Lời tòa soạn

Ẩm thực vỉa hè Việt Nam nổi tiếng trên khắp thế giới bởi sự đa dạng, hấp dẫn về cả nguyên liệu, hương vị, hình thức và không gian thưởng thức gần gũi, mang đặc trưng rất riêng. Nhiều nhân vật nổi tiếng hay những đầu bếp lừng danh khi tới Việt Nam đều mong muốn trải nghiệm nét văn hóa thú vị này.
Hiện nay, nhiều người Việt Nam đã mang các món ăn đường phố đặc trưng như phở, bánh mì, bún đậu mắm tôm, nộm xoài, ngan cháy tỏi... và hình thức phục vụ tại vỉa hè tới các quốc gia trên thế giới.
Trong tuyến bài Ẩm thực vỉa hè đi Tây báo VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả một số quán ăn Việt tại nước ngoài thu hút rất đông thực khách, khiến họ sẵn lòng "khom lưng mỏi gối" ngồi vỉa hè chờ thưởng thức.

Những ngày hè nắng đẹp, ở khu vực gần công viên Sara Roosevelt, cả trăm thực khách, từ người Việt tới người Mỹ, du khách châu Á, châu Âu hào hứng ngồi vỉa hè thưởng thức bún đậu. Những bộ bàn ghế nhựa màu xanh giống y chang hàng quán vỉa hè ở Việt Nam. Trên bàn là những chiếc mẹt tre lót lá chuối bày biện món bún, đậu rán, chả cốm, dồi luộc, thịt lợn, rau thơm các loại... cùng bát mắm tôm sủi bọt.

Những vị khách dường như vô cùng hài lòng với món mắm đặc trưng của Việt Nam, dù nó được mệnh danh là món mắm "gây chia rẽ" - người mê cũng nhiều, người chê cũng chẳng ít. 

Đây là quán ăn của một cặp đôi vợ Việt - chồng Mỹ tại Manhattan, New York, Mỹ, có tên Mắm NYC. Chủ quán là chị Nhung Đào và anh Jerald Head.

Năm 2023, Mắm NYC được tờ The New York Times xếp vị trí thứ 26 trong top 100 nhà hàng ngon nhất thành phố New York.

Nhà báo, nhà phê bình Pete Wells của tờ này gọi MẮM NYC là "nhà hàng phục vụ món Việt hấp dẫn nhất New York". Ông đánh giá cao mắm tôm, thứ nước chấm đậm mùi quyện cùng vài lát ớt, chanh tươi và mô tả đậu rán có vỏ ngoài giòn rụm, bên trong giống phô mai.

"Thực khách ngồi trên vỉa hè, xung quanh có người đi dạo, xe cộ qua lại. Cảm giác như đang ăn trưa ở Hà Nội", ông Wells viết.

Năm 2024, quán đồ ăn Việt này tăng thứ hạng, đứng thứ 20 trong top 100 nhà hàng ngon nhất thành phố New York.

Hiện quán mở 5 ngày trong tuần: Thứ 2, 5, 6 mở buổi tối và thứ 7, Chủ nhật mở buổi trưa.

Lượng khách tăng nhanh nên từ năm 2024, quán mở thêm không gian ăn uống trong nhà, đón khoảng 30 khách/lượt và gia tăng số lượng bàn ghế vỉa hè. Những ngày thời tiết đẹp, đa phần thực khách lựa chọn ngồi vỉa hè để trải nghiệm "chất" ẩm thực Việt Nam. Bàn ghế được kê ngay lề đường phía trước quán, kê nhờ ở cửa nhà hàng xóm và xin phép ban quản lý để kê cả ở vỉa hè công viên đối diện. Lúc cao điểm, quán có thể phục vụ 100 khách/lượt.

Hiện nay, thực đơn của quán được thay đổi theo mùa. Mùa hè (từ tháng 4 tới tháng 10), món chủ đạo là bún đậu và đồ ăn vặt. Mùa đông, thực đơn chính là bún, phở và lẩu. "Vợ chồng tôi đang có dự định phục vụ bún đậu suốt trong năm bởi ngay cả mùa đông, thực khách vẫn tìm kiếm món ăn này. Cộng đồng người Việt từ khắp nơi trên đất Mỹ khi tới New York đều mong muốn thưởng thức bún đậu mắm tôm", chị Nhung - chủ quán, chia sẻ.

Mỗi suất bún đậu mắm tôm được bán với giá 32 USD (hơn 800.000 đồng).

Anh Jerald là một đầu bếp. Jerald kể, năm 20 tuổi, lần đầu anh thưởng thức món Việt, đó là một bát bún bò Huế. Món ăn thơm ngon, khác lạ, được kết hợp hài hòa giữa nhiều nguyên liệu khiến Jerald phấn khích, tò mò, tìm kiếm thông tin, đọc sách và tự học làm.

Giai đoạn 2014-2015, Jerald Head bắt đầu làm việc ở một nhà hàng món Việt ở New York. Năm 2016, anh dành 3 tháng du lịch, trải nghiệm văn hóa ẩm thực Việt từ Nam ra Bắc. Trong 3 năm tiếp theo, anh quay lại Việt Nam nhiều lần và quen chị Nhung.

