Chiếc loa phường như những “ông mõ làng” có mặt ở Thủ đô từ những năm kháng chiến và thời kỳ bao cấp. Với nhiều người, chiếc loa phường là phương tiện tiếp nhận thông tin không thể thiếu được.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, chiếc loa phường giờ đây không thực sự cần thiết như trước kia, thậm chí nó còn đang gây nhiều phiền toái cho cộng đồng cư dân, đặc biệt là những gia đình bị loa phường hướng thẳng, sát vào nhà.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh”, vì thế nơi nào không còn hiệu quả thì cơ quan chức năng mạnh dạn đề xuất xóa bỏ.
Việc phát thanh vào giờ cao điểm nào, nội dung gì cần được các phường, xã nghiên cứu cho phù hợp. Đặc biệt, ở những nơi dân trí đã cao có thể bỏ những chiếc loa phường.
Phần đông người dân cho biết loa phường hoạt động không hiệu quả do nội dung thông tin chưa hữu ích, âm thanh lúc được lúc mất, tiếng rè.
“Ôi trời ơi, suốt ruột với nó, cứ đến giờ là nó oang oang lên, nó cứ xuyên vào tai mình, không chú ý nhưng vẫn phải thuộc. Nghe mãi một tiết mục vô cùng khó chịu như thông tin kẻ gian đột nhập vào nhà cả tháng nay. Sáng cũng như chiều, nhắc đi nhắc lại mãi, không có gì mới mẻ cả”, ông Đỗ Văn Ngọc (59 tuổi), 101 B7, tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội nói.
Bà N. T.L nhà 504, Đê La Thành (quận Đống Đa) bức xúc: “Loa phường "thò cổ" vào cửa sổ nhà, trên tầng 2 nơi có hai đứa trẻ con, mà chẳng hiểu loa phát thanh, tin tức kiểu gì không thể nghe được. Khi mới phát nó oang oang lên một tiếng rồi lại rè rè không nghe rõ tiếng gì như người bị hen suyễn. Theo tôi là nên bỏ”.
Trước đó vào năm 2013, bên cạnh hệ thống loa phường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Sở Giao thông lắp đặt loa phát thanh tuyên truyền giao thông ở 16 vị trí công cộng trọng điểm trên địa bàn
Theo Danviet