Những bí mật chưa từng tiết lộ
Ông Nguyễn Tiến Duy (53 tuổi, ngụ tại TP.HCM) được mệnh danh là “bàn tay ma thuật” với những màn ảo thuật nhanh tay, lẹ mắt khiến người xem phải hoa cả mắt. Ngoài những tiết mục ảo thuật chỉ đơn giản cần sự nhanh tay, “bàn tay ma thuật” Nguyễn Tiến Duy còn tự chế một số đạo cụ biểu diễn thần kỳ nhằm tạo thêm sự bí ẩn, gây tò mò cho người xem.
Theo ông Duy, một trong những đạo cụ mà ông thích nhất là cây bút thần kỳ giúp ông biểu diễn màn xé tờ tiền hay mảnh giấy trông như rách mà lại không bị rách. Theo đó, cây bút này do ông tự chế tạo ra với phần đầu bút có thể tháo rời.
“Bàn tay ma thuật” Nguyễn Tiến Duy đang biểu diễn dùng bút xé giấy rách mà không rách.
Khi biểu diễn, ông sẽ nhanh tay gỡ đầu bút ra để gắn vào mặt trước của mảnh giấy, nó sẽ hít với thân bút thông qua nam châm và kẹp tờ giấy ở giữa. Mặc dù bí mật quan trọng của trò này nằm ở cây bút thần kỳ, nhưng nếu ảo thuật gia không có kỹ năng điêu luyện thì cũng khó biểu diễn thành công.
Đạo cụ tiếp theo mà ông Duy muốn tiết lộ với PV là lá bài thần kỳ do chính tay ông kỳ công cắt ghép, tạo nên. Thoạt nhìn, lá bài này trông như chỉ có những chấm “rô” cố định, nhưng thực tế ông Duy đã thiết kế những sợi dây để có thể kéo những chấm “rô” di chuyển, giúp biến hóa là bài thành nhiều dạng khác nhau.
Trong khi các đạo cụ trên có chút mánh khóe, thì màn biểu diễn với quả bóng bàn và quả trứng gà hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng nhanh tay, lẹ mắt. Theo ông Duy, với một ảo thuật gia chuyên nghiệp, trên cơ thể có hàng chục vị trí để giấu đạo cụ. Nhiệm vụ của ảo thuật gia chỉ đơn giản là phải nhanh tay, khéo léo lấy ra, giấu vào sao cho thật tự nhiên, vượt qua khả năng quan sát của người xem.
Sau những chia sẻ nói trên, ông Duy bộc bạch với PV: “Thực ra việc tiết lộ các mánh ảo thuật là điều cấm kỵ trong giới ảo thuật gia, nhưng với những đạo cụ do tôi tự nghĩ ra thì tôi sẵn sàng chia sẻ cho mọi người cùng biết. Không lẽ tới khi chết mình cũng mang theo?”.
Bí quyết biểu diễn trên sân khấu
“Ảo thuật là một bộ môn nghệ thuật làm cho người ta thấy ảnh ảo, tức là ảnh không có thật. Đẳng cấp cao nhất trong ảo thuật là nhanh tay, lẹ mắt. Ngoài ra phải giữ tâm lý cho vững, dẫn dắt người xem bằng lời nói, hành động, cử chỉ. Mình vừa diễn vừa nhìn khán giả, để tại từng thời điểm người ta thích cái gì thì mình phải biết”, ông Duy chia sẻ.
Lá bài được thiết kế đặc biệt với những sợi cước
Theo ông Duy, một bí quyết quan trọng khác trong ảo thuật là khi diễn trò này sắp xong cũng là lúc đã hoàn thành chuẩn bị cho trò kế tiếp, tạo nên sự liên hoàn tới choáng ngợp. Ví dụ biến 1 trái banh thành 4 trái banh, rồi gom 4 trái banh thành 1, và sau đó biến nhanh trái banh thành hột gà. Cách ảo thuật liên hoàn như vậy sẽ tạo sự đột ngột, gây chú ý, bỡ ngỡ cho người xem.
Nói thêm về sự quan trọng của kỹ năng so với đạo cụ trong ảo thuật, ông Duy phân tích: “Nếu ai muốn tồn tại trong ngành ảo thuật, phải cố gắng luyện kỹ năng. Mỗi năm người ta có thể sáng tạo ra 12 trò mới lạ nhưng đã bị tiết lộ hết 120 trò. Người ta vắt óc suy nghĩ ra một trò gì đó nhưng rồi cũng sẽ bị tiết lộ mánh mung, đồ nghề trên mạng hết. Cho nên vốn kiến thức, kho tàng ảo thuật sẽ dần dần cạn kiệt”.
“Theo tôi, chỉ có kỹ năng lẹ tay là tồn tại mãi mãi. Thử tưởng tượng 5 năm sau, ảo thuật gia vừa móc đồ nghề ra là khán giả bên dưới đã ồ lên: “Á, cái này biết rồi!”. Nhiều người diễn không được nhưng họ biết tẩy, biết mánh hết rồi, họ la lên thế là xong...”, ông Duy nói.
Khi được hỏi về những tiết mục biểu diễn gây “sốt” trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng quốc tế, ông Duy cho biết, những màn trình diễn ảo thuật trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng của nước ngoài có những bí mật mà bản thân ông cũng không thể nào hiểu hết.
“Kỹ thuật và bí quyết của họ rất cao siêu. Họ có thể sử dụng các dụng cụ và khoa học công nghệ hiện đại, như tia laser, sân khấu di động, không gian 3 chiều,... Nhưng nói về mặt kỹ năng lẹ tay thì ai diễn gì trước mắt tôi, chắc chắn tôi sẽ nhìn thấy”, ông Duy khẳng định.
Theo Dân Việt