Đến nay, cá mập xanh là loài có nhiều cá thể con 2 đầu nhất bởi cá mập mẹ có thể mang trong mình một lúc 50 cá thể con trong bụng.
Gần đây, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tìm thấy phôi thai cá nhám mèo đuôi cưa Đại Tây Dương 2 đầu trong số hàng trăm con cá mập được nuôi dưỡng để nghiên cứu phục vụ y học. Đây là trường hợp cá mập đẻ trứng sinh ra cá thể 2 đầu đầu tiên được phát hiện.
Các nhà nghiên cứu đã cẩn thận giải phẫu trứng để nghiên cứu phôi thai kỳ lạ này. Giáo sư Valentín Sans-Coma, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng nếu để nở một cách tự nhiên, phôi thai có thể không sống sót được. Điều này lý giải việc người ta chưa bao giờ tìm thấy cá thể cá mập đẻ trứng 2 đầu trước đó.
Nguyên nhân thúc đẩy cá mập đột biến gia tăng vẫn là một bí ẩn đối với giới khoa học. Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc đánh bắt quá mức có thể là lý do.
Khi số lượng cá mập giảm dần, hệ gene của chúng cũng thu hẹp lại dẫn đến gia tăng giao phối cận huyết và làm cho nguy cơ xảy ra di truyền bất thường tăng cao.
Trong khi đó, tiến sĩ Hải dương học Felipe Galván-Magana lại tin rằng sự cuồng loạn về loài cá mập 2 đầu là một sự nhầm lẫn. Ông lập luận rằng trên thực tế, số lượng cá mập đột biến không tăng lên. Sự chú ý đối với chúng là do các công trình nghiên cứu về hiện tượng này được xuất bản nhiều hơn trong thời gian gần đây.
Tiến sĩ Galván-Magana không lạ gì với cá mập đột biến. Một con "cá mập độc nhãn" với một mắt duy nhất đã bị bắt ngoài khơi bờ biển của Mexico vào năm 2011 và đưa đến phòng thí nghiệm của ông.
Các mẫu vật của cá mập đột biến đã ít ỏi lại xa xôi, gây ra nhiều khó khăn khi nghiên cứu cho các nhà khoa học. "Tôi muốn nghiên cứu về chúng nhưng không phải bạn cứ quăng lưới là sẽ bắt được cá mập 2 đầu. Điều này là ngẫu nhiên", Ehemann nói.
Theo Zing/Tomo News