XEM CLIP:

Theo thống kê, vụ cam Vinh năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An có gần 3.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Quỳ Hợp, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn,...

Năm nay, thời tiết bất lợi, hầu như năng suất và sản lượng các vùng trồng cam Vinh trên địa bàn tỉnh giảm sút, trong khi chi phí đầu tư cho cây cam đều tăng. Tuy nhiên, giá cam tăng cao giúp bà con nông dân phấn khởi bước vào vụ thu hoạch.

Chị Phan Thị Bình (SN 1972, trú xóm Đồng Trổ, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành) cho biết, gia đình có khoảng 100 gốc cam. Đầu năm, trời mưa nhiều nên tỷ lệ đậu hoa đạt thấp. Đến khi cam bắt đầu mọng nước thì lại gặp bão, mưa kéo dài nên nhiều quả rụng.

“Gia đình đã mở trại bán hơn nửa tháng nay. So với năm ngoái, năng suất cam giảm nhưng giá tăng hơn năm trước khoảng 10.000 đồng/kg, phổ biến từ 35.000-50.000 đồng/kg”, chị Bình cho hay.

Quả sai trĩu cành, cam chín vàng óng

Theo chị Bình, trồng cam Vinh đạt hiệu quả cần cao cần chăm sóc rất chu đáo và tỉ mỉ. Hàng năm cần bón 3 đợt phân chuồng hoặc phân hữu cơ kết hợp với phân bón hoá học, đồng thời, thường xuyên cắt tỉa cành vượt, làm sạch cỏ quanh gốc cây.

Trồng 10ha cam theo hướng hữu cơ, chuẩn VietGAP, trang trại cam của anh Trương Nhật Tiến (SN 1978, trú xóm Đồng Trổ, xã Đồng Thành) từ lâu được nhiều người biết đến và rất ưa chuộng.

“Năm nay, 10ha cam cho sản lượng trên 100 tấn. Trại đang chọn cắt bán những quả cam đủ độ chín, còn khoảng 70 tấn nữa sẽ thu hoạch vào dịp Tết. So với các năm trước thì mùa vụ này, cam chín muộn hơn 10-15 ngày”, anh Tiến thông tin.

Năm nay, thời tiết bất lợi nên cam tại Nghệ An giảm, nhưng bù lại giá cam lại tăng

Quả cam chín đẹp đều

Cùng với canh tác cam theo hướng hữu cơ VietGAP, các trang trại cam đã phát huy lợi thế thương mại điện tử để quảng bá, kết nối tiêu thụ cam. Nhờ đó, đầu ra được mở rộng, cam Vinh được thị trường đón nhận.

Anh Nguyễn Văn Dũng (trú huyện Nghi Lộc), thương lái chuyên thua mua cam Vinh, cho hay, mỗi ngày anh anh thu mua 1-3 tấn cam Vinh trên địa bàn huyện Yên Thành và nhập cho các cửa hàng trên địa bàn TP. Vinh.

“Giá cam thời gian tới, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Nguyên nhân là diện tích trồng cam năm nay giảm sút mạnh, ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nên cam mất mùa, năng suất sụt giảm. Cam trở nên khan hiếm hơn trước, trong khi nhu cầu tiêu thụ dịp Tết tăng cao”, anh Dũng tâm sự.

Cuối năm là thời điểm các vườn cam Vinh vào mùa chín rộ
Giá cam Vinh tăng hơn 10.000 đồng/kg so với năm trước

Xã Đồng Thành là thủ phủ cam của huyện lúa Yên Thành. Theo kinh nghiệm của những người có thâm niên với nghề trồng cam, vùng đất quanh chân núi Lèn, nếu trồng cam sẽ cho chất lượng quả tốt. Do vậy, phần lớn diện tích cam của địa phương được trồng quanh chân núi Lèn.

Chủ tịch UBND xã Đông Thành (huyện Yên Thành) Ngô Văn Tuấn thông tin, phát huy tiềm năng lợi thế của vùng bán sơn địa, đến nay xã đã có gần 100 hộ trồng cam với tổng diện tích hơn 130 ha, trong đó có 56 ha cam được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

“Cam là cây mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao. Năm 2021, sản lượng ước đạt 1.400 tấn, cho thu nhập xấp xỉ 43 tỷ đồng. Cây cam giúp người dân có thu nhập ổn định, nhiều hộ có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng nhờ trồng cam”, ông Tuấn chia sẻ.