Nguyên nhân của biến đổi khí hậu đầu tiên xuất phát từ tự nhiên, diễn ra khách quan ngoài kiểm soát của con người. Đó là biến đổi bức xạ mặt trời, quá trình thay đổi quỹ đạo của Trái đất, các kiến tạo trôi dạt lục địa hay hiện tượng núi lửa. Nhưng đề cập cụ thể siêu bão vì biến đổi khí hậu, phải biết rằng lỗi là do hoạt động của con người.
Để hình thành một cơn siêu bão quan trọng nhất là 2 yếu tố: độ ẩm khí quyển và nhiệt độ mặt biển. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính như CO2 và metan từ hoạt động của con người làm nóng bầu không khí. Sự bay hơi vì vậy diễn ra nhanh hơn và làm tăng độ ẩm của khí quyển.
Sức mạnh của các cơn bão do đó được tăng cường. Phần khác, khi không khí nóng lên, một phần nhiệt được đại dương hấp thụ khiến các lớp nước trên mặt biển cũng nóng lên, tiếp thêm năng lượng cho bão. Đó chính là nguồn nguyên liệu của bão.
Ví dụ, được bổ sung năng lượng từ vùng nước ấm bất thường trên Vịnh Mexico, bão Harvey mạnh lên thành siêu bão chỉ trong 48h và trút 34 tỷ m3 nước mưa xuống bang Texas (Mỹ). Vậy nên không khó hiểu khi tại Việt Nam, vốn là đất nước nhiệt đới với nhiệt độ và độ ẩm cao quanh năm, nhiều cơn bão cứ vào gần bờ, bất ngờ gặp nước ấm, lại tăng cấp rất nhanh và sát bờ.
Những cơn bão sát bờ mới bất ngờ tăng cấp này đôi khi còn khủng khiếp hơn những cơn siêu bão đi đường dài. Cơn bão Doksuri - cơn bão số 10 tăng cấp gần bờ và áp sát bờ biển Quảng Bình, Nghệ An; với một cơn siêu bão là Haiyan những năm trước. Doksuri mạnh cấp 12 - 13, còn Haiyan đến cấp 18. Nhưng tại sao Doksuri của hôm nay lại nguy hiểm hơn Haiyan những năm trước?
Lần đầu tiên, Việt Nam đưa ra cảnh báo đỏ - nguy hiểm cấp độ 4 - chỉ sau mức thảm họa cho cơn bão số 10 Doksuri đang đánh thẳng vào Bắc Trung Bộ. Trong khi Haiyan, cơn siêu bão được đánh giá mạnh nhất trong lịch sử thì không. Nguyên nhân được xác định là do Haiyan là ở thời kỳ đỉnh cao, sức gió giật cấp 18 đã hoành hành vùng biển và đất liền của Philippines, sau khi đi qua quãng đường dài, gặp nước lạnh nên suy cấp nhanh chóng khi đổ bộ vào Việt Nam. Ngược lại, cơn bão số 10 Doksuri do gặp vùng nước ấm, nên tăng cấp gần bờ, lên đến cấp 15. Vì vậy, mức độ ảnh hưởng sẽ nhanh và mạnh hơn. Đây là cơn bão có sức gió giật mạnh nhất trong hàng chục năm trở lại đây.
Theo VTV