Thời gian tìm hiểu nhau, địa điểm hẹn hò quen thuộc của cặp đôi là quán bún đậu mắm tôm ở TPHCM. Chàng trai Mỹ "nghiện" món mắm đặc trưng này, luôn thưởng thức ngon lành.

Năm 2020, sau khi kết hôn, chị Nhung theo chồng sang New York sống và làm việc. Thời điểm này, dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp. "Ở Mỹ, việc kiếm nơi bán bún đậu mắm tôm đã rất khó, mà trong dịch bệnh thì càng khó hơn. Vì quá thèm món ăn này nên vợ chồng tôi mày mò tự làm tại nhà", chị Nhung kể.

Khi họ chia sẻ hình ảnh món bún đậu trên mạng xã hội, rất nhiều bạn bè quan tâm và chia sẻ. Tháng 9/2020, cặp đôi bắt đầu mở bán bún đậu tại cửa tiệm của một người bạn vào tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật. Khi đại dịch hạ nhiệt vào tháng 5/2022, họ khai trương nhà hàng Mắm NYC. Việc xuất hiện trên The New York Times giúp nhà hàng nhanh chóng thu hút khách.

Đặc biệt, các món đậu, chả cốm, dồi lợn đều do hai vợ chồng tự chế biến.

Vợ chồng chủ quán làm đậu bằng chiếc máy nặng 60kg mang từ Việt Nam sang. Quá trình làm đậu kỳ công, từ xay hạt, nấu chín, ép thành miếng... cho ra những miếng đậu mềm, béo, không bị khô và cứng. Khi chiên, đậu có vỏ ngoài giòn rụm, nhân bên trong mềm mịn, nóng hổi. Vợ chồng chủ quán nói, bí quyết làm đậu là bí quyết gia truyền họ học được từ người họ hàng.

Với món dồi, họ cũng trực tiếp sơ chế, khử mùi hôi của lòng rồi nhồi tiết lợn, mỡ lợn, rau gia vị... theo công thức được bố của chị Nhung dạy. Chả cốm được làm từ cốm tươi mang ở Hà Nội qua.

Thời gian đầu, họ mua mắm tôm từ một siêu thị ở New York để pha chế nhưng chất lượng chỉ ổn chứ không đủ ngon so với hương vị họ hướng tới. Cặp đôi quyết định chọn mắm tôm từ Việt Nam.

"Được giới thiệu một đầu mối mắm tôm ở Thanh Hóa, chúng tôi ăn thử thấy rất ưng ý. Hai vợ chồng mừng như bắt được vàng", chị Nhung kể.

Kể từ đó, mắm tôm được chuyển từ Thanh Hóa vào TPHCM rồi gửi máy bay sang Mỹ. Mỗi bát mắm được pha với đường, nước cốt chanh và ớt Thái.

Suất bún có đầy đủ các loại rau sống như tía tô, húng, diếp cá... Các loại rau này có thể mua tại Mỹ nhưng giá rất cao.

Snapins.ai_434097923_1469351907321577_6046936501888663128_n_1080.jpg

"Nhiều người Việt cũng không ăn được mắm tôm nhưng với bất cứ vị khách nào tới quán, chúng tôi đều gợi ý họ trải nghiệm hương vị loại mắm này. Có những khách Tây sau khi nếm thử đã 'phải lòng' mắm tôm", chủ quán cho hay.

So với thời gian mới mở, hiện đội ngũ nhân viên của Mắm NYC đã đông hơn và vận hành trơn tru, cho phép họ phục vụ được lượng khách lớn, không còn cảnh hết hàng hay xếp hàng chờ quá lâu.

"Hành trình đưa món Việt tới Mỹ thực sự gian nan. Hiện nay, ngoài bún đậu mắm tôm, chúng tôi thử sức thêm với phở. Riêng khâu nấu nước dùng với các bước sơ chế xương, hầm xương, luộc thịt... đã đòi hỏi sự kỳ công và kinh nghiệm", chị Nhung chia sẻ.

"Mục tiêu của vợ chồng tôi là giữ trọn vẹn nhất hương vị món ăn truyền thống. Khi nhìn thấy những vị khách gật gù ưng ý, chúng tôi hạnh phúc và biết ơn. Đây chính là phần thưởng không thể đong đếm cho hành trình đưa ẩm thực Việt sang Mỹ", cặp đôi tâm sự.

Với cặp vợ chồng Việt - Mỹ, mỗi mẹt bún đậu, mỗi tô phở đều là tâm huyết, chứa đựng niềm tự hào khi được góp công sức nhỏ bé vào quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, tạo cơ hội để khách hàng hiểu rõ hơn về đất nước, con người, và sự tinh tế trong từng món ăn Việt.

Giới thiệu kỳ sau

Ở trung tâm thành phố Newcastle, tiểu bang New South Wales, Australia có một quán ăn gây chú ý khi đặt những chiếc bàn gấp rất thấp, ghế gỗ "gia cố" từ thùng nhựa đựng hàng ngay trên vỉa hè. Bức tường bên cạnh vẽ hình ảnh những ổ bánh mì, tô phở, đĩa cơm tấm, những chiếc xe bán đồ ăn vặt cùng công trình Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập.

Mời quý độc giả đón đọc kỳ tới: Hai chàng trai Việt bán bánh mì thịt quay ở Úc, khách xếp hàng chờ mua.

Bài viết: Linh Trang - Thiết kế: Đỗ An