- O Lệ nói đây là chặng đường mới. Vậy hành trình trước đó của hạt gạo hữu cơ tại vùng "đất lửa" Quảng Trị diễn ra như thế nào?
Đến nay đã 7 năm rồi. Trước đó, tôi làm bên lĩnh vực dầu khí chứ không phải nông nghiệp. Trong một lần lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dẫn đoàn cán bộ đi tham quan và học hỏi mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Tây Nam Bộ (có mô hình sản xuất phân hữu cơ của Đại Nam Ong Biển), tôi là người đứng ra kết nối.
Sau đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị ngỏ lời hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Buổi lễ ký kết diễn ra, lãnh đạo tỉnh hỏi “Ai là người đứng ra thực hiện dự án này?”. Cậu tôi quay sang bảo “Nó là người làm”. Và cây lúa được chọn làm với diện tích khoảng 200ha.
Tính toán vậy, nhưng về thuyết phục nông dân làm lúa hữu cơ mà không ai hiểu nó như thế nào, không ai tin tưởng, sợ liên kết rồi bị bỏ rơi. Tôi cùng vài người khác phải đến tận nhà dân thuyết phục. Năm đó, chỉ làm được 58ha.
Vụ Hè Thu đầu tiên, tình hình thời tiết khắc nghiệt nhất trong 10 năm, sâu bệnh hoành hành. Lúa hữu cơ lại không được phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sợ mất mùa, người nông dân còn viết đơn kiện tôi gửi tới cả chủ tịch tỉnh.
Cũng may có lãnh đạo tỉnh đồng hành. Ông Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo Sở NN-PTNT đứng ra cam kết “bà con cứ làm theo đúng quy trình, nếu sâu bệnh ăn hết lúa mà doanh nghiệp không đền thì chúng tôi sẽ đền”. Thế là bà con yên tâm.
Theo đúng quy trình, chúng tôi cung cấp cho nông dân lúa giống, phân bón, bao tiêu lúa cho bà con với giá cao hơn thị trường 30%. Ngoài ra, bảo hiểm năng suất 5 tấn/ha, nếu mất mùa, nông dân vẫn được trả tiền.
Vụ đầu tiên, thu hoạch lúa xong tôi trả tiền tươi cho bà con nông dân ngay tại chân ruộng. Thấy vậy, người nông dân tin tưởng, diện tích lúa tăng dần lên 200ha.