LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không (18-30/12/1972- 12/2022); 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022); 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2022), chương trình Đối thoại của báo VietNamNet được tổ chức với chủ đề Khát vọng Việt Nam qua các thế hệ.
Khách mời đặc biệt là ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Telecom, Tập đoàn FPT.
Ông Tiến là con trai út của Thiếu tướng- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Đan (1928-2003). Tướng Hoàng Đan đã tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như Chiến tranh biên giới 1979-1981, là Tư lệnh của nhiều mặt trận, tham gia trực tiếp hoặc chỉ huy trong các chiến dịch lớn như Chiến dịch Hoà Bình, Chiến dịch Thu Đông năm 1952, Chiến dịch Thượng Lào, Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cuộc đời binh nghiệp của tướng Hoàng Đan thường được người con trai Hoàng Nam Tiến kể lại như một câu chuyện truyền cảm hứng lớn lao về niềm tin chiến thắng, về khát vọng cống hiến. Năm tháng lớn lên và trở thành một doanh nhân công nghệ thành đạt của Hoàng Nam Tiến luôn có dấu ấn của người cha: đậm khí phách người lính và có trí dũng của người làm tướng.
Ông Tiến không chỉ là một chiến tướng tài giỏi của FPT mà còn là 1 hot facebooker, một diễn giả với nhiều câu nói hay được giới trẻ lan truyền.
Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ chương trình Đối thoại với ông Hoàng Nam Tiến tại video sau:
Nhà báo Phạm Huyền: Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng hào hùng, trong những ngày có ý nghĩa lịch sử này, thường anh sẽ nhớ như thế nào về người cha của mình cách đây 50 năm?
Ông Hoàng Nam Tiến: Năm 1972, tôi mới có 3 tuổi, còn bé lắm. Cảm nhận duy nhất lúc đó là đi sơ tán ở vùng quê thuộc Hà Nội. Sau này, tôi đọc lại hơn 400 bức thư ba và mẹ tôi gửi cho nhau vào những thời kỳ đó và thấy có những điều thật “kỳ lạ”.
Bốn tháng trước khi có chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, tháng 8/1972, từ chiến trường ở Trị Thiên Huế, ba tôi đã viết cho mẹ tôi những dòng chữ như sau: “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn và một thời gian nữa, được như anh mong thì tốt, sẽ kết thúc chiến tranh. Năm nay sẽ có một Điện Biên 72, Điện Biên đánh Mỹ”.
Ba tôi, một vị tướng chiến trận với có 46 năm trong quân ngũ, đã dự báo như vậy! Quả thật, chỉ 4 tháng sau, chúng ta đã có “Điện Biên Phủ trên không”.
Nhắc đến “Điện Biên Phủ trên không” thì bao giờ cũng nhắc đến những “pháo đài bay” B52. Khi đó, mỗi đêm, cả trăm chiếc “pháo đài bay” của Mỹ đã bay vào ném bom các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng….
Có một chi tiết liên quan đến FPT chúng tôi.
Một trong các đối tác lớn nhất của FPT hiện nay chính là hãng sản xuất máy bay Boeing. Những chuyến bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là bay bằng những chiếc máy bay 787 Dreamliner của hãng Boeing. Và Boeing cũng chính là công ty sản xuất những chiếc máy bay, những chiếc pháo đài bay B52.
Ngày xưa, ba tôi đã chịu hàng trăm trận bom thả từ những B52 của Boeing trên chiến trường tại Khe Sanh, đường 9 Nam Lào, Quảng Trị. Còn giờ đây, thế hệ chúng tôi đối với Boeing đã chuyển sang hợp tác và phát triển. Chúng tôi vô cùng tự hào rằng, có rất nhiều phần mềm hiện nay mà Boeing đang sử dụng là do FPT làm ra.
Nhà báo Phạm Huyền: Nhân nói tới dự cảm về một chiến thắng, tôi nhớ thời những năm 90, FPT có một câu chuyện rất nổi tiếng và được lan truyền nhiều. Đó là câu chuyện xuất khẩu phần mềm. Lúc đó, Tập đoàn tổ chức một hội nghị được gọi là Hội nghị Diên Hồng với nội dung “xuất hay là chết”. Vậy, lúc đó dự cảm của anh và những người ở FPT như thế nào?
Ông Hoàng Nam Tiến: Năm 1998, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT có tổ chức hội nghị ấy. Anh Bình trình bày về quyết tâm xuất khẩu phần mềm. Ngày đấy, trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ làm xuất khẩu phần mềm, mà Ấn Độ lúc đó cũng chỉ mới bắt đầu làm.
