Sinh năm 1981, đến nay Manabu đã sống ở Việt Nam 7 năm. “Lo lắng như sắp chết” là cảm xúc của anh khi quyết định sang Việt Nam sau 35 năm chỉ sống và làm việc ở Nhật Bản.
Thời điểm nộp đơn xin nghỉ việc, Manabu đang là trưởng phòng cảnh sát hình sự tỉnh Saitama. Có thể nói, anh có những thứ mà nhiều người Nhật mơ ước - một công việc ổn định, tiền đồ rạng rỡ, mức thu nhập tốt, nghề nghiệp danh giá.
Khi anh thông báo với bố mẹ, bố anh bảo "hãy nghĩ lại đi", còn mẹ khóc. Các đồng nghiệp và cấp trên can ngăn, thậm chí, có người nói anh là “kẻ phản bội”.
Bất chấp lời ra tiếng vào, anh gom tất cả số tiền tiết kiệm của 10 năm làm cảnh sát, xách vali sang Việt Nam.
Công việc đầu tiên của anh do một người bạn giới thiệu - làm phiên dịch và tiếp khách Nhật ở một công ty công nghệ thông tin. Do không hỏi trước mức lương, anh sốc khi cầm tháng lương đầu tiên 20 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhà đã mất 14 triệu.
Thời gian mới sang, anh hay chơi với những người bạn Nhật ở Việt Nam. Cuối tuần, họ rủ anh đi ăn, hát karaoke, đánh golf… Thú vui nào cũng rất tốn kém. Anh liên tục phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm.
Sau đó, anh xác định mục tiêu của mình khi sang Việt Nam khác với những người bạn kia. Họ chỉ sang một thời gian ngắn. Họ nhận được 2 khoản lương, lương ở Nhật Bản và lương ở Việt Nam. Làm việc ở Việt Nam lại có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn ở Nhật nên họ sinh tâm lý tận hưởng cuộc sống thoải mái trước khi về nước.
Mục tiêu của Manabu không như thế. Anh muốn sống lâu dài ở đây. Với mức lương không đủ sống, anh sẽ rất khó xin visa và phải trở về Nhật. Nghĩ vậy, anh dần từ chối những lời mời của bạn bè. Quan trọng hơn, cách sống gấp gáp đó không phải là con người anh. Anh sang Việt Nam không phải để ăn chơi vui thú như vậy.
Mặc dù đã nỗ lực trong công việc để có thu nhập cao hơn, nhưng sau khoảng 2 năm, anh cũng xin nghỉ để ra mở công ty riêng về công nghệ thông tin cùng 2 người bạn. Một năm sau, anh xin rút lui và cùng một người bạn khác mở trung tâm dạy tiếng Nhật. Hoạt động được nửa năm, trung tâm phải đóng cửa vì hiệu quả kém.
Trong suốt thời gian này, tài chính là một vấn đề với anh. Từ một trưởng phòng cảnh sát lương 100 triệu đồng/tháng, có ô tô riêng ở Nhật Bản, anh phải sống khá chật vật ở Việt Nam.
Tuy vậy, anh chưa từng có ý định về nước. Ngược lại, Manabu càng quyết tâm để có thể ở lại Việt Nam. Anh đi học các chứng chỉ công nghệ thông tin, kế toán để bổ sung kiến thức. Anh cũng học thạc sĩ ngành Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, sau đó tốt nghiệp thành công.
Tháng 3/2019, anh được mời về làm việc ở một công ty chuyên về xuất khẩu lao động. Hiện tại, anh là Phó giám đốc công ty kiêm Hiệu trưởng Trung tâm đào tạo tiếng Nhật của công ty này.
“Công việc hiện tại khá ổn. Thu nhập tốt, môi trường làm việc tốt. Mọi người rất thân thiện và cởi mở”, Manabu chia sẻ.
“Tại sao chọn Việt Nam? Đó là câu mà tôi đã được hỏi 1 triệu lần”, người đàn ông 42 tuổi dí dỏm nói.
Để trả lời câu hỏi này, Manabu lật ngược lại thời điểm cách đây hơn 20 năm.
“Thời phổ thông, tôi là học sinh cá biệt. Lên cấp 3, tôi trốn học nhiều lần cho đến khi cô giáo thông báo với bố mẹ. Nhưng dù có bị buộc phải đến trường, tôi cũng chẳng học hành gì.
