Trong kì nghỉ hè, nhiều bạn nhỏ đã có chuyến du lịch đặc biệt cùng cha mẹ, ông bà như đạp xe xuyên 4 quốc gia, phượt xuyên Việt…
Hơn cả một chuyến đi, đây là dịp để kết nối gia đình, cho con tìm hiểu lịch sử, địa lý, trải nghiệm những hoạt động lí thú giúp con học hỏi được nhiều điều và trưởng thành hơn.
Mục Du lịch báo VietNamNet xin giới thiệu những chuyến du lịch hè ý nghĩa của các bạn nhỏ tại tuyến bài “Hè cùng con du lịch, hơn cả một chuyến đi”
Mùa hè 2022, cậu bé Nông Quang Anh (SN 2013) cùng bố đạp xe 2.400km từ Lạng Sơn tới Cà Mau. Tròn một năm sau, Quang Anh tiếp tục hoàn thành hành trình 2.800km chinh phục 4 Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn - Bangkok - Phnom Penh.
“Trong nhà, bố con có dán một tấm bản đồ Việt Nam. Trước đây, con thường tò mò hỏi bố về những địa danh trên đó. Một ngày, bố nói với con về chuyến đạp xe xuyên Việt trên cung đường dọc bờ biển. Con chưa hình dung được, quãng đường ấy sẽ xa thế nào, vất vả ra sao nhưng con rất mong chờ tham gia”, cậu bé Nông Quang Anh (10 tuổi, Lạng Sơn) chia sẻ.
Trò chuyện với Quang Anh qua điện thoại, tôi bất ngờ với sự tự tin, hoạt bát của một cậu bé 10 tuổi. Quang Anh nhớ rành mạch từng lần xịt lốp xe, ngã xe, những địa danh con đi qua, những người tốt con gặp gỡ… trên hành trình du lịch bằng xe đạp cùng bố. Chỉ thỉnh thoảng, khi bí cách diễn đạt, cậu bé mới “nhường quyền” chia sẻ cho bố.
Mùa hè năm 2022, Quang Anh cùng bố hoàn thành 2.400km xuyên Việt. Từ Lạng Sơn, hai bố con đạp xe dọc quốc lộ 1A, men theo những cung đường ven biển từ Thanh Hóa, Nghệ An tới Phú Yên, Khánh Hòa, và kết thúc hành trình tại Cà Mau. "Con sinh ra ở miền núi Lạng Sơn nên con rất yêu thích biển. Đó là lí bố con chọn cung đường này”, Quang Anh bật mí.
Mùa hè năm 2023, Quang Anh và bố lại tiếp tục đạp xe du lịch quãng đường 2.800km, xuyên bốn quốc gia Việt Nam - Lào - Campuchia - Thái Lan để tận mắt khám phá bốn Thủ đô Hà Nội - Viêng Chăn - Bangkok - Phnom Penh.
"Trên tấm bản đồ Việt Nam của nhà con có xuất hiện hai quốc gia lân cận là Lào và Campuchia. Thật tuyệt vời khi con đã được tới cả hai quốc gia này”, cậu bé hào hứng.
30 ngày “học lịch sử, địa lý” xuyên đất nước
Anh Nông Quang Duy (39 tuổi), bố của Quang Anh cho biết, anh tập đạp xe cho con từ khi 5 tuổi để rèn luyện sức khỏe. “Từ nhỏ, Quang Anh đã là cậu bé hay tỏ mò, thích khám phá. Khi đạp xe, con có cơ hội nhìn thấy nhiều thứ như cây cối, động vật, sông suối... trên cung đường đi qua. Điều ấy làm con bị thu hút, thích thú với hoạt động này”, anh Duy cho hay.
Năm 7 tuổi, Quang Anh và bố bắt đầu đạp xe trên những cung đường dài từ 25-100km như thành phố Lạng Sơn – Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, thành phố Lạng Sơn – Mũi Chùa (tỉnh Quảng Ninh), thành phố Lạng Sơn – đỉnh núi Mẫu Sơn…
“Khi tôi nảy ra ý tưởng về chuyến đi xuyên Việt, tôi có cùng con xem bản đồ, trao đổi về hành trình, những thách thức, khó khăn phải vượt qua, những điểm đẹp có thể chinh phục… Con hào hứng tham gia, hai bố con bắt đầu tập luyện đều đặn và lên kế hoạch chuẩn bị”, anh Duy nhớ lại.
