{keywords}

Yêu thích lập trình từ thời còn học lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), Song Hà đã tự mày mò làm chương trình chơi piano bằng ngôn ngữ Pascal. Việc lập trình để biến những ý tưởng của mình thành hiện thực khiến Hà cảm thấy thích thú.

“Hồi đó, tôi không thấy mình đang phải học mà như đang theo một hành trình khám phá những điều máy tính có thể giúp mình”.

Năm 2005, Hà được giải Nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Tin học và được tuyển thẳng vào Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

“Mặc dù 2 thành phố chỉ cách nhau 160 km và Hạ Long cũng không phải là vùng nông thôn, nhưng tôi đã cảm nhận thấy rõ khoảng cách về tư duy và điều kiện giáo dục giữa hai nơi.

Đơn giản như ở Hà Nội, học sinh đã tham gia vào các nhóm chuẩn bị đi du học từ những năm cấp 2, cấp 3. Thế nhưng với tôi, tới hết năm thứ 3 đại học, chuyện đi du học hay làm việc ở nước ngoài vẫn là điều gì đó rất xa vời” - Hà kể.

Những câu chuyện thành công xung quanh đã truyền cảm hứng cho cậu sinh viên trẻ suy nghĩ về việc khám phá những chân trời mới và niềm tin “mình có thể làm được”. 

{keywords}

Trải qua nhiều nỗ lực trau dồi ngoại ngữ và kiến thức chuyên môn, năm 2010, Nguyễn Song Hà xin được học bổng để tới thành phố Turin của Ý, theo học chương trình thạc sĩ tại ĐH Politecnico di Torino. Sau đó, anh còn đi xa hơn nữa, tới Trường ĐH Pittsburgh, bang Pennsylvania của nước Mỹ, để lấy bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính (2011-2013).

{keywords}

Hoàn thành chương trình học, Song Hà quyết định ứng tuyển vào vị trí kỹ sư phần mềm ở Microsoft.

“Tôi đã bay quãng đường 4.000km để đến khách sạn gần trụ sở Microsoft ở thành phố Redmond. 6 giờ sáng, một chiếc xe Limousine đến đón chúng tôi tới nơi phỏng vấn. Lúc đó, ai cũng cảm thấy rất thích thú vì với nhiều người (trong đó có tôi), đây là lần đầu tiên được ngồi Limousine”.

Để vào được Microsoft, ứng viên phải trải qua 5 vòng phỏng vấn liên tục.

“Với mức độ dồn dập như vậy, nếu vượt qua được sự căng thẳng, đó đã là một tín hiệu tốt. Sau đó, kết quả sẽ được thông báo luôn trong ngày. Mọi thứ đều diễn ra rất nhanh chóng, chuyên nghiệp”.

Song Hà cho biết, điều lớn nhất anh nhận được khi quyết định vào Microsoft là cơ hội được làm việc với những đồng nghiệp hàng đầu thế giới.

“Ngày đầu tiên tới công ty, nhân viên mới được tham gia các trải nghiệm để hiểu về văn hoá và cách làm việc ở Microsoft. Chúng tôi đi vòng quanh khuôn viên, gặp một người bất kỳ trong công ty và xin lời khuyên về chặng đường sắp tới. Mọi người đều gần gũi, thân thiện và chia sẻ rất nhiệt tình. Điều đó khiến tôi vô cùng ấn tượng”.

{keywords}

Tại Microsoft, Song Hà có quãng thời gian làm việc 5 năm với vai trò kỹ sư phần mềm trong team Windows. Quãng thời gian tuy không quá dài nhưng cũng đủ khiến anh từ một kỹ sư trẻ mới vào nghề trở nên dạn dĩ hơn. Nguyễn Song Hà từng đại diện team Windows tham gia hội nghị UPF49 và UPF51, nơi các chuyên gia từ khắp thế giới tới để cùng nhau phát triển công nghệ Bluetooth mới nhất. 

Kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với chàng kỹ sư người Việt trong thời gian làm việc tại tập đoàn công nghệ hàng đầu như Microsoft là việc phải trải qua một cuộc cắt giảm tới 10% nhân sự toàn tập đoàn.

“Riêng bộ phận Windows nơi tôi làm việc khi đó có 10.000 – 12.000 kỹ sư. Phải cắt giảm 10% nhân sự đồng nghĩa với việc hơn 1.000 người sẽ mất đi vị trí hiện tại.

