Nhận định của Bộ Y tế được đưa ra trong công văn do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ban hành về việc khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc Covid-19.
Công văn được gửi đến bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Y tế các Bộ, ngành. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết đối với người dân sau khi mắc Covid-19.
Để người dân nâng cao nhận thức về hậu Covid-19, Bộ Y tế đưa ra 7 nội dung chính.
Trong đó, hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid-19, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác.
Các triệu chứng hậu Covid-19 rất đa dạng, có đến 203 triệu chứng khác nhau, có thể xuất hiện sau khi Covid-19 đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát theo thời gian.
Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: Mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực...
Khi các dấu hiệu, triệu chứng của hậu Covid-19 làm sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, tác động đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội, người dân cần đi khám sức khỏe.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đa khoa hoặc chuyên khoa thực hiện khám bệnh, chữa bệnh hậu Covid-19 theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép.
Bộ Y tế cũng lưu ý người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh.
Liên quan đến việc khám chữa bệnh cho người dân sau mắc Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành.
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (Covid-19)...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu khám chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19 nói riêng và khám chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.
Đặc biệt, các cơ sở khám, chữa bệnh phải tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt khám chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.
Bộ Y tế cũng giao cho Cục Quản lý khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế, Y tế các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.
Hậu Covid-19 được nhắc đến nhiều từ sau đợt dịch bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam năm 2021. Nhiều người dân phàn nàn về tình trạng mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, mất ngủ, tim đập nhanh, hay quên… dù đã âm tính trở lại sau nhiều ngày.
Nắm bắt tâm lý và nhu cầu của người dân, nhiều cơ sở y tế công lập và tư nhân mở các khoa, phòng có các gói khám, kiểm tra hậu Covid-19 từ mức cơ bản/tiêu chuẩn, mở rộng, nâng cao, đặc biệt. Mức giá của các gói này cũng rất khác nhau, từ 2 triệu, thậm chí có nơi mức giá gói đặc biệt gần 25 triệu đồng.
Trước tình trạng này, riêng tại TP.HCM, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị không được tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, kể cả dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Sở này cũng yêu cầu các đơn vị không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh hậu Covid-19 trong trường hợp không cần thiết, không hạn chế quyền lợi của người bệnh khi đến khám chữa bệnh đối với các bệnh liên quan hậu Covid-19 bằng việc gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe hậu Covid-19 với giá khám theo yêu cầu.
Thanh Hiền