khi công cụ Chat GPT hay Google Bard ngày càng hoàn thiện, đưa ra câu trả lời chính xác hơn, cụ thể, trước đây, nếu người dùng hỏi bất cứ một vấn đề gì, công cụ tìm kiếm sẽ trả lại hàng nghìn đường link. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã tạo lập ra luôn câu trả lời rất ngắn gọn. Nhiều người cảm thấy hài lòng với câu trả lời đấy.
Như vậy, có thể thấy trong thời gian tới, các cơ quan báo chí sẽ bị mất 50% lượng truy cập đến từ công cụ tìm kiếm. Mất truy cập có nghĩa là mất tiền, không còn nguồn thu từ hệ thống quảng cáo tự động. Đó là thách thức rất lớn mà báo chí sẽ phải đối mặt trong tương lai.
- Như ông vừa nói, ở nước ngoài cũng có xu hướng hợp tác giữa báo chí với các nền tảng mạng xã hội. Theo ông, ở Việt Nam, sự hợp tác này nên như thế nào sẽ hợp lý và hiệu quả?
Ở nước ngoài, mạng xã hội chỉ trả tiền cho các cơ quan báo chí lớn. Trong một số dự án hợp tác, Google News hay Facebook có trả tiền cho cơ quan báo chí. Cụ thể, Facebook từng có dự án Instant Articles chia sẻ nguồn thu với cơ quan báo chí.
Còn ở Việt Nam, dù thị trường lớn, khoảng 100 triệu dân nhưng chưa có sự hợp tác trực tiếp nào giữa Facebook với cơ quan báo chí trong việc tạo nguồn thu hay chống tin giả.
Hội Nhà báo Việt Nam đang thương thảo với Google theo cách thức Google cử chuyên gia hướng dẫn trực tiếp cho từng toà soạn trong thời gian từ 4-5 tháng. Hy vọng cách thức phối hợp sâu như vậy sẽ mang lại lợi ích cho các tòa soạn báo chí Việt Nam.
- Qua những câu chuyện ông vừa chia sẻ có thể thấy công nghệ mang lại rất nhiều thời cơ và không ít thách thức cho các cơ quan báo chí. Vậy theo ông, hiện tại ở Việt Nam cần chiến lược gì để cơ quan báo chí nói chung có thể phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay?
Chính phủ đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số nhưng thực hiện ra sao lại nằm ở sự năng động, quyết liệt của các cơ quan báo chí. Thực tế, hiện nay vẫn nhiều cơ quan e ngại, muốn xem đồng nghiệp mình làm có thành công hay không thì mình mới chuyển đổi số. Cũng có những cơ quan băn khoăn không biết làm từ đâu và nên làm cái gì. Thậm chí, cũng có cơ quan mua được hệ thống quản trị nội dung, sắm được một ít máy ảnh, máy quay hiện đại là yên tâm nghĩ rằng mình chuyển đổi số xong.
Theo tôi, mỗi toà soạn phải tự quyết định nên đầu tư vào đâu để phù hợp với đối tượng độc giả của mình. Có thể tòa soạn đầu tư vào công nghệ để hiểu tâm lý bạn đọc, từ đó phát triển nội dung phù hợp. Cũng có tòa soạn đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu, quản trị nhân sự… Thế nhưng, công nghệ dù có phát triển đến đâu, thì nó vẫn chỉ là công cụ phục vụ con người.
Ảnh: Thạch Thảo
Clip: Xuân Quý - Huy Phúc