Năm 2010, Viettel chính thức tham gia vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Trải qua 14 năm - một thời gian rất ngắn so với hàng trăm năm tích luỹ năng lực R&D của các cường quốc về công nghiệp quốc phòng, lĩnh vực này đã trở thành điểm nhấn của Viettel với sự ra đời của hàng loạt sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam”, đóng góp vào tiềm lực quốc phòng.
Từ điểm xuất phát là một tân binh, Viettel vẫn lựa chọn phát triển những công nghệ tiên tiến mà chỉ số ít cường quốc quân sự có thể làm chủ. Hành trình đó có nhiều lúc tưởng như nhiệm vụ bất khả thi: thiếu kinh nghiệm, thiếu mô hình tham chiếu vì chưa ai ở Việt Nam từng làm, bí mật công nghệ mà không bên nào muốn chia sẻ.
“Lãnh đạo Viettel đặt ra một loạt câu hỏi dồn dập cho nhóm đề tài: ‘Phần ăng-ten chúng ta làm được không?’, ‘Phần thu, phát làm được không?’, ‘Phần xử lý tín hiệu làm được không?’”, ông Nguyễn Vũ Hà - Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, nhớ lại câu chuyện năm 2015 khi Viettel được đích thân cố Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh giao nhiệm vụ nghiên cứu hệ thống Radar quản lý bờ biển để trang bị cho Quân chủng Hải quân.
6 tháng tiếp theo, các nhóm kỹ sư Viettel “bám” bờ biển liên tục, vừa phát sóng trực tiếp vừa hiệu chỉnh sản phẩm. Trước khi có sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, họ đã thiết kế 36 phiên bản để tìm ra phương án tốt nhất đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra. Ngày nay, hệ thống đài radar cảnh giới bờ biển tạo ra từ những ngày “lăn lộn” đó đã được trang bị tới 5 Vùng Hải quân, trở thành con mắt canh biên giới biển. Và đó cũng là lời khẳng định người Viettel có thể làm được, ông Hà cho biết.
Tìm lời giải cho các bài toán khó để đóng góp vào tiềm lực quốc phòng của đất nước trở thành nguồn cảm hứng cho đội ngũ Viettel. Hàng loạt sản phẩm công nghiệp công nghệ cao khác cũng ra đời như vậy: vũ khí chiến lược công nghệ cao, các hệ thống radar, tác chiến điện tử, huấn luyện mô phỏng…
“Chúng tôi rất quý anh em kỹ sư Viettel vì ham học và không ngại khổ. Nắng tháng 7, nhóm Viettel có kế hoạch làm việc tại nhà xưởng 3 tuần, nhưng tranh thủ máy bay đang trong 2 tuần bảo dưỡng, anh em quyết tâm thực hiện bằng xong scan 3D toàn bộ máy bay. Thấy anh em Viettel làm tới đêm, xong sáng hôm sau lại ra sớm, chúng tôi cảm nhận được sự nỗ lực và khát khao”, Thiếu tá Nguyễn Quang Thắng - Phó Ban Kỹ thuật Trung đoàn 927 kể lại quá trình các kỹ sư Viettel phát triển hệ thống mô phỏng máy bay Su-30MK2.
Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã và đang nghiên cứu, sản xuất hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao để cung cấp cho Quân đội. Hệ sinh thái sản phẩm của Viettel được xây dựng theo mô hình tác chiến C5ISR hiện đại nhất trên thế giới bao gồm 4 chức năng: Thu thập thông tin, Truyền nhận thông tin và mệnh lệnh, Xử lý thông tin hỗ trợ điều hành tác chiến, Tác chiến không gian mạng.
Trong quá trình phát triển sản phẩm, Viettel kiên định với việc lựa chọn nghiên cứu và làm chủ những giải pháp tối tân bậc nhất thế giới. Với cách làm sáng tạo và quyết tâm giải quyết tận gốc rễ vấn đề, Viettel được cấp 116 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, 29 bằng bảo hộ sáng chế tại Mỹ. Viettel cũng vinh dự được nhận 2 giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Đã từng bay trên những loại buồng tập mô phỏng máy bay chiến đấu MIG 17 và MIG 21, rồi bay trên buồng lái mô phỏng máy bay chiến đấu F16 của Bỉ và cũng từng bay trong buồng tập máy bay hàng không dân dụng của Singapore, khi trải nghiệm lái hệ thống huấn luyện kíp chỉ huy bay và phi công SU30-MK2, Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lực lượng lao động, bày tỏ: "Tôi thực sự bất ngờ khi nổ máy máy bay lăn ra đường bay. Mở máy, cất cánh và thực hiện động tác nhào lộn trên không, bầu trời và mọi thứ quay không khác gì tôi ngồi trên máy bay nhào lộn. Đó là cảm giác sâu sắc nhất của tôi và tôi nghĩ rằng điều này để lại cho tôi ấn tượng không khác gì chuyến bay ngày xưa, hệ thống này không thua kém bất kỳ sản phẩm của các nước tiên tiến”.
Thông qua việc làm chủ công nghệ quốc phòng, Viettel làm lợi cho Quân đội và đất nước hàng tỷ USD. Một bộ radar Viettel sản xuất với tính năng tương đương có thể tiết kiệm 7 triệu USD so với đi mua của đối tác nước ngoài, trong khi nhu cầu trang bị cho Quân đội lên đến hàng trăm bộ. Hay thiết bị mô phỏng giúp tiết kiệm hàng trăm lần so với luyện tập thực tế, trong khi tạo ra trải nghiệm huấn luyện tương tự.
Những sản phẩm của Viettel còn khẳng định công nghiệp quốc phòng Việt có thể cạnh tranh quốc tế. Sản phẩm Viettel đại diện cho Việt Nam tham gia các triển lãm quân sự hàng đầu thế giới tại Ba Lan, Thái Lan (năm 2023) và Malaysia (2024). Trong năm 2024, Viettel đã ký kết và hợp đồng với Malaysia, Philippines về xuất khẩu thiết bị công nghiệp công nghệ cao, radar và các hệ thống mô phỏng huấn luyện, trị giá hàng triệu USD.
Đến nay Viettel không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ được Quân đội giao phó, mà còn giữ vai trò hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, tiên phong phát triển các công nghệ mới nhất trên thế giới.
Vũ khí chiến lược công nghệ cao, do Viện Hàng không Vũ trụ Viettel phát triển, là công nghệ mà chỉ có một vài quốc gia trên thế giới sở hữu. Khả năng làm chủ đã giúp Việt Nam có thể chủ động hoàn toàn trong việc thiết kế, chế tạo sản phẩm, linh hoạt điều chỉnh các tính năng, bảo đảm yêu tố bí mật, phù hợp với điều kiện tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam và giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.
“Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thành công vũ khí chiến lược công nghệ cao là một dấu ấn có ý nghĩa lớn đối với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và với nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, là niềm tự hào, là mong ước cháy bỏng của quân đội và cả dân tộc Việt Nam chúng ta. Kết quả này đã góp phần viết nên một trang sử mới cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, khẳng định bản lĩnh trí tuệ, tinh thần tự lực, tự cường của Quân đội và dân tộc”, Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá tại buổi lễ trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Viện Hàng không Vũ trụ Viettel ngày 9/12.
Trần Hùng