Lời tòa soạn: Tuy cùng cơ chế, chính sách nhưng rõ ràng địa phương nào dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới hoặc có tập thể, cá nhân lãnh đạo dám vì cái chung mà hành động thì luôn có kết quả tốt trong phát triển kinh tế- xã hội. Những địa phương trong loạt bài này đều đã đạt được những thành quả lớn ở nhiều hay từng lĩnh vực cụ thể.
Tháng 3/2021, giữa lúc đại dịch Covid càn quét khiến nhiều khu công nghiệp đóng băng, nhiều ngành nghề bị tàn phá nặng nề, một doanh nghiệp “đại bàng” chọn Quảng Ninh để rót vốn đầu tư dự án gần 1 tỷ USD.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, rằng Quảng Ninh đã làm cách nào để “hút” trọn vẹn 2 dự án liên quan đến sản xuất tấm quang năng quy mô lớn của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (Công ty Jinko)?
Hai dự án này gồm dự án công nghệ tế bào quang điện và Dự án công nghệ tấm silic, đặt tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, tổng mức đầu tư lên đến 865,6 triệu USD.
Kể về quá trình quyết định đầu tư trên, Tổng Giám đốc đối ngoại, kiêm Giám đốc điều hành Công ty Jinko - ông Hoàng Kim Tinh cho biết, thời điểm ban đầu công ty vẫn đắn đo vì đây là địa phương hoàn toàn mới mẻ.
Lúc đầu, công ty Jinko chỉ có ý định thực hiện Dự án công nghệ tế bào quang điện, còn Dự án công nghệ tấm silic – nơi sản xuất nguyên liệu đầu vào cho Dự án công nghệ tế bào quang điện để sản xuất sản phẩm cuối cùng là tấm quang năng thì chưa có kế hoạch đặt tại Quảng Ninh.
Một cuộc khảo sát “âm thầm” được triển khai độc lập về nhiều khía cạnh từ thủ tục hành chính, quy mô kinh tế…
“Khảo sát của các chuyên gia công ty Jinko cho thấy, Quảng Ninh có sự ổn định về phát triển kinh tế, đặc biệt nhất là sự vào cuộc hỗ trợ nhiệt tình của hệ thống chính trị”, ông Hoàng Kim Tinh nói về lý do then chốt khiến Jinko song hành cùng Quảng Ninh.
Với sự quyết liệt, kiên trì thuyết phục của chính quyền Quảng Ninh, ngày 10/1/2022, công ty Jinko tổ chức lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của Dự án công nghệ tấm silic.
Theo ông Hoàng Kim Tinh, Quảng Ninh có rất nhiều điều kiện lý tưởng và thuận lợi để tiến hành đầu tư, trong đó việc hỗ trợ trước và sau đầu tư là rất chuyên nghiệp và bài bản.
“Đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh hiện có 5 khu kinh tế đã được thành lập và đang hoạt động trong đó có 2 khu kinh tế ven biển. do nằm trong khu kinh tế nên các doanh nghiệp đến đầu tư sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi tương ứng về đầu tư, thuế.
Chia sẻ về điều tâm đắc nhất khi đầu tư vào Quảng Ninh, ông Tinh cho rằng tỉnh có điều kiện thông thương với Trung Quốc tốt nhất Việt Nam qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển.
Trong đó phải kể đến cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, cảng nước sâu Cái Lân. Do vậy mà việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc qua đường bộ, biển rất thuận tiện và nhanh chóng.
Cái khác biệt nhất ở Quảng Ninh đó là các vấn đề liên quan đến chuyên gia nước ngoài, nhập khẩu máy móc nguyên vật liệu luôn nhận được sự hỗ trợ của tỉnh.
Đặc biệt đối với việc nhập cảnh của chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài, chính quyền tỉnh luôn kịp thời giải quyết nhu cầu nhập cảnh để không ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
"Bất ngờ nhất là việc hỗ trợ sau đầu tư, khi gặp khó khăn, công ty chúng tôi phản hồi thì tỉnh Quảng Ninh luôn tích cực, chủ động ghi nhận, lắng nghe, lập tức tham gia giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề thông qua các cuộc họp, các chỉ đạo cụ thể kể cả vào ngày nghỉ theo quy định", ông Hoàng Kim Tinh cho biết.