Thực ra, chúng tôi không tin lắm!
Nhưng ở FPT, chúng tôi luôn luôn biết anh Trương Gia Bình là một người vô cùng mơ mộng. Anh luôn luôn có những ước mơ thậm chí là viển vông.
Thế nhưng, với kinh nghiệm của chúng tôi, với tôi là một người đã làm ở FPT tới 30 năm, thì những ước mơ ấy, có thể đến đúng lúc, có thể đến chậm vài năm nhưng lần cũng thành hiện thực. Khi ấy, chúng tôi có một quyết tâm rất lớn để thực hiện ước mơ của anh Bình.
Năm 1998, FPT đã là công ty tin học số 1 ở Việt Nam. Người ta hay nói đứng đầu rồi biết đi đâu. Anh Bình nói rằng cả thế giới rộng lớn đón chờ chúng ta. Lúc đấy, chúng tôi tin vào anh Bình.
Ngày hôm nay, tôi có thể kể chỉ mấy tháng nữa thôi FPT sẽ đón nhận kỹ sư thứ 30.000 để làm xuất khẩu phần mềm mà chúng tôi đã đặt ra vào năm 1998.
Nhà báo Phạm Huyền: Người ta vẫn nói phải biết mơ, và phải mơ giấc mơ lớn mới có thể trở thành người vĩ đại. Chính như vậy, người ta nói anh và những người ở FPT là các chiến tướng.
Vậy, tôi muốn hỏi, các anh có thừa hưởng được điều gì từ gen của người lính, như người cha Hoàng Đan ngày xưa?
Ông Hoàng Nam Tiến: Anh Trương Gia Bình có một quan điểm về đào tạo giáo dục rất đặc biệt.
Ngay từ những năm 1995, anh Trương Gia Bình đã mời được những vị tướng xuất sắc nhất Việt Nam đến FPT để dạy chúng tôi - những người chỉ 25- 30 tuổi về cuộc chiến, về làm sao để chọn được người tài, về làm sao để đào tạo được các sĩ quan chỉ huy và kể về những giai đoạn khốc liệt nhất, gay cấn nhất trong các cuộc chiến tranh.
Qua các câu chuyện đó, chúng tôi học được rất nhiều. Ngày hôm nay, các trường quản trị kinh doanh cũng áp dụng điều đó. Họ mời các doanh nhân đã có thực chiến đến dạy nhiều hơn là những vị giáo sư sẽ trình bày về lý thuyết.
Tôi nói thật ngày đó, khi tôi nghe những câu chuyện của những vị tướng lừng danh như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, cả ba tôi và rất rất nhiều vị tướng nổi tiếng, chúng tôi đã học được nhiều vô kể.
Tôi vẫn nhớ trong suốt cuộc đời mình, ba tôi chưa bao giờ dạy con phải làm thế này, con phải làm thế kia. Bao giờ cũng vậy, ba tôi dẫn tôi đi khắp nơi.
Tôi luôn luôn có những ngày hè ở trong quân đội. Người ta được 3 tháng hè thì tôi đến hơn hai tháng ở đơn vị quân đội cùng ba tôi. Bé thì ở cùng ba tôi. Lớn thì ở cùng với Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn Quân Y…Và tôi học được rất nhiều.
Ba tôi không giảng dạy. Ba tôi muốn tôi có cái trải nghiệm tự rút ra cho mình những kết luận. Ngày hôm nay, tôi cũng dạy các con tôi như vậy.
Nhà báo Phạm Huyền: Thực ra trong môi trường quân đội hay trong thời chiến, người ta hay nói đến hình ảnh kỷ luật và gương mẫu: quân lệnh như sơn. Anh nhận thấy những chính anh và những bạn trẻ ngày hôm nay hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh, họ có những tố chất như thế nào của một người lính?
Ông Hoàng Nam Tiến: Có điều rất giống và cũng có điều rất khác. Tôi xin nói một câu chuyện như thế này. Khi chúng tôi thực hiện một hợp đồng với khách hàng tại Mỹ, trị giá vài trăm triệu USD, tính ra là hàng nghìn tỷ đồng Việt Nam, chúng tôi huy động lực lượng ở nhiều thành phố khác nhau tại Mỹ, ở Nhật Bản, ở châu Âu và nhiều thành phố tại Việt Nam. Bởi vì chúng tôi có những trung tâm phát triển phần mềm tại nhiều thành phố tại Việt Nam.
Dưới sự chỉ huy thống nhất từ “chiến trường” là tại Mỹ, chúng tôi phải làm sao để hơn 1.000 con người cùng làm một dự án, cùng hợp tác với nhau, cùng triển khai cho đồng bộ và đạt yêu cầu chất lượng. Không có kỷ luật, không làm được. Chúng tôi phải kỷ luật như những người lính.
