Chuyến bay đầu tiên trong lịch sử loài người do hai anh em nhà Wright thực hiện năm 1903 chỉ kéo dài vỏn vẹn 12 giây. Khi đó, người ta chưa nghĩ tới việc thiết kế nhà WC trên máy bay.
Thậm chí, trong Thế chiến thứ 2, phi công lái máy bay chiến đấu phải “giải quyết” ở những nơi rất bất tiện như thùng chứa chất thải,chai nhựa, túi nilon rồi “ném “ ra ngoài cửa sổ.
Mãi tới sau này, nhà WC hút chân không do James Kemper sáng tạo nên và được cấp bằng sáng chế. Đến năm 1982 WC hiện đại xuất hiện trên các chuyến bay thương mại của hãng máy bay Boeing.
Nhà WC hút chân không trên máy bay có lực hút rất mạnh, cuốn trôi mọi chất thải và làm sạch nhờ thứ dung dịch màu xanh. Đặc biệt, toilet trên máy bay còn được tráng một lớp phủ không dính Teflon giúp trôi tuột mọi chất thải “cứng đầu” nhất.
Sau đó, chất thải sẽ trôi xuống một khoang rộng gần hầm máy bay. Lượng chất thải này được giữ tại đây trong suốt hành trình bay. Làm thế nào đảm bảo các phi công không vô tình thả chất thải ra ngoài không trung? Trên thực tế, khoang chứa được thiết kế chốt và chỉ có thể mở được từ bên ngoài.
Tới khi hạ cánh, xe tải chuyên dụng thuộc bộ phận dưới mặt đất sẽ tới thu dọn. Chất thải được hút sạch vào thùng chứa sau xe. Sau đó, người ta nối ống vào thùng chứa, bơm dung dịch làm sạch và khử trùng toàn bộ phía trong. Lượng chất thải sẽ được chở ra khu vực xử lý riêng. Điều này đồng nghĩa với việc quy trình xử lý chất thải kết thúc.
Thiết kế của máy bay thương mại ngày nay khiến chất thải trong WC khó lòng lọt ra ngoài. Tuy vậy, trong lịch sử hàng không từng chứng kiến sự cố hi hữu xảy ra. Một người đàn ông ở California từng thắng kiện một hãng hàng không khi người này cho biết, một “vật thể lạ” rơi từ máy bay trúng vào chiếc thuyền buồm của mình.
Theo MR, TG/Dân Trí