Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa có công văn yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định tuyển sinh lớp 10 THPT của Bộ, tức không cộng điểm ưu tiên hay tuyển thẳng đối với thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Đối với các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh lớp 10 chưa đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên phải điều chỉnh lại.
Sau công văn của Bộ, đến thời điểm này, một số tỉnh đang rà soát, thay đổi phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm nay.
Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 – 2025 ban đầu của tỉnh Quảng Trị, nếu thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc các chứng chỉ khác tương đương (gồm: TOEFL, TOEIC, Aptis ESOL, PEARSON PTE…) sẽ được miễn thi môn tiếng Anh, quy đổi điểm chứng chỉ để xét vào lớp 10. Cụ thể, đạt 4.0 IELTS sẽ được quy đổi thành 9 điểm. Các mức 4.5 và 5.0 IELTS lần lượt được quy đổi thành 9,5 và 10 điểm.
Việc này thực tế đã được tỉnh Quảng Trị thực hiện vài năm gần đây.
Trao đổi với VietNamNet sáng 27/2, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết theo công văn mới nhất của Bộ GD-ĐT, tỉnh sẽ phải dừng việc này.
“Sở GD-ĐT Quảng Trị sẽ tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh lớp 10, theo đúng yêu cầu của Bộ GD-ĐT tại Công văn 715. Tức là chúng tôi sẽ bỏ đi những ưu tiên đối với học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong tuyển sinh vào lớp 10. Việc ưu tiên và tuyển thẳng sẽ thực hiện đúng theo Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, tức chỉ áp dụng với học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; học sinh là người dân tộc rất ít người; học sinh là người dân tộc rất ít người...”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục trung học của Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết Sở cũng sẽ làm việc, rà soát lại vấn đề này.
“Thực ra, trong phương thức tuyển sinh lớp 10 của Nghệ An vốn là xét tuyển (kết hợp giữa kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm THCS cùng chứng chỉ ngoại ngữ), chứ không phải chỉ cần chứng chỉ ngoại ngữ là tuyển thẳng hay cộng điểm ưu tiên. Chúng tôi sẽ phải xem lại, đối chiếu phương thức Nghệ An đang làm lâu nay có lệch so với quy định của Bộ hay không. Dự kiến trong tuần này tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp nêu ý kiến về vấn đề này”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển cũng như một cách để ghi nhận cho các học sinh và cũng là hướng để thúc đẩy dạy học ngoại ngữ trên toàn tỉnh. Cá nhân ông Dũng lấy làm tiếc nếu không được sử dụng chứng chỉ để xét tuyển nữa.
“Có 2 tác động. Một là tác động trực tiếp, tức những em đạt được kết quả chứng chỉ cao thì được ghi nhận, động viên. Hai là tác động gián tiếp, đó là thúc đẩy phong trào dạy học ngoại ngữ. Qua mấy năm, như Nghệ An, đã nhìn thấy sự tăng trưởng về kết quả ngoại ngữ nhờ đề án ngoại ngữ của tỉnh. Cụ thể, điểm thi Tiếng Anh tuyển sinh vào lớp 10 toàn tỉnh, năm vừa rồi so với năm 2022 là 0,8 điểm. Hay điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh, năm 2020 khi chưa thực hiện đề án ngoại ngữ trung bình chỉ đạt 3,99; nhưng năm 2022 đã lên 4,53 và năm 2023 đã lên 5,17... Tất nhiên trong đó có nhiều giải pháp, song nhìn chung việc tạo động lực cũng là một yếu tố quan trọng để các em học tập”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở GD- ĐT Phú Thọ, cũng cho hay, sẽ báo cáo với UBND tỉnh để xin ý kiến về vấn đề này. Khi có điều chỉnh, Sở GD-ĐT sẽ thông báo công khai đến các đối tượng liên quan. Năm ngoái, Phú Thọ cũng áp dụng tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 IELTS trở lên vào các trường công lập.