Dự án trên của Công ty Jinko Việt Nam là 2 trong tổng số 150 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 8,26 tỷ USD.
Theo báo cáo kết quả Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Quảng Ninh giữ vững vị trí số 1 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố.
Với kết quả trên, Quảng Ninh duy trì 5 năm liên tiếp xếp thứ nhất và 9 năm liên tiếp trong top 5 các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất được VCCI xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế rất tốt vào năm 2021.
Nhờ những nỗ lực cải nêu trên, các con số thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh giai đoạn 2016-2021 luôn đạt mức tăng trưởng trên hai con số.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tốc dộ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt 10,66%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 28.671 tỷ đồng, tổng vốn cho đầu tư phát triển ước đạt 42.310 tỷ đồng, và đã thu hút được trên 5,5 triệu lượt du khách đến với tỉnh.
Số liệu thống kê trên cho thấy, Quảng Ninh bứt phá mạnh mẽ, tạo nên điểm sáng về việc thực hiện “mục tiêu kép” – vừa chống dịch hiệu quả vừa tăng trưởng kinh tế.
Nói về việc thu hút các nhà đầu tư “đại bàng”, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm tô điểm vào bức tranh phát triển kinh tế với nhiều lợi thế nổi trội.
Trong đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, có 3 cửa khẩu. Đây là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với thị trường trên 1 tỷ dân.
Đến nay, Quảng Ninh có hơn 200km đường cao tốc đi qua (chiếm 1/10 chiều dài đường cao tốc cả nước), thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long chỉ còn lại 1,5 giờ và đến TP Móng Cái (cửa khẩu quốc tế của tỉnh Quảng Ninh) chỉ còn 3 tiếng di chuyển.
Đặc biệt, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không đầu tiên của Việt Nam được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.
Nền tảng để Quảng Ninh phát triển còn dựa trên nội lực đó là có tổng diện tích khu công nghiệp, khu kinh tế lớn nhất cả nước với những lợi thế khác biệt như 2 khu kinh tế ven biển, 3 khu kinh tế cửa khẩu, 16 khu công nghiệp.
Các khu kinh tế , khu công nghiệp của Quảng Ninh được kết nối với nhau bằng hệ thống đường cao tốc tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển mua bán hàng khóa. Các khu kinh tế ven biển và cửa khẩu Quảng Ninh đều được Chính phủ cho phép hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất.
Nỗi trăn trở của hệ thống chính trị Quảng Ninh khi điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng đã có nhưng phải làm sao cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sao cho nhanh, nhạy và hiệu quả.
Về việc này, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh nhìn nhận quan trọng nhất là công tác cải cách hành chính.
"Trong khi đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế, xã hội giúp giảm chi phí trực tiếp, thì việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần cắt giảm các chi phí gián tiếp của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh", ông Nguyễn Xuân Ký nhận định.
Nhiều mô hình mới phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư được thiết lập, vận hành hiệu quả như: Trung tâm Phục vụ hành chính công, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Tổ công tác Investor care ...
Sau những cố gắng thay đổi, phát triển để thích ứng đã có những quả ngọt đầu tiên người dân Quảng Ninh được thụ hưởng.
Dù được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” - Quảng Ninh với mục tiêu muốn “quả ngọt” ra mãi đã từng bước hiện thức hóa việc mở rộng không gian phát triển.
Đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ninh cùng với Bắc Giang và Hải Dương chính thức thực hiện các chính sách về liên kết vùng nhằm thúc đẩy tăng trưởng các địa phương.
Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, các thế mạnh, tiềm năng đặc trưng của địa phương, việc ký kết liên kết vùng được kỳ vọng sẽ mang đến kết quả tích cực.