Ngày xưa ba tôi trong quân đội đã chỉ huy như vậy. Quân đội ta mở chiến dịch Quảng Trị ở Tây Nguyên, ở Đông Nam Bộ và kể cả phía Bắc, tất cả chiến dịch đấy đều được chỉ huy dưới Bộ Tổng tư lệnh. Và chúng tôi cũng hình thành công việc như vậy.
Điểm khác nhưng vẫn giống đấy là ngày hôm nay mỗi khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi vẫn biết là phải tôn trọng kỷ luật, vẫn biết phải tôn trọng quy trình nhưng bao giờ chúng tôi cũng đề cao tính sáng tạo.
Tại sao? Bởi vì ở trên thế giới, cạnh tranh về trí tuệ đòi hỏi những người giỏi nhất Việt Nam, những người thông minh nhất Việt Nam, và những người sáng tạo nhất Việt Nam. Để có thể làm cho những khách hàng lớn nhất trên thế giới thì tính sáng tạo là vô cùng quan trọng.
Vừa rồi, khi tôi đọc lại “50 năm kỷ niệm Điện Biên Phủ trên không”, tôi thấy những người lính của chúng ta cũng vô cùng sáng tạo. Nếu thuần túy xét về mặt kỹ thuật và công nghệ, chúng ta không có cách nào bắn rơi được B52. Chính những chuyên gia quân sự của Liên Xô ngày xưa cũng thừa nhận chuyện đấy. Nhưng những người lính Việt Nam đã sáng tạo, đã tìm ra cách đánh vô cùng đặc biệt. Trong những ngày hôm nay, báo chí nhắc đến rất nhiều những sáng tạo đấy.
Điều thứ ba mà chúng tôi rất giống những người lính đó chính là đoàn kết vì một mục tiêu chung. Để làm được những việc lớn, để có hàng chục ngàn người, sắp tới là 30.000 người, để đi ra 27 quốc gia trên toàn cầu, không đoàn kết, không cùng ý chí, không cùng mục tiêu không làm được điều này.
Quân đội Nhân dân ta và toàn dân ta coi đấy là một điều mẫu mực.
Nhà báo Phạm Huyền: Anh may mắn là có một người cha tài năng, trí dũng, một vị tướng đi vào lịch sử của dân tộc. Anh luôn luôn tự hào về người cha của mình. Giờ, mỗi lần nhớ đến người cha của mình, anh nhớ đến những câu nói gì của cha- những điều đã giúp cho anh trở thành người như hôm nay?
Ông Hoàng Nam Tiến: Theo quyển sách nói về tình yêu ba mẹ của tôi từ những năm 1949 cho mãi đến sau này, tôi muốn nhắc đến vài sự kiện. Ba mẹ tôi được hai gia đình giới thiệu cho nhau và lúc đấy cũng thấy hợp nhau.
Vậy nhưng, ba tôi đã có những quyết định rất đặc biệt. Đó là vào năm 1953, khi hai bên tổ chức lễ ăn hỏi thì đêm ấy, ba tôi đi Chiến dịch Thượng Lào. Ba tôi có một quyết tâm rất đặc biệt chính là đánh thắng, để về hôn mẹ tôi lần đầu tiên năm 1953. Năm 1954, ba tôi có nhắc lại. Ba tôi có gửi thư cho mẹ tôi và nói rằng: “Chiến thắng anh về sẽ cưới em”.
Khi đấy, ba tôi là một vị chỉ huy trực tiếp chiến đấu. Chiến tranh mà, hi sinh là điều rất dễ xảy ra, nhất là chúng ta đã đánh kẻ địch mạnh như vậy ở Điện Biên Phủ. Nếu không hy sinh thì bị thương tật là điều bình thường.
Vậy mà ba tôi có một niềm lạc quan đặc biệt trước khi vào trận đánh là chắc chắn anh sẽ chiến thắng và sẽ trở về để cưới em. Điều này là rất khó hiểu. Nhưng ba tôi có lòng tin rất sâu sắc như vậy.
Tiếp đến về sau này, năm 1974, khi ba tôi ở mặt trận Thượng Đức, ba tôi có viết như thế này cho mẹ tôi: “Giữa hai bên đang súng đạn, anh viết thư cho em. Người ta nói rằng khi mà đứng tuổi (khi đấy ba tôi đã 46 tuổi) thì tình cảm cũng đứng lại. Nhưng anh thấy không đúng thế. Càng ngày anh càng thấy yêu em nhiều hơn. Nếu ai hỏi anh muốn gì thì anh muốn sống bên cạnh em”. Ba tôi viết như vậy.