Trước chuyến đi, bà và mẹ của Quang Anh phản đối gay gắt. Người thân trong gia đình không tin cậu bé 10 tuổi có thể hoàn thành hành trình 2.400km. Anh Duy dành thời gian trò chuyện, thuyết phục cả nhà. “Tôi phân tích rằng, quãng đường tuy dài nhưng thực chất, hai bố con chinh phục từng mục tiêu nhỏ. Chỉ cần chuẩn bị thật kĩ thì tôi và Quang Anh sẽ làm được”, anh Duy cho biết.
Ngày 1/6/2022, hai bố con Quang Anh lên đường xuyên Việt
Chuyến du lịch xuyên Việt của hai bố con kéo dài 27 ngày (từ 1/6/2022 - 27/6/2022). Trung bình mỗi ngày, họ đạp 100km. Buổi trưa và tối, hai bố con nghỉ ngơi ở các nhà nghỉ bình dân. Anh Duy chú trọng vào bữa ăn để hai bố con đảm bảo sức khỏe. Anh cũng chuẩn bị thêm các loại vitamin tổng hợp, viên nén rau củ để bổ sung chất xơ.
“Vạn sự khởi đầu nan”. Ngày đầu tiên của hành trình, khi từ Lạng Sơn tới Bắc Ninh, chiếc xe đạp của Quang Anh xịt lốp. Khi tới gần thành phố, qua một đoạn đường đang xây dựng, cậu bé không may ngã xe. May mắn là sự cố không nghiêm trọng, Quang Anh lập tức có thể tiếp tục hành trình.
“Con với bố đặt mục tiêu đạp tới Hà Nội. Khi sắp tới nơi trời đổ mưa lớn, sấm sét trắng xóa trên bầu trời khiến có lúc, buổi tối sáng như ban ngày. Có lúc tia sét còn đánh xuống rất gần con”, cậu bé kể lại.
“Đó là lần đầu con đạp xe trong mưa lớn”, Quang Anh kể thêm.
Trải qua ngày đầu tiên khá vất vả nhưng anh Duy bất ngờ khi con không hề than mệt, vẫn rất háo hức tiếp tục hành trình. “Tối đó hai bố con gọi về nhà thông báo tình hình với mẹ Quang Anh. Hai bố con dặn nhau giấu mẹ chuyện ngã xe, để bà và mẹ không lo lắng”, anh Duy cho biết.
Với mong muốn con hiểu thêm về lịch sử, địa lý đất nước, anh Duy đã lên kế hoạch tới những địa điểm lịch sử thuận tiện cung đường như Tràng An (Ninh Bình), đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu (Thanh Hóa),... Hay khi đi dọc Nghệ An, anh kể cho con nghe về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Có một sự trùng hợp rất thú vị. Ngày con đạp xe tới Nghệ An quê Bác là ngày 5/6. Đúng ngày 5/6/1911, Bác Hồ lên đường ra đi tìm đường cứu nước”, cậu bé kể với giọng điệu đầy tự hào.
“Tôi muốn con ghi nhớ thông tin, kiến thức bằng những trải nghiệm thực tế. Tôi nhớ, khi tới đền thờ An Dương Vương, vừa vào tới cửa đền, con reo lên thích thú: Đây là hình ảnh trong sách tiếng Việt lớp 1 của con bố ạ. Sau này, khi trở về từ chuyến đi, con rất hào hứng với những tiết học lịch sử, địa lý trên lớp”, anh Duy cho biết.
Từ nhỏ, bố mẹ đã đưa Quang Anh du lịch một vài thành phố biển nổi tiếng bằng máy bay hay ô tô. Nhưng lần này, khi đạp xe, cậu bé mới tận mắt chứng kiến “sự thay đổi kì diệu” của những bãi biển Việt Nam dọc từ Bắc vào Nam.
“Con đi qua những vùng biển đông đúc du khách nhưng cũng qua những vùng biển hoang sơ, vắng vẻ, đẹp như trong tranh”, Quang Anh kể.
Cậu bé phấn khích chiêm ngưỡng vùng biển đẹp như tranh sau khi vượt Đèo Cả
Cậu bé cho biết, đoạn đường vất vả nhất là khi vượt hàng loạt con đèo dốc từ Bình Định vào tới Khánh Hòa. Hai bố con gọi đây là “hành trình vượt chướng ngại vật”. Thậm chí, khi tới Quy Nhơn, Quang Anh thấy chân tay rã rời, cơ thể uể oải. Cậu bé nũng nịu muốn ngủ thêm và nghỉ dài hơn tại đây thay vì đi tiếp.
