Trong đó môn Ngữ Văn, Linh Chi được 9 điểm, Toán 9 điểm và Ngoại ngữ tiếng Nhật được 9,75 điểm.
Chia sẻ những bí quyết ôn thi vào thời điểm cận kề, Linh Chi cho biết mỗi ngày nữ sinh sẽ dành 3-4 tiếng để học Văn, ôn tập theo hệ thống văn bản thơ riêng và các tác phẩm truyện riêng với các ý chính kết hợp việc tập trung nghe giảng để ghi nhớ hiệu quả nhất.
Đặc biệt với tác phẩm thơ, Linh chi sẽ phân tích kĩ các biện pháp nghệ thuật và từ đó suy ra nội dung của bài.
“Lúc đó, sát thời gian thi nên em được thầy cô cho luyện đề là chủ yếu. Buổi tối về nhà, em dành thời gian ôn lại những phần mình chưa nắm chắc.
Ngoài ra, em còn rèn luyện kĩ năng phân tích đề để tránh sót ý hay sai đề. Sau khi làm đề luyện tập và được chữa bài, em sẽ xem lại những câu mình sai hoặc chưa làm được để đi thi sẽ không mắc phải lỗi đó. Trước khi đi thi, em luôn cố gắng làm nhiều đề để tiếp xúc với các dạng câu hỏi khác nhau, đến khi thi sẽ không bị bỡ ngỡ".
Nữ sinh cũng nói thêm, trong giai đoạn “nước rút” này, vào buổi tối, em không thức quá muộn vì sẽ ảnh hưởng tới hôm sau đi học cũng như bị nhiễu loạn kiến thức. Muộn nhất, em sẽ đi ngủ lúc 12h. Bên cạnh thời gian học tập ôn thi, Linh Chi cũng dành thời gian để nghe nhạc, xem ti vi hay chơi với bạn bè để giải trí, giảm bớt căng thẳng.
Nói về kỹ năng làm bài thi môn Ngữ Văn, Linh Chi chia sẻ, phần đầu tiên của đề thi Văn là đọc hiểu, em sẽ đọc đề, gạch chân vào những yêu cầu cần làm. Với những câu cần liệt kê hay nêu tác dụng, Linh Chi sẽ chỉ rõ các từ ngữ liệt kê và trình bày bằng các gạch đầu dòng để không bị sót, khai thác đủ các ý, tránh trả lời chung chung, sơ sài và bị mất điểm.
Ở phần nghị luận văn học, nữ sinh này đặc biệt sẽ chú ý tới cách trình bày đoạn văn, nội dung đề bài yêu cầu phân tích và yếu tố tiếng Việt và phạm vi mà đề đưa ra.
Trong phần này, theo Linh Chi, cần đảm bảo số dòng và số câu quy định, viết đúng nội dung trọng tâm, tránh lạc đề cũng như làm nổi bật được thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc. Đặc biệt, các yếu tố nghệ thuật, từ ngữ, chi tiết đặc sắc cũng không thể thiếu trong đoạn văn này để tránh diễn xuôi thơ hoặc kể lại truyện.
Cuối cùng ở phần nghị luận xã hội, Linh Chi sẽ xác định dạng đề nghị luận và cách làm của dạng đó rồi lập dàn ý đơn giản ra nháp về các nội dung chính, luận điểm sẽ triển khai trong bài.
Các lập luận đưa ra chặt chẽ kết hợp với những dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục và bố cục hoàn chỉnh. Với liên hệ bản thân, Chi cố gắng vận dụng kỹ năng để viết rõ ràng, cụ thể. Theo em, phần khiến bài viết nghị luận xã hội nổi bật là nhờ việc tạo nét riêng trong bài viết của mình.
Để phân bố thời gian làm bài hợp lý, Linh Chi luôn mang theo đồng hồ đeo tay. Trong quá trình làm bài thi, tâm lý là điều rất quan trọng, cần phải bình tĩnh, tránh hồi hộp, lo lắng.
Bên cạnh đó, theo nữ sinh này, các thí sinh nên mang theo 2 chiếc bút để dự phòng. Khi được phát đề, sẽ dành 5 phút đầu để đọc qua đề đồng thời gạch chân những yêu cầu cần làm.
“Đối với những câu hỏi đọc hiểu, em sẽ dành khoảng 15-20 phút để trả lời, dành khoảng 20 phút tiếp theo cho nghị luận văn học và 40-45 phút cho nghị luận xã hội vì đây là một phần quan trọng.
Trong 45 phút ấy, em sẽ dành từ 5-8 phút để lập dàn ý ra nháp, sau đó sẽ sắp xếp và triển khai các ý vào bài. 5-10 phút cuối giờ, em dành để kiểm tra lại bài. Với em, môn Văn không nhất thiết phải viết dài mà quan trọng là đủ ý và có các chi tiết đặc sắc để tạo khác biệt riêng".
Cũng theo Linh Chi, khi chưa biết cách học, Ngữ Văn đối với em là môn học với lượng kiến thức rất lớn, đây cũng là môn học mà em lo sợ nhất trong kì thi vào lớp 10.
Tuy nhiên, sau khi được giáo viên chia sẻ về các phương pháp học khác nhau, truyền tải những kiến thức hữu ích về cách làm bài thi cũng như các kiến thức quan trọng trong kì thi, em đã chọn cách học các ý chính ghi nhớ nhanh và hiệu quả hơn. Từ đó, bản thân cảm thấy tự tin khi làm bài.
>>> Mời quý phụ huynh và học sinh xem lịch thi vào lớp 10 năm 2023 chính thức<<<