Ông Nông Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Denko (Vĩnh Phúc) chia sẻ với VietNamNet xung quanh câu chuyện vượt khó trong đại dịch.
PV: Thưa ông, tình hình dịch bệnh của năm 2021 đã ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty?
Ông Nông Huy Hoàng: Tình hình dịch bệnh năm 2021 cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến công ty chúng tôi, nhất là về phần nhân lực. Đồng thời, chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi các chuỗi cung ứng bị đình trệ.
Tuy nhiên là vào giai đoạn cuối năm, với sự hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như của Sở Công Thương, Sở Kế hoạch- đầu tư, công ty cũng đã dần dần phục hồi sản xuất và đến thời điểm hiện tại thì tôi đang ghi nhận doanh số của công ty đang tăng lên tốt hơn so với năm 2020.
PV: Xin ông có thể chia sẻ cụ thể là sự tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh của công ty?
Ông Nông Huy Hoàng: Chúng tôi ghi nhận được sự tăng trưởng về số lượng khách hàng mới cũng như các yêu cầu đơn hàng mới của các khách hàng. Đáng chú ý, các đơn mới không chỉ là từ các công ty FDI đang hoạt động trong nước mà còn của các công ty "outsourcing" (công ty gia công) đến từ nước ngoài.
Tôi đánh giá rằng, do sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng quốc tế hiện nay đang dần dịch chuyển về Việt Nam cho nên đã có sự gia tăng như vậy.
PV: Nói đến sự dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam thì trong lĩnh vực của mình, ông nhìn thấy những cơ hội đang mở ra như thế nào?
Ông Nông Huy Hoàng: Cơ hội đang mở ra do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia. Tôi thấy rằng, hiện nay một số công ty outsourcing lớn của nước ngoài đang dần dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam và họ đang tìm kiếm các đơn hàng lớn để xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Mỹ, Châu Âu để thay thế cho các nhà cung cấp Trung Quốc. Chúng tôi coi đây là cơ hội tốt cho công ty tăng trưởng mạnh.
PV: Để nắm bắt cơ hội tự sự dịch chuyển đó, theo ông, cần phải chuẩn bị những chiến thuật như thế nào để chớp được những cơ hội đó?
Ông Nông Huy Hoàng: Thực ra, trước đây, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đã được phát triển nhất định. Tuy nhiên, với những yêu cầu và đòi hỏi của các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng như chúng tôi xác định đều phải tự nâng cao cái nội lực.
Có mấy điểm, thứ nhất là về phương pháp sản xuất, thứ hai là quản lý chất lượng, thứ ba là kiện toàn công tác giao hàng đáp ứng được các yêu cầu rất khắt khe về chất lượng và tiến độ đúng hạn của khách hàng. Đó là các vấn đề mà chúng tôi phải vượt qua được.
PV: Làm việc với nhiều doanh nghiệp FDI, ông thấy, đâu là thế mạnh và đâu là nhược điểm cần cải tiến của các doanh nghiệp Việt nói chung?
Ông Nông Huy Hoàng: Về thế mạnh, khi chúng ta tham gia làm vendor cho doanh nghiệp FDI, chúng ta là doanh nghiệp địa phương thì có thể nhanh chóng cung cấp được hàng hóa các vị trí địa lý gần. Chúng ta có thể trao đổi trực tiếp với khách hàng.
Tuy nhiên, khi bắt đầu chuyển sang sản xuất đại trà, các doanh nghiệp Việt thường gặp khó. Đây là một nhược điểm. Như tôi đã nói, các công ty Việt thường yếu về phương pháp sản xuất và phương pháp quản lý. Nếu chúng ta chưa được tiếp cận với những phương pháp quản lý sản xuất hiện đại và đồng thời, ý thức của người lao động cũng chưa tốt thì sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh.
Theo tôi, các công ty phải cập nhật và bổ sung các điểm này thì chúng ta mới có thể triển khai tiếp tục quan hệ lâu dài với các FDI nước ngoài.
PV: Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều ưu đãi chính sách. Tới thời điểm này, công ty đã thực sự iếp cận những cái ưu đãi như thế nào?
Ông Nông Huy Hoàng: Tính đến thời điểm này, công ty chúng tôi cũng đã được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao trình độ sản xuất, trình độ quản lý của Bộ Công Thương, Cục Công Nghiệp, cũng như là các chương trình hỗ trợ của Sở Công Thương, Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.
Thứ hai nữa là chúng tôi cũng được tham gia những chương trình kết nối doanh nghiệp do Sở Công Thương tỉnh tổ chức, ví dụ như triển lãm, các hội chợ, hội thảo chuyên ngành.
Về mong muốn riêng, chúng tôi muốn đề xuất tỉnh Vĩnh Phúc có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thêm về các trung tâm phòng Lab. Doanh nghiệp không cần phải dịch chuyển quá xa về Hà Nội hoặc là các trung tâm khác để có được kết quả kiểm định sản phẩm.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi tài chính cần có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể có thêm sức mạnh cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong thời gian đầu.
PV: Xin ông chia sẻ về mục tiêu của công ty trong giai đoạn tới?
Ông Nông Huy Hoàng: Mục tiêu của chúng tôi trong giai đoạn tới là sẽ tiếp tục phát triển ngành cơ khí chính xác, nâng cao tay nghề để triển khai vào các ngành có hàm lượng chất xám cao hơn. Ví dụ như, chúng tôi sẽ triển khai thêm các phần zig gá cho ngành công nghiệp điện tử. Chúng tôi mong muốn được tham gia vào các chuỗi cung ứng của ngành điện tử cho các tập đoàn lớn, ví dụ như là công ty Samsung Việt Nam. Hiện nay thì tôi cũng đã sản xuất một số sản phẩm mẫu, và cũng đã được đánh giá có thể được tham gia vào chuỗi cải tiến doanh nghiệp cũng như là Smart Factory của Samsung trong năm 2022.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện: Thanh Thuý
Thiết kế: Thu Hồng