Theo quan niệm dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ lên thiên đình để báo cáo những sự việc xảy ra trong một năm qua ở địa phận mình cai quản.
Cá chép là phương tiện đưa Táo quân về trời. Vì vậy, lễ cúng ông Công ông Táo thường có 3 con cá chép. Sau khi cúng xong, những con cá này được mang đi thả.
Cách lựa chọn cá chép
Việc chọn mua cá chép vô cùng quan trọng. Người xưa quan niệm, khi mua cá chép, gia chủ nên lựa chọn những con cá có màu đỏ, to, khỏe mạnh, không bị trầy xước, bong vảy…
Để biết cá có khỏe mạnh hay không, gia chủ có thể kiểm tra phần mang của chúng. Nếu mang đỏ tươi là cá đang ở trạng thái khỏe mạnh. Nếu mang đỏ thâm thì cá đã yếu và dễ chết.
Ngoài ra, gia chủ có thể thử độ khỏe mạnh của cá chép bằng cách thả tạm cá vào lu. Khi chạm vào mặt nước, cá bơi nhanh, quẫy mạnh có nghĩa là rất khỏe mạnh, sung sức.
Sau khi đưa về nhà, gia chủ nên cho cá vào thau nước sạch với ít rong để cá thích nghi. Gia chủ nên sử dụng nước sông hồ, nước giếng thay vì nước máy. Bởi, loại nước này thường có nhiều clo dễ làm chết cá.
Cách thả cá chuẩn nhất
Sách Phong tục Thờ cúng của người Việt của tác giả Song Mai - Quỳnh Trang, NXB Văn hoá Thông tin cho rằng, nếu cúng cá chép sống thì sau khi làm lễ xong, gia chủ đem cá ra sông, hồ thả với tâm thế vui vẻ, thoải mái, cùng niềm tin cá sẽ đưa ông Táo về trời. Điều này sẽ mang lại nhiều may mắn cho gia đình.
Trong lúc thả cá, gia chủ nên nhẹ nhàng, từ tốn, tránh va chạm mạnh làm cá chết.
Sau khi thả cá xong, gia chủ nên lưu lại xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt chưa bơi đi được. Gia chủ không nên phóng sinh cá ở nơi nguồn nước bẩn, ô nhiễm. Người thả cũng không nên thả cá ồ ạt hoặc có hành vi quăng, ném, vứt cả núi nilon xuống hồ nước.
Theo quan niệm dân gian, cá chép nên được thả trước giờ Ngọ - 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Do đó, ngay từ tối 22 đến sáng 23 đã có nhiều người đi thả cá.