Tối 26/12, đêm thi Trang phục Văn hóa Dân tộc (National Costume) của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - Miss Cosmo Vietnam 2023 đã diễn ra tại TP. Đà Lạt. 38 thí sinh đã thể hiện trang phục đến từ các nhà thiết kế và các sinh viên.
Nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo được đưa lên sân khấu khiến người hâm mộ thích thú. Những bộ trang phục dân tộc đa dạng màu sắc lấy cảm hứng từ văn hóa, lịch sử, truyền thống dân gian, đặc trưng văn hóa các vùng miền, những danh lam thắng cảnh độc đáo, và các món ăn đặc sản của Việt Nam.
20 bộ trang phục đầu tiên nhận được sự hưởng ứng mạnh từ khác giả bởi sự đầu tư nghiêm túc kết hợp với sân khấu biểu diễn hoành tráng. Dàn thí sinh nhập tâm hoàn toàn và thành công trong việc truyền đạt thông điệp của Nhà thiết kế qua từng bộ trang phục.
Mở đầu cho đêm thi là bộ trang phục Lá Phượng Hoàng do thí sinh Ngô Bảo Ngọc trình diễn. Người đẹp hóa thân thành nữ trạng nguyên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam, cô diễn cùng bức Khảm xà cừ. Bộ trang phục thể nhắc nhở giá trị cốt cách người phụ nữ Việt Nam qua thăng trầm lịch sử, hình ảnh kiên nhẫn và cũng là 1 phần của di sản văn hóa Việt Nam.
Hầu hết mẫu thiết kế bám sát tinh thần văn hóa dân tộc. Mỗi bộ trang phục được chăm chút kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ, tạo nên sự ấn tượng mạnh mẽ và khiến khán giả không ngừng ngạc nhiên trước tài năng của các nhà thiết kế trẻ. Đại diện tỉnh Ninh Bình, thí sinh Bùi Thị Xuân Hạnh thể hiện thiết kế Mẹ cò. Thiết kế lấy ý tưởng từ hình tượng con cò, ẩn dụ cho hình ảnh người mẹ Việt Nam tần tảo. Bộ trang phục gây chú ý khi phần cách chuyển động mềm mại, ấn tượng.
Bên cạnh sự hoành tráng của từng thiết kế, thần thái trong quá trình trình diễn cũng là một điểm mạnh quan trọng trong phần thi này. Các thí sinh và các nhà thiết kế trẻ đã chạm đến trái tim người hâm mộ khi kết hợp đầy đủ vẻ đẹp tinh tế của văn hóa dân tộc hòa quyện với nguồn cảm hứng của tương lai.
Những ý tưởng sáng tạo về phom dáng kết hợp với các hiệu ứng độc đáo được cài cắm vào trang phục như Âu cơ, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, Ngọc Việt hương Nam, Thiên chương sơn hà. Đại Nam kịch lệ là minh chứng rõ ràng cho sự đa dạng trong nghệ thuật chế tác và tài năng của đội ngũ thiết kế.
Tiếp theo là sự xuất hiện của 20 thiết kế trang phục dân tộc còn lại. Các bộ trang phục như Lạc thần vị lai, Rằn ri phương Nam, Tý hỷ, Vinh quy bái tổ được đầu tư cầu kỳ, phức tạp và có khối lượng lớn. Song, với sự nghiên cứu nghiêm túc, các nhà thiết kế đã tính toán khéo léo để giảm bớt cồng kềnh, tạo điều kiện cho người mặc có trải nghiệm thoải mái khi trình diễn.
Nhiều bộ trang phục lấy ý tưởng từ nghệ thuật thưởng trà, dân tộc Hà Nhì... được đầu tư rất kỹ lưỡng về phom dáng và chi tiết khiến khán giả phải trầm trồ. Thiết kế Hồ Xuân Hương của thí sinh Phan Lê Hoàng An gây bất ngờ cho người xem bởi thông điệp đầy ý nghĩa với ý tưởng từ nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương với nhiều chi tiết nổi bật như bút, mấn,...
Người đẹp Trần Minh Quyên diện thiết kế “Ước mơ Việt Nam” dù gặp nhiều khó khăn do trang phục cồng kềnh, cô vẫn giữ trang thái tin thần tốt và khoe được vẻ đẹp về nét văn hóa dân gian lâu đời của người miền Trung - vừa chơi bài vừa hát. Nhiều thí sinh bất chấp sức nặng của các bộ trang phục, cố gắng thể hiện tốt và truyền tải ý nghĩa của thiết kế thông qua biểu cảm, cử chỉ trên sân khấu.
Nhiều trò chơi dân gian cũng được mang vào đêm thi như Thổi cơm, Em ném em xòa…
Có thể thấy đêm thi được đầu tư về quy mô với sân khấu rộng nhằm tạo không gian thoải mái cho thí sinh trình diễn. Kết hợp với hiệu ứng ánh sáng và âm nhạc, vẻ đẹp của trang phục dân tộc được thể hiện triệt để và lộng lẫy trên sân khấu bán kết. Tuy nhiên, một số bộ quá nặng khiến nhiều thí sinh gặp khó khăn trong việc di chuyển và bị căng thẳng trong phần thi.
Với vai trò mentor và giám khảo, NTK Nguyễn Minh Công cũng hồi hộp và lo lắng. Hơn 1 tháng đồng hành, anh đã cùng các thí sinh thực hiện từ khâu ý tưởng, hiện thực hóa và chỉnh sửa hoàn thiện để những người đẹp trình diễn tại đêm Trang phục dân tộc.
Anh hết mình cùng các thí sinh, nhất là quá trình vận chuyển các trang phục từ TP.HCM đến TP. Đà Lạt. Vì sợ những sai sót trong quá trình vận chuyển, Nguyễn Minh Công đến Đà Lạt sớm hơn 3 ngày so với lịch trình để cùng các thí sinh kiểm tra và kịp thời chỉnh sửa lỗi do vận chuyển. Dưới tiết trời rét buốt của Đà Lạt, NTK nhiệt tình hỗ trợ cho 40 thí sinh trước khi mang tác phẩm trình làng với khán giả.
Chia sẻ về hành trình, Nguyễn Minh Công cho biết: “Tôi biết rằng những tác phẩm của các em chính là hạt mầm gieo ước mơ và hy vọng cho cả một chặng đường dài sự nghiệp thiết kế. Do vậy, tôi mong có thể là người thầy, người bạn đồng hành hỗ trợ để các em thỏa sức hoàn thiện những ý tưởng độc đáo, táo bạo của bản thân, từ đó phát triển và thành công hơn nữa với sự nghiệp riêng. Với vai trò một người thầy, việc các em luôn cháy hết mình với đam mê, thỏa sức sáng tạo và đi đến thành công chính là điều khiến tôi hạnh phúc nhất trong hành trình này”.
Đỗ Phong - Phước Sáng