Đến khi chuẩn bị tốt nghiệp, tôi phải đối mặt với 2 lựa chọn: học đại học hoặc đi làm. Tôi không muốn đi làm nên đã lao vào học cấp tốc. Tôi đỗ vào ngành Kinh tế của một trường đại học. Như thế cũng là may mắn lắm rồi. Lúc ấy, tôi nghĩ chỉ cần đỗ đại học để khỏi phải đi làm, không cần biết đó là trường gì”.
Bốn năm đại học cũng trôi qua như 3 năm phổ thông, Manabu không thấy việc học có gì thú vị. Đến khi ra trường, anh vẫn không muốn đi làm và cứ thế ở nhà đến 3 năm.
Khi nhìn xung quanh thấy ai cũng có công việc hết, anh nghĩ mình không thể như thế này mãi được.
25 tuổi, không có kỹ năng, kiến thức hay kinh nghiệm, anh xin vào làm công việc bán hàng cho một cửa hàng kính mắt. Công việc ở đây rất nhàm chán. Nhưng Manabu ép mình phải cố gắng, vì nghĩ “chỉ việc đứng thôi mà không chịu được thì không ra dáng đàn ông gì cả”.
Mức lương của anh lúc đó là 180.000 - 190.000 yên (hơn 30 triệu đồng). “Khi bản thân cố gắng đến chết để làm việc mà chỉ nhận được ngần đó thì thực sự rất tuyệt vọng”. Chỉ nghĩ vậy thôi là anh không muốn bán bất cứ cái kính nào nữa.
Anh quyết định cuộc đời mình không thể kết thúc ở tiệm kính mắt này được.
Đứng trước câu hỏi “Bây giờ sẽ làm gì?”, anh chọn làm cảnh sát vì bố anh vốn là một cảnh sát. Làm cảnh sát cũng sẽ giúp đỡ được nhiều người. Anh chỉ nghĩ được như vậy.
“Nhưng 'địa ngục' bắt đầu từ đây”, anh nói.
Mọi người vẫn nói người Nhật rất nguyên tắc và khắt khe. Nhưng sự khắt khe của trường đào tạo cảnh sát là một khái niệm hoàn toàn khác.
“Bạn chỉ cần đến muộn 0,1 giây thôi là sẽ phải chịu phạt 200 cái chống đẩy, 200 lần đứng lên ngồi xuống. Không những thế, cả lớp còn phải chịu phạt theo”.
Đó cũng là thế giới mà bạn không được phép sai dù chỉ một chữ. Nếu bạn làm bài thi sai, người ta sẽ vò giấy, vứt ra ngoài cửa sổ và bạn phải ra nhặt lại, Manabu kể.
Rất may, thời gian đào tạo ở trường cảnh sát chỉ có nửa năm. “Tôi đã cảm động phát khóc suốt 1 tháng sau khi tốt nghiệp. Có lẽ tôi đã khóc đến hàng nghìn lít nước mắt”, Manabu nói như không thể nghiêm túc hơn.
“Tưởng rằng 'địa ngục' đã kết thúc ở đó ư? Không, 'địa ngục' thực sự là ở phía sau”.
Tại đồn cảnh sát mà anh được phân công làm việc, “địa ngục quấy rối quyền lực” bắt đầu. “Cấp trên thường xuyên mắng bằng những từ ngữ nặng nề: ‘vô dụng’, ‘nghỉ đi’, ‘cút đi’”.
Suốt một ca làm việc kéo dài 24-30 tiếng, anh phải ăn ngủ cùng sếp, không được nghỉ ngơi một chút nào. Nhiều lần, anh bị sếp đánh.
Mùa đông ở Nhật rất lạnh và nhiều tuyết. Nếu bạn phải làm việc ngoài trời 3-5 tiếng, khi về đến văn phòng, chỉ cần kêu ca “lạnh quá” thì chẳng nhận được lời an ủi nào, mà sẽ là: “Đâu cần một cảnh sát sợ lạnh”, “Một cảnh sát thực sự sẽ không cảm thấy lạnh, nghỉ đi”, “Cởi đồng phục ra đi”.
“Đó là môi trường làm việc của tôi”, Manabu nói.
Tuy nhiên, lúc ấy, anh chỉ nghĩ rằng không thể nghỉ việc được. Nếu nghỉ thì mọi công sức bỏ ra là vô ích và mọi thứ sẽ chấm dứt ở đây. Anh tiếp tục cố gắng.
Thời gian sau đó, anh được chuyển sang công việc phiên dịch và điều tra các vụ án liên quan đến người Việt Nam tại Nhật. Có lẽ nhờ nỗ lực làm việc chăm chỉ, anh là cảnh sát duy nhất ở Saitama được chọn đi học tiếng Việt.
