{keywords}

{keywords}

Tiếng muỗi vo ve khắp nơi, vây lấy chiếc màn rách làm chị Nhu trằn trọc. Thằng con út hơn 3 tuổi vẫn ngáy ngon lành. Xung quanh chị, 4 đứa nhỏ khác thở đều từng nhịp, thỉnh thoảng vỗ cái “bốp” lên tai. Chỉ cần chiếc quạt máy còn chạy, các con chị vẫn có một giấc ngủ ngon.

Mãi 3 năm gần đây, gia đình chị Đinh Thị Nhu (SN 1983, xã Hồng Giang, Lục Ngạn) mới có điện. Một đường dây điện riêng, chạy thẳng vào nhà, có công tơ hẳn hoi. “Giống như có hộ khẩu riêng”, chị Nhu tự hào, dù cho công tơ đấy được lắp trong một “túp lều” dựng bằng cọc, phủ tấm bạt thủng lỗ chỗ ngay giữa vườn vải trù phú của huyện Lục Ngạn nổi tiếng.

{keywords}

Trước kia, đến mùa vải, cũng là cái mùa oi nồng phát sợ, cả nhà chị gồm 2 vợ chồng, 5 đứa trẻ lít nhít lại rủ nhau ôm chăn chiếu xuống vườn của hàng xóm, căng màn dưới gốc vải ngủ tạm. Hoặc, chị giục các con cùng nhau lột chiếc giát giường, quét dọn sạch sẽ rồi trải chiếu xuống gầm, tận hưởng cái mát lạnh của nền đất.

“Căn nhà” nơi gia đình chị Nhu đang sống, gồm ba chiếc giường kê sát nhau, phủ bởi chiếc màn màu cháo lòng và tấm chăn cáu bẩn. Hai trong số ba chiếc, một chị xin của hàng xóm, một là của cô giáo mầm non thương tình đem tặng. Ngoại trừ chăn màn trên giường chưa gấp, quần áo vun thành đống do không có tủ thì đồ đạc quanh nhà vẫn được xếp gọn gàng. Điểm sáng duy nhất “tăng phần giá trị” là chiếc tủ lạnh được mua trả góp, “do các cháu nóng quá”, anh Hướng, chồng chị Nhu giải thích.

Anh Bùi Văn Hướng đã gần 50 tuổi, vóc người gầy gò, nhỏ thó, làm phụ hồ gần 20 năm nay. Hai vợ chồng quen biết từ khi còn đi xách vữa thuê dưới Hà Nội, cưới nhau làm vài mâm cơm rồi dắt díu về quê hương tìm nơi an cư. Được cha chia đất, họ mới có chốn dung thân. Vài lần nhỡ nhàng khiến anh chị có với nhau 5 mặt con, con gái đầu mới 11 tuổi, đứa út hơn 3 tuổi.

{keywords}

Làm không đủ ăn, đồng lương phụ hồ bấp bênh khiến anh Hướng cứ héo quắt lại. Thế nhưng anh không cho phép một đứa con nào bỏ học. “Phát hiện đứa nào ý định nghỉ học, anh đánh”. Cũng bởi thế, làm được bao nhiêu, anh cũng chỉ dồn vào tiền học, tiền ăn. Một bao gạo 50kg cho cả tháng. Mỗi bữa, bọn trẻ nấu 8 bò gạo, ăn với 60 nghìn tiền thịt, hoặc dăm quả trứng, muối vừng, cá khô chiên mắm mặn chát.

Điều duy nhất lũ trẻ ao ước, không phải đồ chơi, không phải quần áo mới. Chúng thẽ thọt: “Mẹ ơi, con muốn có tivi. Bao giờ nhà mình mới ở trong nhà gạch như thế kia hả mẹ? Mẹ cố làm nhà đi mẹ”. Sự chua xót dâng lên trong đáy mắt người lớn. “Thôi, các con chịu khó, để bố mẹ cố gắng dần. Năm nay chưa làm được thì năm sau làm”, chị Nhu trả lời con, cũng như đang tự động viên chính mình.

{keywords}

Gần hai thập kỷ lưu lạc dưới chân cầu 18 (Bắc Ninh), anh Lý Văn Cương (SN 1987, thôn Thanh Vân 2, xã Tân Hoa, Lục Ngạn) không nghĩ đến việc sẽ có ngày trở về quê cha đất tổ. Năm 11 tuổi, mẹ Cương bỏ đi Trung Quốc biệt tích. Bố lấy vợ hai. Cương bị cú sốc tâm lý, bỏ nhà đi lang thang, lưu lạc nhiều nơi rồi dừng lại dưới chân cầu 18, lấy gầm cầu làm chốn nương thân.

