Sáng 7/7, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế đi kiểm tra tại điểm thi trường THPT Đặng Huy Trứ (thị xã Hương Trà).
Đây là điểm thi có 508 thí sinh với 22 phòng thi, toàn bộ thí sinh là học sinh ở trường này – đây là điểm mới nhằm tạo điều kiện cho thí sinh đi thi thuận lợi nhất.
Tại đây, Bộ trưởng đã đi kiểm tra tại phòng hội đồng thi, công tác bảo mật đề thi, động viên thăm hỏi cán bộ y tế và dặn dò những điều cần thiết khi thí sinh thi trong trời nóng bức.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã rất lưu tâm, kiểm tra địa điểm để vật dụng, đồ đạc thí sinh. Tại điểm thi này, toàn bộ vật dụng thí sinh được đặt tại nhà thi đấu cách xa phòng thi gần nhất hơn 30m, đúng với quy định.
“Tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị thi của Ban chỉ đạo thi, Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế. Tôi nhận thấy việc thi cử được tỉnh làm chu đáo, cẩn thận.
Tôi cũng căn dặn cán bộ thi phổ biến đến thí sinh những việc rất nhỏ nhưng có thể bị đình chỉ thi như không mang điện thoại vào phòng thi, để vật dụng tư trang cách xa phòng thi 25m.
Qua kiểm tra mọi việc được thực hiện rất tốt”, ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉnh này có 13.344 thí sinh dự thi, trong đó có 548 thí sinh tự do; ngành giáo dục tỉnh đã tổ chức, bố trí thi tại 37 điểm thi ở các trường học trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh.
Sở đã điều động hơn 2.500 cán bộ, giáo viên và nhân viên tham gia làm nhiệm vụ công tác thi tốt nghiệp.
Đang từng bước tháo gỡ việc thiếu giáo viên
Chiều nay, tới kiểm tra trực tiếp tại các Điểm thi và làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm, sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh trong công tác chỉ đạo, chuẩn bị kỳ thi.
“Về tổng quan cho đến thời điểm này, từ công tác chỉ đạo đến triển khai trong thực tế đang tốt. Với thời gian còn hơn một ngày thi, mong rằng Ban Chỉ đạo thi của tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo sâu sát để thời gian còn lại đạt kết quả tốt nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài lưu ý công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng trao đổi với địa phương một số nhiệm vụ chung về giáo dục và chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm học 20022-2023 là năm quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với khối lượng công việc nhiều, do đó, Bộ trưởng mong tỉnh tiếp tục quan tâm cho công việc này. Ngoài ra, đây cũng là năm học cần tiếp tục tập trung cho việc củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, do vậy, địa phương cần lưu ý để thực hiện.
Ghi nhận sự chuẩn bị tích cực của tỉnh Quảng Trị cho năm học mới như đã hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10; đã triển khai xây dựng, xuất bản tài liệu giáo dục địa phương; đã thực hiện hỗ trợ các trường triển khai lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10… Bộ trưởng lưu ý, đây là năm đầu tiên học sinh lớp 10 thực hiện lựa chọn tổ hợp môn theo chương trình mới - một việc chưa có tiền lệ, do đó, Sở GD-ĐT cần chỉ đạo sát sao, dựa trên cơ sở điều kiện thực tế nhưng cũng phát huy được yếu tố mới, tiên tiến của chương trình, đáp ứng cao nhất nhu cầu lựa chọn của học sinh.
Đối với việc phát hành sách giáo khoa đầu năm học mới tại các trường học, Bộ trưởng cho biết: Bộ đã có Chỉ thị, theo đó nhà trường, giáo viên không được gợi ý, ép phụ huynh mua sách tham khảo, việc lựa chọn là do nhu cầu của từng gia đình. Bộ trưởng đồng thời để nghị Sở GD-ĐT Quảng Trị tổ chức kiểm tra thực tế việc thực hiện Chỉ thị này ở địa phương.
Với một số kiến nghị của địa phương liên quan tới thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, chính sách cho nhà giáo…, Bộ trưởng cho biết Bộ GDĐT đang có những bước triển khai thực hiện và tham mưu, phối hợp thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn về thiếu giáo viên cho địa phương, cũng như để làm sao cơ chế chính sách tạo thuận lợi nhất cho giáo viên.
Trước đó, trong trao đổi về tình hình chung của giáo dục tỉnh Quảng Trị, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GDĐT đã chia sẻ một số khó khăn của địa phương như: Thiếu giáo viên dẫn tới khó khăn về dạy học 2 buổi/ngày; thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học do thiếu nguồn lực đầu tư; việc sáp nhập, sắp xếp trường lớp bên canh thuận lợi, cũng còn khó khăn về chế độ chính sách trong quá trình thực hiện…