Với nhiệm vụ mới, anh thường xuyên làm việc với những người Việt phạm tội ăn cắp hoặc nhập cư bất hợp pháp.
“Tôi không có thành kiến với người Việt khi làm việc trong môi trường đó nhưng tôi chưa thực sự hiểu họ cho đến khi tới Việt Nam”, anh chia sẻ.
Năm 2011, Manabu lần đầu tiên tới Việt Nam để du lịch và thử vốn tiếng Việt của mình. TP.HCM - nơi đầu tiên anh đặt chân - đã mê hoặc anh.
“Giống như yêu từ cái nhìn đầu tiên vậy. Người Sài Gòn rất thú vị”.
Càng tiếp xúc, anh càng thấy bất ngờ và yêu tính cách người Việt. “Họ luôn vui vẻ, tự do, khác hoàn toàn với người Nhật. Việt Nam đúng là một đất nước có nhiều nụ cười”.
Năm 2014, anh được cử đến Trường ĐH Bách khoa Hà Nội học tiếng Việt 2 tháng. Hai tháng ngắn ngủi này đúng là quãng thời gian tuyệt vời với anh. Ngoài việc học, anh được trải nghiệm cách sống Việt Nam, được đi nhiều nơi, ăn nhiều món ngon, tiếp xúc với nhiều người Việt. Anh bắt đầu cảm thấy thích thú với cuộc sống ở đây. Ý tưởng muốn sống ở Việt Nam bắt đầu nhen nhóm từ đó.
Tuy nhiên, anh không xin nghỉ việc ngay lập tức. “Như thế là thiếu trách nhiệm”, anh nghĩ.
Trong 2 năm sau đó, anh liên tục quay lại Việt Nam mỗi khi có cơ hội. Đến năm 2016, đơn xin nghỉ việc của anh được đặt lên bàn làm việc của sếp.
Có lần, trong giờ làm việc, Manabu ra máy bán hàng tự động để mua cà phê. Người dân nhìn thấy đã phản ánh là “cảnh sát trốn việc đi mua cà phê”, “không làm việc à?”. Trong khi thực tế, anh chưa hề được nghỉ ngơi cả ngày hôm đó. “Mãi tận chiều tối tôi mới được ăn cơm trưa. Nhưng họ không cần biết điều đó”.
“Người Nhật rất hà khắc, vì thế người ta luôn phải để ý đến những ánh mắt xung quanh. Giả sử con bạn gây ồn ào ở nơi công cộng hay khóc trên tàu điện ngầm, rất có thể bạn sẽ bị những người xung quanh phán xét là chưa dạy dỗ con tốt, làm phiền tới mọi người”.
“Nhưng chẳng phải việc của trẻ con là gây ồn ào và chơi hết mình hay sao?”.
Trong khi đó, nếu một đứa trẻ ở Việt Nam khóc , nó sẽ nhận được ánh mắt và thái độ nhân từ.
Mười năm làm cảnh sát ở Nhật Bản, Manabu phải tuân thủ rất nhiều quy tắc, lề lối và luật ngầm nơi công sở.
“Cho dù bạn xong việc rồi mà cấp trên và đồng nghiệp chưa về thì bạn cũng phải ngồi đó. Bạn phải ở lại đợi mọi người, chứ không được về trước cấp trên hay đồng nghiệp. Còn ở Việt Nam, 17h hết giờ thì 17h01 mọi người sẽ đứng lên. Tất nhiên, nếu còn dở công việc, mọi người vẫn ở lại làm nốt. Nhưng nếu đã xong việc là nghỉ luôn”.
Ở Nhật, làm thêm giờ được cho là chuyện bình thường. Bản thân anh, khi làm cảnh sát, bất cứ khi nào sếp gọi, anh đều phải có mặt, bất kể là cuối tuần hay thời gian nghỉ ngơi.
“Chính vì thế, khi bạn lên tàu điện ngầm ở Nhật Bản, bạn sẽ bắt gặp những gương mặt rất mệt mỏi, thiếu năng lượng. Bởi vì họ đã bị rút cạn sức sống cho công việc. Tỷ lệ tự tử của người Nhật là một minh chứng.
Còn ở Việt Nam thì sao? Mọi người rất tự do, thoải mái. Họ đưa ra quyết định nghỉ việc rất dễ dàng. Họ chưa kịp chết vì mệt mỏi thì đã nghỉ việc rồi”, Manabu hài hước nói.
