VietNamNet: Tổng cục Bưu điện đã trải qua một thời kỳ dài phát triển trước khi trở thành một cơ quan cấp Bộ. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến quyết định này?
Ông Đỗ Trung Tá: Trong những năm đầu của thế kỷ 21, viễn thông và Internet tại Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, Công nghệ thông tin (CNTT) cũng bắt đầu được ứng dụng rộng khắp.
Đặc biệt, năm 2000, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 58 BCT-TW về đẩy mạnh ứng dụng phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong nghị quyết có nêu một vấn đề, đó là “Chính phủ sớm kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý về viễn thông và CNTT để thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực này”.
Trước đó 2 năm, doanh thu của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) đã suýt soát đạt mốc 1 tỷ USD. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình kinh doanh của tập đoàn này. Mặc dù vậy, những người đứng đầu VNPT khi đó vẫn không cảm thấy vui mừng lắm bởi trong suy nghĩ của chúng tôi, CNTT mới là nguồn thu tương lai của ngành.
Đây chính là thời điểm để suy nghĩ về việc đưa CNTT vào danh mục quản lý nhà nước của Tổng cục Bưu điện.
Lúc này, Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện đã họp bàn và đưa ra 2 phương án. Phương án thấp là đổi tên Tổng cục Bưu điện thành Tổng cục Bưu điện và Tin học. Ở phương án cao, mọi người nhất trí đề xuất thành lập Bộ Bưu điện và Tin học trên cơ sở Tổng cục Bưu điện.
Từ ảnh hưởng của Chỉ thị 58, ở trên đã chấp nhận phương án cao, nhưng chữ “Bưu điện” trong phương án này được đổi thành “Bưu chính, Viễn thông”.
Với chữ “Tin học”, do cảm thấy đây là một ngành học chuyên môn chứ không phải một ngành ứng dụng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khi đó đề xuất đổi cụm từ này thành “Công nghệ thông tin” cùng tên Bộ mới là “Bộ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin”.
Để tránh bị trùng với chữ “công nghệ” trong tên của Bộ Khoa học và Công nghệ, Quốc hội đã thông qua tên gọi mới của Tổng cục Bưu điện là Bộ Bưu chính, Viễn thông. Đây là dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Bộ Bưu chính, Viễn thông trước kia và Bộ Thông tin và Truyền thông sau này.
Tuy mất “Công nghệ thông tin” trong tên gọi, Bộ vẫn xin để cụm từ này trong tên đối ngoại của mình. Vì thế, tên đối ngoại của Bộ Bưu chính, Viễn thông là Posts and Telematics (với nghĩa Telematics = Telecomunication + Informatic), dịch ra là Bộ Bưu chính, Viễn thông và CNTT.
Chính phủ sau đó cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông với các lĩnh vực quản lý gồm Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Phát sóng Phát thanh truyền hình, Tần số Vô tuyến điện, Công nghiệp điện tử.
Cũng vì muốn chính danh, năm 2007, trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, tôi đề nghị Chính phủ cho phép đổi tên Bộ Bưu chính, Viễn thông thành Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông
Đến tháng 8/2007, Quốc hội sau đó đã phê chuẩn việc đổi tên Bộ Bưu chính, Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông, bổ sung thêm chức năng quản lý thông tin và xuất bản.
VietNamNet: Đây là thời kỳ ngành viễn thông Việt Nam quyết định mở cửa, chuyển từ độc quyền sang nền kinh tế cạnh tranh. Là tư lệnh ngành lúc đó, ông đánh giá sao về kết quả của sự thay đổi này?
Ông Đỗ Trung Tá: Những năm 2000 là thời kỳ ngành viễn thông quyết định mở cửa, chuyển từ độc quyền sang nền kinh tế cạnh tranh.
Năm 2000 là năm đầu tiên ngành chuyển từ chiến lược tăng tốc sang chiến lược hội nhập, phát triển với nội dung chính là mở rộng hợp tác, kinh doanh với nước ngoài, từ đó ra đời những BCC mới.
