Dù còn chưa hết tháng 12 Dương lịch, một siêu thị tại Hà Nội đã trang trí chào đón Tết Nguyên đán Quý Mão nhằm thu hút khách.
Gần một tuần nay, nhân viên siêu thị tất bật trang trí, bày biện các gian hàng Tết. Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn thành phố cho khoảng 10,75 triệu người đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022).
Các kệ bày đồ uống, bánh kẹo được chăm chút kỹ nhất với những mặt hàng có bao bì mẫu mã mới. Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nhiều người lo thực phẩm mất an toàn, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... được tung ra thị trường, có thể gây ảnh hưởng sức khỏe.
Ghi nhận của phóng viên trong chiều 13/12, dù không phải là cuối tuần, nhiều khách hàng đã chọn hàng Tết khi đi mua sắm khiến các gian hàng và quầy thanh toán tại một siêu thị ở quận Cầu Giấy rất đông đúc.
Trinh (25 tuổi) cùng mẹ sắm Tết hết hơn 5 triệu đồng tiền hàng. Cô cho biết, gia đình tranh thủ đi mua hàng sớm, nếu không thời gian tới sẽ rất đông khách, khó lựa được đồ ưng ý.
Vì đây là dịp mua sắm lớn trong năm, chị Ngân (47 tuổi) phải khảo giá thị trường Tết trước khi rút hầu bao. Chị cho biết: "Cuối năm nhiều việc phải lo, tôi cần cân đối chi tiêu. Theo tôi, bánh kẹo tăng giá hơn một chút so với mọi năm".
Giá mỗi loại bánh kẹo Tết từ 80.000 đồng đến gần 300.000 đồng/kg.
Một số loại kẹo bán cân có bao bì bắt mắt, bán cân, giá bình dân, chất lượng không bằng những loại đóng gói nhưng được nhiều khách lựa chọn vì giá rẻ.
Nữ khách hàng 57 tuổi đến từ huyện Chương Mỹ đã chi hơn 7 triệu đồng cho mặt hàng bánh kẹo và trái cây khô. "Mấy năm trước dịch nên chắt bóp chi tiêu. Tết năm nay nhà sẽ đông khách, tôi muốn mua nhiều hơn một chút. Lần tới tôi dự định mua thêm một số đồ dùng trang trí, dụng cụ bếp núc", bà Trường nói.
Những túi bánh kẹo bán cân được bà Trường chất đống trên chiếc xe đẩy.
Những giỏ quà biếu tại siêu thị này có giá niêm yết từ 200.000 đến 500.000 đồng, không chênh lệch nhiều so với các năm trước.
Một số mặt hàng áp dụng nhiều hình thức khuyến mãi như tặng kèm sản phẩm hoặc giảm giá. Để đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay, đến thời điểm hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, ngành Công Thương đang phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu.
Nhiều hệ thống phân phối lớn đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cơ bản dồi dào, giá các mặt hàng không có biến động lớn.