Microsoft sử dụng một thuật toán để chọn ra nhân viên cần cắt giảm. Bạn tưởng tượng công ty giống như một cái cây nhiều tầng, họ sẽ tỉa tất cả các tầng, từ người ít kinh nghiệm đến người nhiều kinh nghiệm chứ không chỉ cắt tỉa một tầng nhất định. Nhóm tôi có 8 người thì 4 người bị cắt giảm”.

Công việc mặc dù suôn sẻ, nhưng sau 5 năm, Song Hà nhận ra vai trò của một kỹ sư phần mềm tại Microsoft chưa thỏa khát khao đóng góp cho cộng đồng của mình. Vì vậy, cuối năm 2018, anh quyết định tìm những cơ hội mới, bỏ qua lời mời với mức lương gấp đôi từ 4 công ty công nghệ hàng đầu khác để về làm cho Code.org.

Đây là một tổ chức giáo dục công nghệ với hơn 1 triệu giáo viên và 40 triệu học sinh trên toàn thế giới. Mục tiêu của tổ chức là phổ cập miễn phí khoa học máy tính và lập trình cho trẻ em ở Mỹ cũng như trẻ em trên thế giới. Anh kỳ vọng đây sẽ là nơi “thu hẹp khoảng cách về cơ hội giáo dục giữa các học sinh có các điều kiện kinh tế xã hội khác nhau". Tất cả học sinh đều xứng đáng có cơ hội tiếp cận những sản phẩm giáo dục tốt nhất.

“Rời Microsoft, bỏ qua các lời mời hấp dẫn khác khi đó là một quyết định không hề đơn giản. Giờ đây, sau gần 2 năm, tôi thấy mình đã chọn đúng”.

“Hàng tuần, công ty sẽ dành khoảng 10 phút để mọi người cùng ngồi lại với nhau, đọc lên những phản hồi từ giáo viên, học sinh về chương trình học. Nhờ đó, tôi thấy rằng những việc mình làm thực sự có ý nghĩa và có ảnh hưởng tới mọi người”.

{keywords}

Hà cho biết, để học sinh có thể học lập trình và khoa học máy tính như một môn học ở trường, bài toán quan trọng là phải có đủ giáo viên hướng dẫn. Chỉ trong 5 năm, các chương trình đào tạo của Code.org đã giúp hơn 100.000 giáo viên phổ thông ở Mỹ sẵn sàng đứng lớp dạy khoa học máy tính.

“Hầu hết giáo viên trước đó đều từ những lĩnh vực khác như Toán, Lịch sử, Nghệ thuật, chưa có nhiều kiến thức về Khoa học máy tính. Tuy nhiên, chỉ qua thời gian đào tạo ngắn, họ đã sẵn sàng đứng lớp. Chúng tôi rất cảm động khi nhận được thư cảm ơn với những chia sẻ rất thật, rằng: 'Tôi đang chuẩn bị nghỉ việc. Qua mấy chục năm gắn bó với ngành giáo dục, tôi cảm thấy bản thân đã cống hiến hết sức. Nhưng Code.org đã cung cấp cho tôi một làn gió mới. Tôi quyết định sẽ dạy thêm một môn học nữa có thể giúp ích cho  tương lai của bọn trẻ, đó là khoa học máy tính'. Và thế là họ tiếp tục tham gia vào sự nghiệp giáo dục” - Hà nói.

{keywords}

Sau những phản hồi tích cực đó, Song Hà càng tin tưởng hơn vào con đường đi của mình. Vì thế, đầu năm nay, khi được giới thiệu về tổ chức phi lợi nhuận STEAM for Vietnam với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science - Khoa học; Technology - Công nghệ; Engineering - Kỹ thuật; Arts - Nghệ thuật; Mathematics - Toán học) tại Việt Nam, anh quyết định tham gia ngay lập tức.

“Việc học công nghệ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế so với thế giới. Các kiến thức và bài thi lập trình cho học sinh phổ thông hầu hết vẫn mang hình thức đánh đố. Nếu việc học và thi vẫn được tiếp cận theo cách như vậy, chúng ta sẽ còn bị tụt hậu xa hơn nữa so với các nước phát triển”, anh nói.

Hà cùng nhiều chuyên gia người Việt trên khắp thế giới đã tạo ra một chương trình học với phương châm “Ai cũng có thể học khoa học máy tính”. Chương trình được thiết kế gần gũi, gợi sự thích thú tò mò để học sinh có thể tự do bộc lộ tính cách qua mỗi sản phẩm.