Lãnh đạo Bộ Bưu chính, Viễn thông khi đó muốn đẩy mạnh mở cửa cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, không phải chỉ mạng cố định mà cả với mảng di động.
Trước đó, dịch vụ viễn thông là mảnh đất độc quyền của VNPT. Các công ty khác vẫn được kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng phải dựa vào mạng lưới của doanh nghiệp này. Về sau, “nút thắt” này đã được cởi bỏ với sự xuất hiện của nhiều nhà mạng mới.
Cạnh tranh để phát triển lúc này là một yêu cầu nội tại của ngành. Trước đó tại Việt Nam đã có thử nghiệm về kinh tế thị trường, do vậy đây là thời điểm chín muồi cho việc khai thông thị trường viễn thông bằng sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, sức mạnh của cạnh tranh là có thật bởi khi một nhà mạng mới ra đời, nhà mạng cũ đã phải tự nâng cao năng lực của mình và phải làm tốt hơn, trách nhiệm hơn trước.
Lãnh đạo ngành Bưu điện khi đó đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà mạng ra đời sau. Bằng chứng là việc Viettel được ưu tiên cấp giấy phép cung cấp thử nghiệm dịch vụ VoIP với thương hiệu 178. VoIP là dịch vụ có lợi nhuận cao nhất thời điểm đó. Doanh thu từ dịch vụ này chính là nguồn vốn tích lũy để Viettel đầu tư cơ sở hạ tầng cho mạng di động sau này.
Mở cửa thị trường viễn thông là một quyết định chính xác và mang tới nhiều hiệu quả. Người dân nhờ thế được hưởng các dịch vụ tốt hơn, cạnh tranh giúp các nhà mạng có thêm động lực phát triển, trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp cũ không hề bị ảnh hương và nguồn thu của Nhà nước lại tăng lên trông thấy.
VietNamNet: Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông xoay quanh câu chuyện mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam?
Ông Đỗ Trung Tá: Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là việc tranh cãi với ban đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong quá trình đàm phán, các đối tác nước ngoài muốn chúng ta mở cửa hoàn toàn thị trường viễn thông để họ được tự do kinh doanh trên đất Việt Nam.
Nếu làm điều đó, Việt Nam sẽ mất đi chủ quyền trong lĩnh vực viễn thông. Tôi đã cương quyết bảo vệ quan điểm yêu cầu phía đối tác nước ngoài chấp nhận sự quản lý của Việt Nam khi tham gia vào lĩnh vực này, thậm chí đưa ra đề nghị lên Bộ Chính trị.
Điều hối tiếc nhất cũng liên quan đến việc đàm phán gia nhập WTO, đó là khi Việt Nam phải chấp nhận mở cửa nhanh thị trường chuyển phát quốc tế. Đổi lại, nước ta sẽ nhận được thêm 2 tỷ USD dệt may xuất khẩu.
Kết quả của quyết định này là các hãng chuyển phát, logistic quốc tế sau đó đã ồ ạt vào Việt Nam và lấy mất đi thị phần của các doanh nghiệp nội. Đây là điều buộc phải làm vì lợi ích quốc gia bởi 2 tỷ USD là số tiền rất lớn ở thời điểm đó.
Ít người biết rằng, ngành bưu chính Việt Nam từng có ý định mua máy bay để chạy chuyến bắc nam, thậm chí đã từng có đề án, trong đó có việc xin cung cấp dịch vụ kinh doanh chở khách. Thậm chí còn có ý tưởng thuê 800 chiếc taxi của Hồng Kông về làm taxi và chở hàng.
Có những việc phải hy sinh, nhưng cũng có những điều phải kiên quyết đấu tranh đến cùng vì chủ quyền quốc gia. Đó là những chuyện tôi rất nhớ.