Một đợt rà soát dịch Covid-19 diễn ra, anh Cương được chính quyền phát hiện, trả về địa phương. Nhưng không trở về quê hương một mình, trong tay anh còn có một gia đình: người vợ “nhặt” cùng cảnh ngộ, mẹ vợ đi theo, hai đứa trẻ 1 trai, 1 gái và cả đứa con đang dần thành hình trong bụng.

Ba người lớn, hai trẻ con dắt díu nhau về làng, ai cũng ngạc nhiên. “Tưởng nó chết rồi, tưởng nó sang Trung Quốc tìm mẹ”, những lời xầm xì đó không khiến anh đau đáu bằng người cha đã có gia đình riêng, muốn lãng quên khúc ruột của mình. Tìm mọi cách, chính quyền xã Tân Hoa mới tác động được bố đẻ anh cho con trai ở tạm trong căn nhà bỏ hoang cũ, cắt cho 2 sào ruộng và 1 sào vườn để làm nhà, trồng hoa màu.

{keywords}

Đường vào nhà lắt léo, bùn đất nhưng ngày nào, vợ chồng anh Cương cũng đẩy 2 chiếc xe nôi cũ kỹ, rách nát, đặt lên đó 2 đứa nhỏ đi khắp các xã lân cận nhặt ve chai, đổi lấy gạo ăn. Trong đôi mắt tăm tối của họ, sự bẩn thỉu, lấm lem không quan trọng bằng cái sôi bụng, cơn đói đến mờ mắt của hai đứa trẻ gầy gò. Ngày nhiều, họ kiếm được đôi chục ngàn. Ngày ít, họ mua rau về luộc chấm mắm.

Trong căn nhà bỏ hoang trơ gạch, trống huếch, chai xì dầu vứt chỏng chơ. “Nhà của ăn xin, có đồ gì được”, người hàng xóm chép miệng. Bên hông nhà, chiếc xe nôi – cần câu cơm của cả gia đình phủ đầy giẻ rách, hoặc có thể chúng chính là quần áo của những con người khốn khổ.

Thời điểm cả nước đang rục rịch đổi thẻ căn cước công dân gắn chip, người đàn ông đã 34 tuổi này vẫn không có chứng minh thư. Không giấy tờ tùy thân, hai vợ chồng không thể đăng ký kết hôn, các con cũng không được khai sinh, có một cái tên tử tế, chứng thực đang tồn tại dù họ vẫn lay lắt sống. 

{keywords}

Anh Nông Văn Thắng, Phó bí thư, Chủ tịch xã Tân Hoa cho biết, hiện trên địa bàn xã có một số hộ nghèo, nhưng riêng trường hợp gia đình anh Lý Văn Cương hết sức đặc biệt.

Không có thông tin suốt 20 năm, bỗng nhiên trở về, lại còn thêm một gia đình, địa phương cũng bối rối. Lúc đầu, chúng tôi thu xếp cho họ ở nhà văn hóa thôn, chu cấp gạo, muối, chăn màn, tiền bạc, nhưng không ở mãi được vì người dân còn sinh hoạt”. Phải mất nhiều công sức, anh Thắng mới thuyết phục được bố đẻ anh Cương cắt cho con trai mình “tấc đất cắm dùi”, theo đúng nghĩa đen của nó. Nhưng, phải đến khi nào, đến bao giờ gia đình này mới có chỗ dung thân cho riêng họ, để “an cư, lạc nghiệp”, thì đó vẫn còn là câu hỏi ngỏ chưa ai giải đáp.

{keywords}

Xế chiều, đi hết quãng đường nhựa mới trải bốc mùi khét lẹt, thêm một đoạn đường cũ chừng 3 cây số, vòng xuống cung đường đất bề rộng chỉ vừa đủ bánh xe máy, xung quanh đồi núi lờ mờ, chỉ đến khi tay lái của người đồng nghiệp run lên bần bật, mắt nhòa đi, chúng tôi mới đến được nhà chị Âu Thị Lan (SN 1981, thôn Đèo Cạn, xã Kiên Thành).