“Lúc đó bố có nói chuyện với con là nếu con tích cực, con sẽ làm được. Nếu đầu óc con uể oải, sợ hãi, muốn bỏ cuộc thì chân tay con cũng sẽ lập tức bỏ cuộc”, Quang Anh nhớ lại. Được bố động viên, cậu bé tiếp tục lên đường tới Khánh Hòa. Tại đây, để tạo động lựa cho con, anh Duy tặng con vé vui chơi tại công viên biển. Cậu bé thỏa sức khám phá những trò chơi hấp dẫn.
"Vùng biển con ngạc nhiên nhất là ở Cà Mau. Con từng nghĩ, ở đây cũng là những bãi biển xanh, cát trắng trải dài như Sầm Sơn, Nha Trang nhưng thực tế lại là những đầm lầy nước mặn”, Quang Anh kể lại.
Du khách nhí hạnh phúc khi cán đích Cà Mau
Một điều khó quên khác trong chuyến đi với cậu bé là những người bạn tốt bụng tình cờ gặp gỡ dọc đường. Nhiều người dù xa lạ nhưng khi biết Quang Anh đang đạp xe xuyên Việt cùng bố thì vô cùng thích thú, tới hỏi chuyện, chụp ảnh cùng và gửi những lời chúc tốt đẹp. Hay khi tới Đồng Nai, hai bố con tình cờ dừng chân ở một nhà tình thương - nơi chăm sóc những người khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo. Quang Anh lần đầu gặp gỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đáng thương như thế. Nhưng cậu bé cũng biết tới và đầy ngưỡng mộ những người tốt bụng, những y bác sĩ tình nguyện chăm sóc họ.
"Đây là chuyến du lịch rất đặc biệt với con. Con thấy yêu quê hương, con người Việt Nam nhiều hơn. Chuyến đi cũng giúp con dễ dàng tiếp cận hơn với những bài học trong chương trình trên lớp”, cậu bé hạnh phúc chia sẻ.
Sau khi kết thúc hành trình 2.400km đạp xe, hai bố con bay từ TP.HCM về Hà Nội trong sự chào đón của đại gia đình
Xuyên 4 quốc gia, thăm 4 thủ đô
Ngay trong chuyến đi xuyên Việt năm 2022, hai bố con Quang Anh đã nảy ra ý tưởng đạp xe đến Lào, Thái Lan và Campuchia. Chuyến đạp xe ra nước ngoài lần này được 2 bố con lên kế hoạch chi tiết trong gần một năm. Họ đặt mục tiêu mỗi ngày đạp được 100km. Hành trình 2.800 km dự kiến hoàn thành trong 30 ngày.
"Ngày 1/6/2023, sau tròn 1 năm khởi hành chuyến xuyên Việt, con lên đường chinh phục chuyến đạp xe tới 4 thủ đô”, Quang Anh chia sẻ.
Trước chuyến đi, ngoài một bộ đồ sửa xe, săm dự phòng, một số loại thuốc, 5 bộ quần áo và vật dụng cá nhân, anh Duy chuẩn bị thêm hộ chiếu, giấy khai sinh, biên bản đồng ý của mẹ Quang Anh (bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh).
Hai bố con Quang Anh tạm biệt gia đình, lên đường chinh phục 4 thủ đô
Hai bố con Quang Anh vạch ra kế hoạch là từ Lạng Sơn về Hà Nội rồi vào Hà Tĩnh. Từ đây, họ qua cửa khẩu Cầu Treo để đến Lào, sau đó di chuyển qua Thái Lan, Campuchia và trở về TP.HCM.
Lần đầu “xuất ngoại”, Quang Anh háo hức mong chờ. Từ trước chuyến đi, hai bố con đã “dắt túi” một số từ giao tiếp cơ bản bằng tiếng Lào như xin chào, cảm ơn, bạn tên gì, bạn đến từ đâu…
Quang Anh nghỉ chân gần khu vực Cửa khẩu Cầu Treo, sau khi chinh phục con dốc khó, rất dài
“Con và bố còn lười học quá nên chưa biết nhiều từ. Khi nào cần giao tiếp, con có thể dùng hành động, biểu cảm để diễn tả. Đôi khi thì cả tiếng Anh… hoặc một chút tâm linh may mắn”, cậu bé dí dỏm cho biết. “Con có gặp một chú và một bà người Lào nói tiếng Việt rất giỏi. Khi gặp họ con thấy vui vô cùng, được trò chuyện thoải mái và hỏi tất cả những gì con tò mò về nơi này”, Quang Anh kể thêm.
Tại Lào, Quang Anh đặc biệt thích thú khi tham quan Hang Rồng. Cậu bé lần đầu tiên được hóa thân thành nhà thám hiểm nhí, khám phá hang động rộng lớn với những khối nhũ đá đủ hình thù. Quang Anh còn được tận mắt xem đàn dơi lớn sinh sống trong hang.
