Bố bị bệnh nặng, mẹ trở thành lao động chính trong nhà, chị gái của Liên đành phải gác ước mơ học đại học để đi làm công nhân. Ý thức được hoàn cảnh, Liên càng dấy lên khát vọng học để thoát nghèo.
Giữa tháng 10, Ngô Quỳnh Liên (Hải Dương) trở thành một trong 96 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nữ sinh ngành Luật thương mại quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội xem đây là món quà đặc biệt dành tặng cho bố mẹ - những người “vĩ đại” luôn khiến em cảm thấy tự hào khi nhắc về.
Sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, vào năm 2014, bố của Liên trải qua một trận ốm “thập tử nhất sinh”. “Lúc ở bệnh viện, bác sĩ nói bố em có thể sẽ không qua khỏi, người nhà cần chuẩn bị tinh thần. Nhưng rất may sau đó, bố vượt qua được cơn nguy kịch, song sức khỏe giảm sút nhiều và phải sống dựa vào thuốc”, Liên nhớ lại.
Cũng kể từ đó, mẹ Liên trở thành lao động chính trong nhà. Vừa làm nông, bà vừa nuôi cá và xin đi quét dọn cho một công ty gần nhà từ 14h đến 22h với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, chị gái hơn Liên 2 tuổi sau khi tốt nghiệp cấp 3, dù có học lực tốt nhưng cũng đành gác lại việc học để đi làm công nhân. Có giai đoạn, Liên cũng muốn nghỉ học như chị để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Đỉnh điểm là khi Liên biết tin mình đỗ đại học, nữ sinh đã phải đấu tranh rất nhiều. Nhưng khi nghĩ đến chị gái từ bỏ việc học đại học để nhường ước mơ lại cho mình, Liên càng thương cho hoàn cảnh gia đình và dấy lên khát vọng phải học để thoát nghèo.
Liên cũng từng tâm sự trăn trở này với bố mẹ. Cả hai động viên Liên dù khó khăn thế nào, bố mẹ vẫn sẽ cố gắng cho con gái được đi học. Những sự hy sinh ấy luôn là động lực để Liên phấn đấu mỗi lúc gặp khó khăn.
Chọn ngành Luật vì từng chứng kiến gia đình vướng vào một vụ kiện tụng tranh chấp, bố mẹ phải khổ sở khi vốn liếng trong nhà mất trắng, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, Liên càng muốn trở thành người có thể tư vấn luật pháp cho những người yếu thế giống như bố mẹ mình.
Ngày nhập học tại Trường ĐH Luật Hà Nội, vì bố có sức khỏe yếu, mẹ phải đi làm nên không thể đưa Liên lên Hà Nội. May mắn nhờ vào sự giúp đỡ của một phụ huynh có con học chung lớp cấp 3, Liên được bác đưa đi tới trường và hỗ trợ tìm phòng trọ.
Kỳ học đầu tiên, nhìn các bạn trong lớp hầu hết đều có nền tảng và xuất phát điểm tốt, Liên luôn tự nhủ bản thân phải “chạy nhanh hơn” để có thể đuổi kịp và bứt phá.
Dẫu vậy, Quỳnh Liên cũng từng gặp phải cú sốc khi cách học đại học rất khác với thời phổ thông. “Giảng viên không cầm tay chỉ việc mà đóng vai trò là người định hướng. Người học luôn phải chủ động trong mọi việc như tự tìm hiểu, tự nghiên cứu”, Liên nói. Nữ sinh cũng từng rất loay hoay để tìm kiếm ra cách học phù hợp nhất.
Cho rằng cách học hiệu quả chính là học từ giảng viên, Liên tìm ra “chiến thuật” là luôn phải đọc giáo trình trước khi bắt đầu bài học. Ở trên lớp, nữ sinh thường chăm chú nghe giảng, ghi lại những chia sẻ hữu ích từ thầy cô. Bên cạnh việc lên mạng tìm hiểu những vấn đề chưa rõ, Liên thường chủ động email cho giảng viên về những điều còn băn khoăn, thắc mắc.
Do đặc thù ngành học thường xuyên phải nghiên cứu những vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Liên thường tìm kiếm các hồ sơ, vụ án nổi tiếng và trực tiếp tham gia diễn án. Nữ sinh Hải Dương cho rằng, nếu người học không chủ động tương tác và tranh luận để nắm rõ bản chất, việc hiểu sai luật sẽ đem tới hậu quả khó lường.
Vì thế từ năm 3, nữ sinh cũng xin đi thực tập ở các văn phòng luật để được trau dồi thêm kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp.
Nỗi lo về tài chính cũng được giải quyết nhờ vào việc Liên giành học bổng trong suốt các kỳ cùng số tiền kiếm được khi đi làm thêm. Ngoài ra, trong 4 năm, nữ sinh trường Luật cũng giành được nhiều giải thưởng từ các cuộc thi chuyên ngành và là tác giả của một số công trình khoa học.
Giai đoạn làm khóa luận tốt nghiệp, Liên quyết định chọn đề tài “Những điểm mới căn bản của Quy tắc trọng tài ICSID năm 2022: Cơ hội và thách thức cho nhà đầu tư và quốc gia sở tại”. Theo Liên, đây là đề tài liên quan đến giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, nhưng bộ quy tắc này mới được ban hành. Ở Việt Nam chưa có công trình hay bài viết nào nghiên cứu về đề tài này.
Là người tiên phong, Liên cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm tư liệu liên quan. Nữ sinh phải nghiên cứu các bài báo nước ngoài và chắt lọc thông tin phù hợp. Nhờ vào tính mới và những lập luận sắc bén, khóa luận của Liên đạt 9,7 điểm. Nữ sinh trở thành thủ khoa đầu ra của trường với điểm tổng kết 3.66/4.0.
Ngay sau khi tốt nghiệp, Liên nộp đơn ứng tuyển vào Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp theo diện Nghị định 140, xét từ nguồn sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc. Mới đây, Liên nhận được thông báo trúng tuyển ở cả hai nơi.
Cô gái Hải Dương chọn công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp. Nhiệm vụ của Liên là nghiên cứu, tham mưu với lãnh đạo bộ để xây dựng Đề án chọn cử công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.
Theo Liên, nhiều người thường đổ lỗi cho hoàn cảnh hay khó khăn, nhưng đó không phải là lý do để ngừng cố gắng.
“Hoàn cảnh gia đình chính là động lực lớn nhất để em không ngừng nỗ lực, vươn lên”, Liên nói.
Thúy Nga
Thiết kế: Phạm Luyện