Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) là những hiệp định tham vọng nhất về mặt tiếp cận thị trường, các quy tắc và giá trị mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Kể từ tháng 8/2020, EU lần đầu tiên có được sự tiếp cận ưu đãi với một nền kinh tế sôi động với gần 100 triệu dân, có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ASEAN và một lực lượng lao động trẻ và năng động. Có tới 48,5% số dòng thuế hoặc gần 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam được hưởng mức thuế 0% kể từ khi hiệp định thương mại có hiệu lực.
Trên thực tế, EVFTA đã đặt các nhà xuất khẩu và nhà đầu tư của EU ít nhất ngang hàng với các nước và khu vực khác đã ký kết FTA với Việt Nam như ASEAN, Australia, New Zealand, Chi Lê, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và 11 nước thành viên của hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Đối với các thương nhân Việt Nam, lợi ích sau 1 năm thực hiện FTA còn cao hơn. Về mặt thị trường, EVFTA cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam tiếp cận hơn 450 triệu người tiêu dùng châu Âu có mức thu nhập hàng đầu thế giới.
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 85,6% tổng số dòng thuế đã được xóa bỏ hoàn toàn đối với hàng hóa của Việt Nam. Con số này chiếm 70,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Việc từng bước xóa bỏ thuế nhập khẩu theo như vậy giải thích cho mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái dành cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, hiệp định hiện mang lại cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam tốt nhất mà Việt Nam từng dành cho cho một đối tác thương mại. Việc Việt Nam đưa ra mức độ tự do hóa lĩnh vực dịch vụ trên thực tế đã vượt trên cả các cam kết trong WTO.
Các ngành dịch vụ quan trọng được mở cửa theo EVFTA bao gồm các dịch vụ trong lĩnh vực điều hành kinh doanh, dịch vụ máy tính, bưu chính, dịch vụ xã hội, giáo dục đại học, dịch vụ môi trường, phân phối, dịch vụ tài chính, vận tải biển, vận tải hàng không và viễn thông.
Ví dụ, các nhà đầu tư EU được phép chuyển thông tin tài chính và xử lý dữ liệu tài chính xuyên biên giới cũng như cung cấp các dịch vụ trung gian tư vấn và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác.
Về bảo hiểm, hiện nay có thể nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, ngoài ra các nhà đầu tư EU có thể thành lập cơ sở tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ bảo hiểm y tế và mở chi nhánh cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm.
Một ví dụ khác đối với các cam kết sâu về dịch vụ là trong lĩnh vực vận tải biển. Việt Nam đã tự do hóa vận tải hành khách và hàng hóa qua biên giới, đồng thời tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư EU trong việc thành lập công ty tại Việt Nam nhằm mục đích cung cấp dịch vụ.
Trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, các nhà đầu tư EU có thể thành lập các công ty 100% vốn của họ để cung cấp dịch vụ Internet và các dịch vụ giá trị gia tăng như email, thông tin trực tuyến và xử lý dữ liệu.
Việc mở cửa tiếp cận thị trường như vậy đi cùng các quy định quản lý quan trọng giúp đảm bảo tăng cường vai trò của cơ quan quản lý độc lập, đồng thời các nhà đầu tư EU sẽ hoạt động bình đẳng và nhận được sự đối xử công bằng, không kém thuận lợi hơn so với các nhà cung cấp trong nước.
EVFTA và IPA không chỉ tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển mà còn thúc đẩy phát triển bền vững cho cả hai bên. Các hiệp định bao gồm các cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ các quyền cốt lõi của mọi người tại nơi làm việc và môi trường sống. Chúng ta đã chứng kiến những thay đổi tích cực trong lĩnh vực này khi Việt Nam ban hành bộ luật Lao động mới vào tháng 1/2021.
Việt Nam cũng đã tham gia một số công ước quốc tế cốt lõi về lao động như công ước ILO 1957 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức và công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Tất cả những thay đổi này trong tiêu chuẩn lao động không chỉ tạo ra nhiều việc làm hơn, mà quan trọng hơn là giúp tạo ra môi trường làm việc tốt hơn và cải thiện thu nhập cho người Việt Nam.
FTA và IPA đã được đàm phán cùng với nhau như một gói cam kết về đầu tư và thương mại. Chúng bổ sung và liên kết với nhau. FTA bao gồm các cam kết mở cửa thị trường và tự do hóa đầy tham vọng đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Điều này sẽ mang lại lợi thế quan trọng cho các nhà đầu tư EU trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam và ngược lại, cũng như giúp tạo ra sân chơi bình đẳng cho hoạt động của họ khi đã được thiết lập, trong các điều kiện công bằng, có thể đoán định và không phân biệt đối xử.
IPA sẽ bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư EU tại Việt Nam và của các nhà đầu tư Việt Nam tại EU. Các hiệp định này cùng nhau tạo ra một môi trường đầu tư thân thiện giữa EU và Việt Nam, có lợi cho sự tăng trưởng hơn nữa.
IPA đặt ra các tiêu chuẩn về bảo hộ đầu tư, là những sự đảm bảo cơ bản buộc các chính phủ phải tôn trọng một số nguyên tắc đối xử cơ bản mà nhà đầu tư nước ngoài có thể dựa vào khi quyết định đầu tư.
Những đảm bảo này bao gồm: Không phân biệt đối xử; Không có quyền chiếm hữu mà không được bồi thường nhanh chóng và thỏa đáng; Khả năng chuyển và hồi hương các khoản tiền liên quan đến một khoản đầu tư; Một đảm bảo chung về sự đối xử công bằng và bình đẳng và an ninh vật chất;
Cam kết rằng các chính phủ sẽ tôn trọng các nghĩa vụ hợp đồng bằng văn bản và ràng buộc pháp lý của họ đối với nhà đầu tư; Cam kết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp nhất định liên quan đến chiến tranh hoặc xung đột vũ trang.