Chị Lan đang bế đứa con út vừa tắm xong, đen nhẻm, trần truồng như con nhái bén. Vây quanh mẹ, 3 đứa con nít bẩn thỉu, xúm xít nhìn khách lạ. Có đứa hiếu kỳ chạm vào túi xách, móc treo lấp lánh với ánh mắt thèm thuồng.

Chồng chị đâu?”, nghe câu hỏi, chị cười ngượng nghịu: “Đi làm dưới Hà Nội rồi, thỉnh thoảng mới về”.

Người đàn ông duy nhất của gia đình theo nghề phụ hồ, xách vữa. “Cả năm ghé nhà được đôi lần, nhưng chưa lần nào mang tiền về cho vợ”. Một mình chị Lan cáng đáng ruộng vườn, vừa chăm sóc lũ nhỏ lít nhít.

{keywords}

Trong căn nhà chật chội, muỗi bay vù vù, mùi thuốc sâu mới phun nồng nặc, quần áo đồ đạc chất một bên, một bên là chiếc giường nhỏ cho mấy mẹ con chen chúc. Phủ lên mấy bao gạo là chiếc áo mưa dấp dính nước, dấu vết của vụ dột đêm qua. Mỗi trận mưa kéo đến, căn nhà nghe chát chúa tiếng nước dội xuống mái tôn.

Chiếc tủ lạnh cũ chỉ chứa vài chai nước lọc, không thịt cá, không rau củ. Thứ đồ chơi duy nhất của mấy đứa trẻ là chiếc võng vắt ngang nhà cho chúng đu lên, nhún nhảy.

Tuấn, sập nhà bây giờ!”, chị Lan hét lên với đứa con trai thứ ba. Ngước lên trần, chúng tôi nhận ra thanh dầm đỡ mái chỉ bé bằng cánh tay, mối mọt gần hết, sợ rằng chẳng đủ sức chống chọi được bao lâu. Chiếc bếp tranh dựng bên cạnh từng bị gió thốc thổi bay mất.

Khao khát cho các con một mái nhà kiên cố khiến chị Lan mạnh dạn đề xuất với xã. Chị bảo, chỉ ước sửa lại nhà chắc chắn, không sợ mưa dột ướt thóc, không sợ nóng từ mái tôn khiến mấy đứa nhỏ mồ hôi nhễ nhại. Còn cuộc sống dù vất vả thế nào, chị cũng sẽ cáng đáng cho các con được ăn học đến nơi đến chốn.

{keywords}

Gia đình anh Hướng, anh Cương hay chị Lan không phải trường hợp cá biệt ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Theo ông Lê Xuân Thắng, Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, Trưởng Ban dân vận đồng thời Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Lục Ngạn, tỉ lệ đồng bào dân tộc chiếm 51%. Qua quá trình nỗ lực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, tỉ lệ hộ nghèo vẫn chiếm 3,82% toàn huyện.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực huyện ủy, Mặt trận Tổ quốc đã huy động đóng góp từ các nguồn xã hội hóa cũng như nguồn kinh phí cho Quỹ người nghèo. Năm nay, qua rà soát, 113 hộ thuộc 23 xã trên địa bàn toàn huyện cần sửa chữa, làm mới cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đối với những hộ thuộc 12 xã khó khăn vùng cao, huyện trích quỹ hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ xây mới, các hộ vùng thấp hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ, sửa chữa 10 triệu đồng/hộ.

Nguồn kinh phí còn hạn chế, mang tính chất động viên. Địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là gia đình các hộ nghèo, chính quyền nơi hộ gia đình sinh sống cùng có trách nhiệm chung tay giúp đỡ, giúp họ hoàn thành việc xây nhà”, ông Thắng nói.

Nhằm hỗ trợ những địa phương như huyện Lục Ngạn giảm tải gánh nặng trong công tác xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người dân có thêm điều kiện an cư, lạc nghiệp, năm 2018, Báo VietNamNet đã phát động chương trình Ngôi nhà mơ ước, kết nối giữa doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng đóng góp, ủng hộ cho những gia đình như anh Hướng, anh Cương, chị Lan… có một mái nhà đúng nghĩa, tạo điều kiện cho trẻ em yên tâm học hành, có môi trường phát triển. Trước mắt, chương trình đặt ra mục tiêu xây dựng 500 căn nhà trên khắp cả nước, trị giá 70.000.000 đồng/căn, mong muốn đem lại hy vọng cho người nghèo.

Thu Hiền

Thiết kế: Nguyễn Huệ