Cậu bé trên đường vào Hang Rồng
Ngày thứ 11, hai bố con chính thực chạm tới Viêng Chăn. Quang Anh cùng bố tới tham quan Khải hoàn môn Patuxai, Phủ Thủ tướng, thư viện thành phố, đi bộ bên bờ sông Mekong…
Patuxai được người dân đất nước Triệu Voi ví như khải hoàn môn của thành phố. Công trình được xây dựng để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào
“Con tới thăm tháp dát vàng That Luang. Đây là lần đầu tiên con thấy công trình dát vàng đồ sộ như thế. Bố còn kể con nghe về lịch sử ra đời của nơi đây”, Quang Anh kể.
Bố con Quang Anh tại ngôi bảo tháp Pha That Luang - niềm tự hào của người dân nước này. Xung quanh tháp được phủ khoảng 1 tấn vàng và được in trên đồng tiền quốc gia Lào
“Viêng Chăn đẹp, cổ kính, người dân thân thiện. Nhưng khó khăn ở đây là tìm quán ăn. Họ rất ít quán xá hay hàng rong vỉa hè, khác hẳn Hà Nội”, cậu bé 10 tuổi so sánh như “ông cụ non”.
Sau hai ngày ở Viêng Chăn, hai bố con lên đường tiến về Bangkok. Họ mất gần 6 ngày đạp xe qua các tỉnh khác nhau để tới thủ đô của xứ chùa vàng. Tại đây, Quang Anh cùng bố tham quan thành phố, đi chợ nổi, chùa Wat Pho, Cung điện Hoàng gia, trải nghiệm xe tuktuk, phố đi bộ Khao San…
Những trải nghiệm thú vị của Quang Anh tại Thủ đô Bangkok
“Con choáng ngợp với Bangkok. Thủ đô này quá giàu có, hiện đại và phát triển. Hệ thống giao thông phức tạp, nhiều cầu giao chéo nhau, khác hẳn TP.HCM hay Hà Nội. Điều thú vị nữa là ở đây rất rất đông khách quốc tế. Đúng là một thành phố du lịch nổi tiếng”, Quang Anh tỏ ra hào hứng khi nhắc về Bangkok.
Ngày thứ 27 của chuyến hành trình, bố con Quang Anh cán đích là thủ đô Phnom Penh - đúng như mục tiêu. Cậu bé chia sẻ, đây chính là thủ đô khiến cậu bất ngờ nhất. Phnom Penh hiện đại, giàu có vượt xa tưởng tượng của Quang Anh trước đó, với nhiều tòa nhà chọc trời như Vattanac Capital Tower hay Canadia Tower…, các khách sạn, nhà hàng mọc san sát.
Cậu bé check-in bên bờ Tonle Sap - hồ nước ngọt rộng lớn nhất Đông Nam Á, thường được biết tới với tên gọi “Biển Hồ”
“Con đã có hai kì nghỉ hè thật kì diệu. Rất nhiều cô chú theo dõi hành trình của bố và con, liên tục hỏi thăm con có khỏe không. Thật ra con chẳng mệt mỏi chút nào. Con còn đang nghĩ về kế hoạch cho chuyến du lịch xe đạp năm tới”, cậu bé 10 tuổi khẳng định.
Quang Anh tham quan nhiều công trình nổi tiếng tại Thủ đô Phnom Penh
Anh Quang Duy chia sẻ, anh rất hạnh phúc khi được đồng hành bên con và cùng con vượt qua nhiều thử thách. “Trước đây tôi cũng chưa bao giờ đi xuyên Việt, chưa bao giờ tới Lào, Campuchia, Thái Lan. Có con đồng hành nên tôi mới có thêm động lực. Trên hành trình, chúng tôi là đồng đội”, anh bộc bạch.
Nụ cười hạnh phúc xuyên suốt hành trình của 2 bố con
Anh Duy làm kinh doanh nên có thể chủ động sắp xếp thời gian, cùng con trải nghiệm mùa hè ý nghĩa. “Đầu tư cho con chính là vụ đầu tư lớn nhất cuộc đời người làm cha mẹ”, ông bố Lạng Sơn khẳng định. “Tuy nhiên, tôi không khuyến khích các phụ huynh khách thực hiện chuyến đi như bố con tôi. Mỗi đưa trẻ có sở thích, tình trạng thể chất khác nhau. Bố mẹ cần quan sát, đồng hành để hiểu con, gắn kết với con. Mỗi chuyến đi là vô vàn những kỉ niệm và giá trị tuyệt vời với cả tôi và con”, anh nói thêm.