Cấu trúc mới của các hiệp định quốc tế của EU, cụ thể là việc tách thành FTA và IPA, cho phép việc nhanh chóng đi vào hiệu lực các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư theo FTA trong khi IPA sẽ có hiệu lực ngay sau khi được tất cả 27 quốc gia thành viên phê chuẩn.
Trong khi đó, sự bảo hộ đối với các nhà đầu tư EU theo các hiệp định đầu tư song phương của 21 quốc gia thành viên vẫn sẽ được được đảm bảo duy trì. Đến tháng 1 này, IPA đã được Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Croatia, Latvia, Lít-va, Hungary, Romania và Thụy Điển phê chuẩn.
Điều quan trọng là IPA được xây dựng dựa trên các giá trị cốt lõi của EU, đó là: Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, sự phát triển bền vững và tính minh bạch đã được thống nhất trong FTA EU-Việt Nam; Chỉ bảo vệ cho các khoản đầu tư được thực hiện theo luật trong nước, bao gồm các nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ môi trường và lao động cũng như sự tôn trọng quyền con người;
Thúc đẩy hành vi kinh doanh có trách nhiệm thông qua các công cụ như Hướng dẫn của Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển dành cho các doanh nghiệp đa quốc gia, hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc và tuyên bố Ba bên của Tổ chức Lao động quốc tế về các quyền chủ quyền nhằm điều chỉnh và bảo vệ các lợi ích của công dân.
IPA đưa ra một mức độ bảo hộ đầu tư cao trong khi bảo vệ quyền điều chỉnh và theo đuổi các mục tiêu chính sách công hợp pháp của EU và Việt Nam.
Theo thỏa thuận, quốc gia chủ nhà có thể áp đặt thông qua các nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư, dựa trên mức độ bảo vệ lợi ích công cộng mà quốc gia đó cho là phù hợp. Về phần mình, các nhà đầu tư phải tuân thủ tất cả các luật trong nước của quốc gia nơi họ đầu tư để được hưởng lợi từ sự bảo hộ đầu tư.
Một yếu tố quan trọng mới của hiệp định, đó là có một khuôn khổ bảo hộ đầu tư hiện đại và đã được cải cách, bao gồm Hệ thống tòa án đầu tư (ICS) để giải quyết các tranh chấp đầu tư, loại bỏ các phần còn gây tranh cãi của cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) kiểu cũ.
Trái ngược với các hiệp ước đầu tư đang có hiệu lực giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EU, tất cả các thủ tục theo EVIPA sẽ hoàn toàn minh bạch, các phiên điều trần sẽ được công khai với công chúng và các bên thứ ba quan tâm, chẳng hạn như các tổ chức xã hội dân sự phi chính phủ sẽ được phép đệ trình ý kiến. Điều này đảm bảo rằng tất cả các khía cạnh về quyền con người và phát triển bền vững sẽ được Tòa án Đầu tư xét xử một cách hiệu quả.
Điều quan trọng, đó là IPA xác định chính xác thời điểm các chính phủ vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng và bình đẳng và loại bỏ phạm vi của sự diễn giải tùy ý. Hiệp định đầu tư cũng đủ chặt chẽ để ngăn chặn “đầu tư giả mạo”. Hiệp định không bảo vệ cái gọi là các công ty "vỏ bọc" hay công ty "ma". Để đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư, các công ty phải điều hành các hoạt động kinh doanh thực sự tại EU hoặc tại Việt Nam.
Việc hiểu một cách chính xác và duy nhất cũng như thực thi EVFTA và IPA vẫn còn là một thách thức. Mặc dù các văn bản của các hiệp định khá rõ ràng, nhưng đã có những sự khác biệt trong việc giải thích các cam kết. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện sự phối hợp nội bộ, và có thể là phải đối phó với các lực lượng đang chống lại nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Ở cấp độ chính trị cao nhất, tinh thần hợp tác mạnh mẽ này với EU trong việc thực thi các hiệp định là rất rõ ràng. Tuy nhiên, ở cấp độ triển khai, dường như không phải tất cả các cơ quan nhà nước đều có cùng mức độ hiểu biết và cam kết.
Cơ hội của IPA là rất to lớn. Tổng vốn đầu tư hiện tại của EU vào Việt Nam ước đạt 22,2 tỷ USD, còn kém xa so với tiềm năng. IPA được cho là sẽ mở ra một kỷ nguyên đầu tư mới cho Việt Nam, nơi các nhà đầu tư EU và ngoài EU sẽ đến Việt Nam để gặt hái những lợi ích của EVFTA và IPA.
Tầm nhìn về Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất khu vực cho toàn ASEAN không nằm ngoài tầm với, nhưng việc khai thác các cơ hội đó phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn thực sự của các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm thực thi các hiệp định, cũng như sự chủ động của các doanh nghiệp trong nước trong việc tìm kiếm và làm việc nghiêm túc với các đối tác đầu tư châu Âu.
Lan Anh ghi
Thiết kế: Nguyễn Hồng Anh
Vượt lên gian khổ 2021 và cơ hội cho 2022
Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn đà tăng trưởng của Việt Nam và cũng làm phát lộ nhiều điểm nghẽn trong nền kinh tế. Việt Nam nên làm gì tới đây để hồi phục và phát triển?