VietNamNet: Là một “tư lệnh” ngành, sau 20 năm nhìn lại, ông có cảm xúc và suy nghĩ gì khi thấy những phán đoán và quyết định của mình thời điểm đó?
Ông Đỗ Trung Tá: Ngẫm lại về quãng thời gian mấy chục năm hoạt động trong ngành, có 3 điều khiến tôi ấn tượng nhất.
Năm 1996, với tư cách Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện, tôi đã thay mặt Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện trình Hội nghị Trung ương 2 Khóa 8 về phát triển Khoa học Công nghệ và Giáo dục Đào tạo, đề xuất xin mở dịch vụ Internet tại Việt Nam như một giải pháp để phát triển 2 quốc sách hàng đầu.
Ý tưởng này được đưa ra đúng lúc và đúng thời điểm. Đúng lúc bởi ở thời điểm đó, ngành Bưu chính, Viễn thông đã tự chủ được hạ tầng Internet. Đúng thời điểm bởi đây là lúc đất nước đang cần giải pháp để phát triển 2 lĩnh vực quan trọng này.
Đề xuất trên cũng chính là nền tảng ban đầu dẫn đến việc khai trương Internet tại Việt Nam vào năm 1997. Sau những năm 2000, Internet đã phát triển rất nhanh và mạnh tại Việt Nam như những gì chúng ta đã thấy.
Điều đáng nhớ thứ hai là sự phát triển thành công của viễn thông di động số ở cả khía cạnh công nghệ và thị trường. Thời điểm đó xuất hiện một loạt những khẩu hiệu như “Internet về làng”, “di động như cơm bình dân”, “nông dân có di động dắt cạp quần”. Đây là những tư tưởng đã khích lệ lực lượng lao động trong ngành vươn lên.
Nhờ mở cửa cạnh tranh, chỉ trong vòng 20 năm, giá cước viễn thông tại Việt Nam đã giảm mạnh, lượng người sử dụng di động và Internet tăng lên trông thấy.
Ấn tượng thứ 3 là tại một diễn đàn về CNTT toàn cầu được tổ chức ở Algeria, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế khi đó đã chia sẻ: “Các nước cần tham khảo và áp dụng kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng dụng và phát triển CNTT thông qua các điểm bưu điện văn hóa xã”.
Khi nghe câu nói đó, tôi cảm thấy rất xúc động. Trong quá trình phát triển các điểm bưu điện văn hóa xã, tôi đã từng trăn trở rất nhiều vì những ý kiến phản đối, ngờ vực từ cấp dưới và bên ngoài. Có những thời điểm, mô hình này tưởng chừng như thất bại bởi sự bỏ bê, thiếu chăm lo phát triển từ phía các địa phương.
Sau chia sẻ của Tổng thư ký ITU, Thái Lan sau đó đã học Việt Nam và đưa mô hình điểm bưu điện văn hóa vào các nhà chùa, để các nhà sư phổ biến kiến thức về CNTT cho người dân đất nước họ.
Còn một ấn tượng sâu sắc nữa là sự ra đời của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Đây là mô hình bước đầu để giải quyết nỗi trăn trở về sự gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo trong một ngành kinh tế kỹ thuật.
Nhìn chung, sự phát triển của ngành Bưu chính Viễn thông đã thể hiện tài năng của người Việt Nam, thông qua đánh giá của các tổ chức quốc tế và lãnh đạo các nước.
Để làm tốt hơn, chúng ta cần coi trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực, chú ý đến lớp trẻ, không chỉ là những người làm chuyên môn về CNTT mà phải bồi dưỡng toàn xã hội, cho mỗi người dân kỹ năng sử dụng CNTT. Điều quan trọng hơn cả, trong quá trình phấn đấu vươn lên, chúng ta không được phép tự ti, cả về bản thân cũng như dân tộc.
VietNamNet: Cảm ơn ông!
Trọng Đạt (Thực hiện)