Anh cho rằng đó là cách người Việt tôn trọng bản thân và đặt hạnh phúc của mình lên trên hết.
Cựu cảnh sát 42 tuổi cho rằng, cố gắng làm việc chăm chỉ là điều tốt. Nó giúp con người trưởng thành - anh không phủ nhận điều đó. Nhưng làm việc quá sức thì không nên. Đó cũng là lý do chính anh chọn sống ở Việt Nam - nơi anh được sống chậm, được có thời gian cho những nhu cầu cá nhân, được cảm nhận hạnh phúc là như thế nào.
“Khi ở Nhật, tôi về đến nhà là lăn ra ngủ, không còn quan tâm đến cái gì hết”.
Theo anh, người Nhật còn tự trói buộc tự do cá nhân của mình bằng “áp lực tán đồng”. “Họ ép mình phải cư xử hoà nhã, né tránh những cuộc tranh cãi. Bạn phải hoà đồng với tập thể. Vì thế, người Nhật rất khó thể hiện chính kiến. Tôi thấy tiếc về điều đó”.
Điều khiến anh bất ngờ nhất về người Việt, đó là năng lượng sống và sức trẻ. “Lúc nào tôi cũng thấy mọi người cười cho dù họ đang ở hoàn cảnh khó khăn hay phải làm một công việc vất vả. Khoảng cách giữa người với người cũng rất gần, kể cả ở công sở. Mọi người quan tâm và chia sẻ với nhau rất cởi mở”.
“Khi biết đến một đất nước như thế mà không sống ở đó thì sau này chết đi sẽ hối hận”, Manabu nói.
Hiện tại, Manabu đang có cuộc sống rất giản dị và bình yên ở Hà Nội. Anh sống trong căn hộ chung cư đi thuê, chạy xe máy đi làm và đi chơi.
Một ngày của anh bắt đầu từ 5h30 sáng. Sau đó, anh đọc sách, tập thể dục và dành thời gian thiền trước khi đi làm. Buổi tối, anh đi dạo, tập thể dục, đọc sách và kết thúc một ngày lúc 22h. “Ngày nào cũng như vậy. Ngày trong tuần, tôi chỉ đi làm rồi về nhà, không đi đâu. Tôi là người hướng nội, cũng rất ít đi chơi. Cuối tuần, nếu bạn bè rủ, tôi sẽ ra ngoài. Nếu không, tôi thường ở nhà, làm YouTube, vào nội thành đi mát-xa”.
Manabu hoàn toàn hài lòng với cuộc sống bình yên như thế. Đó là cách anh tận hưởng hạnh phúc mỗi ngày.
Sau 7 năm sống ở Việt Nam, anh cho rằng mình đã trưởng thành lên rất nhiều. Manabu của bây giờ rất khác Manabu khi mới sang Việt Nam.
“Ngày xưa, tôi đặt mục tiêu kiếm tiền lên trên hết. Bây giờ thì không. Tôi biết tiền rất quan trọng. Không có tiền sẽ không thể sống thoải mái. Nhưng bây giờ, tôi không đặt nó là số 1 nữa.
Khi mới sang, tôi hay ghen tị với những người bạn Nhật Bản có thu nhập cao hơn mình. Nhưng bây giờ tôi chỉ hướng vào mình. Mình tiến bộ và trưởng thành so với chính mình là đủ. Tôi không quan tâm tới những thứ bên ngoài mình nữa”.
Người đàn ông độc thân này nói rằng, dù thu nhập đã cao hơn hoặc nếu có thể cao hơn nữa, anh vẫn sống như thế này, không cần mua ô tô. Anh hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Cứ cuối tuần, anh sẽ làm video cho kênh YouTube HOCTV. HOCTV có nghĩa là Học tiếng Việt. Tên Việt Nam của anh cũng là Học - được dịch từ "Manabu".
Mục tiêu ban đầu của anh khi lập kênh là muốn dạy tiếng Nhật cho người Việt. Sau đó, anh có đăng thêm nhiều video bày tỏ góc nhìn, cảm xúc với Việt Nam.
Anh nói, mục tiêu lập kênh YouTube không phải là để nổi tiếng hay kiếm tiền. “Tôi từng kiếm được một chút tiền, ít thôi không nhiều. Nhưng mục đích của tôi là mong muốn làm cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tôi mong được trả ơn người Việt đã cho tôi cuộc sống hạnh phúc như bây giờ”.