“Vừa qua, trong Trại hè lập trình miễn phí với hơn 5000 học sinh tham gia, chúng tôi đã trao giải cho một cô bé 11 tuổi, đang học lớp 6. Cô bé rất hiền và có phần nhút nhát nhưng cô bé đã làm chúng tôi ngạc nhiên về sức sáng tạo của mình qua sản phẩm “Bay cao Việt Nam” với nhiều nhân vật và độ khó khác nhau.

Hay có em bé rất thích đi du lịch, con đã lập trình ra một tựa game chạy tiếp sức qua các thành phố ở Việt Nam. Bắt đầu từ chú rùa mang lá cờ Việt Nam từ Hạ Long, vượt chướng ngại vật đưa lá cờ cho bồ nông ở Sơn Đoòng, rồi chuyển tiếp lá cờ cho chú cò ở Lào Cai. Cò vượt qua hết thử thách và cắm được lá cờ trên đỉnh Fansipan.

Mỗi đứa trẻ được đưa những màu sắc cá nhân vào sản phẩm của mình. Đó chính là điều chúng tôi muốn nhắn gửi tới các con, lập trình là công cụ để các con thể hiện bản thân, tạo ra các sản phẩm có tác động tích cực đến cuộc sống và con người xung quanh mình”.

{keywords}

Mặc dù vậy, Song Hà và những cộng sự của mình luôn trăn trở việc có thể đưa sản phẩm này tiếp cận được với trẻ em ở mọi vùng miền.

“Chúng tôi đã tính tới mọi rào cản và cố gắng loại bỏ tất cả để bất kỳ học sinh nào cũng có thể tiếp cận được với việc học lập trình. Mọi khoá học đều miễn phí là một nhân tố quan trọng. Ngoài ra, có rất nhiều chi tiết nhỏ hơn đã được nhóm cân nhắc kỹ lưỡng để học sinh có trải nghiệm thuận lợi nhất có thể. 

Ví dụ như trong giai đoạn đầu, chúng tôi tranh luận rất nhiều về việc nên sử dụng tiếng Việt hay tiếng Anh trong các bài giảng. Sử dụng tiếng Việt đồng nghĩa với việc phải bỏ thêm nhiều công sức để Việt hoá chương trình, code, tài liệu v.v. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi thống nhất lựa chọn tiếng Việt. Lý do đơn giản là sử dụng tiếng Việt là cách dễ nhất để học sinh mọi miền Việt Nam bước những bước đầu tiên trên con đường học lập trình”.

{keywords}

Khóa học đầu tiên, phần lớn học sinh tham gia đến từ các thành phố lớn. Anh Song Hà hi vọng các khoá tiếp theo sẽ có thêm nhiều học sinh ở các vùng nông thôn và vùng cao tham gia. 

“Có những phụ huynh ở Hà Giang đã chia sẻ với chúng tôi rằng, nếu không có chương trình, thì có lẽ, các con ở đó sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được tiếp cận với những bài học hay như thế này. Vì thế, mục tiêu của chúng tôi là đưa được ngày càng nhiều học sinh từ những vùng khó khăn tham gia vào khoá học”.

Không ra đời với mục đích thu lợi nhuận, anh Song Hà và những cộng sự cùng chí hướng đều kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một thế hệ trẻ có khả năng đi xa hơn cho ngành công nghệ Việt Nam.

“Chúng tôi mong muốn dạy trẻ về tư duy máy tính. Đây chính là chìa khóa vạn năng giúp giải quyết mọi vấn đề một cách hiệu quả thông qua sự kết hợp giữa suy nghĩ logic của con người và năng lực tính toán của  máy tính. Chìa khoá này có thể được áp dụng trong mọi lĩnh vực các em theo đuổi sau này”, anh Hà nói.

{keywords}

Thúy Nga

Thiết kế: Quốc Dũng - Ảnh: Lê Anh Dũng

Chàng trai vàng Tin học quốc tế: Đến Facebook không phải để chứng tỏ bản thân

Chàng trai vàng Tin học quốc tế: Đến Facebook không phải để chứng tỏ bản thân

Nguyễn Vương Linh cho rằng khi có đam mê và khả năng thì cần tìm một môi trường để phát huy khả năng đó, chứ không phải là phải vào Google/ Facebook/ Amazon để chứng tỏ bản thân.