Đến năm 1975, trong bức thư gửi mẹ tôi vào ngày mùng 1/4 tức là 29 ngày trước ngày chiến thắng Giải phóng miền Nam - Thống nhất đất nước (30/4/1975), dòng cuối cùng ba tôi viết “Anh vẫn khỏe. Hẹn gặp em trong ngày chiến thắng”.
Chính ba tôi chắc cũng không thể ngờ 29 ngày sau, ba tôi chính là vị chỉ huy đơn vị xe tăng đánh dọc theo xa lộ Biên Hòa vào đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ chế độ cũ, cắm ngọn cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập.
Những điều ấy đã làm cho cá nhân tôi luôn luôn hiểu rằng mình làm bất kỳ điều gì, mình phải đặt mục tiêu đủ lớn lao. Nói câu chữ thì người ta hay gọi là sứ mệnh. Nhưng cá nhân tôi thì tôi nghĩ là đặt mục tiêu đủ lớn, dành toàn bộ tâm sức để làm điều đấy.
Đặc biệt phải có một niềm tin, niềm tin rằng mình sẽ làm được việc đấy. Cũng như ba tôi có một niềm tin chắc chắn sẽ chiến thắng để về hôn vợ chưa cưới, để về cưới vợ, để chiến thắng trở về.
Thêm một chi tiết nữa, ba tôi viết một câu mà tôi rất ấn tượng cho thế hệ tôi: “Anh nghĩ anh cũng như các đồng chí khác phải cố gắng kết thúc chiến tranh để khỏi làm phiền đến con chúng ta, để chúng được hòa bình học tập xây dựng đất nước”.
Nhà báo Phạm Huyền: Những câu chuyện anh vừa chia sẻ rất cảm động. Tôi chợt nghĩ rằng, những người lính năm xưa sẵn sàng gác lại chuyện gia đình, gác lại hạnh phúc riêng để lên đường chiến đấu. Trong suy nghĩ của thế hệ ngày xưa, luôn luôn đặt giấc mơ hạnh phúc của cá nhân phải gắn với giấc mơ hạnh phúc của dân tộc.
Còn bây giờ khi đất nước đã chuyển sang kinh tế thị trường, anh nghĩ thế hệ ngày nay đã thực sự biết đặt hạnh phúc cá nhân gắn với hạnh phúc của dân tộc hay chưa?
Ông Hoàng Nam Tiến: Có, có rất nhiều. Thế hệ tôi và thế hệ các bạn rất trẻ bây giờ cũng có. Tôi rất hay làm việc với các bạn khởi nghiệp. Các bạn nói với tôi những câu chuyện mà tôi rất cảm động. “Anh Tiến ạ, với em 100 triệu người dân Việt Nam là thị trường rất lớn nhưng không đủ. Em mơ ước đến một thị trường toàn cầu 8 tỷ người. Em muốn rằng mỗi một khi download một ứng dụng, một cái app, người ta có thể nhìn thấy rằng đây là một cái app từ Việt Nam”.
Câu chữ bây giờ mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hay nói “make in Vietnam” là vì thế.
Họ nói một cách tự tin, tự hào. Có những chàng trai trẻ đã có tài sản hàng chục triệu USD, rất giàu. Nhưng tôi thấy chưa bao giờ họ hưởng thụ. Họ lao động mỗi ngày, còn nhiều hơn tôi. 15-20 tiếng mỗi ngày. Luôn học cái mới mỗi ngày và họ quyết tâm làm được những điều mà nói thật thế hệ như bọn tôi chưa làm được.
Nhà báo Phạm Huyền: Chúng ta có thể tạm gọi có 3 giai đoạn, 3 thế hệ. Thế hệ đầu là thế hệ của Thiếu tướng Hoàng Đan- cha anh- trong thế kỷ XX. Những người như ông đã làm nên một kỳ tích lịch sử, đó chính là giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Thế hệ thứ hai là những người như anh, như chúng ta hay gọi là F1, F2, là những người khởi đầu để xây dựng kinh tế. Thế hệ sau này mà bây giờ mọi người hay gọi là gen Z sẽ xây dựng đất nước hùng cường thịnh vượng hơn.
Chúng ta có một mục tiêu rất rõ rệt là Việt Nam sẽ phải trở thành một đất nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi Việt Nam tròn 100 tuổi. Vậy, là một người có trải nghiệm với cả thế hệ trẻ và là một người con của thế hệ đầu, anh có xâu chuỗi như thế nào của những thế hệ này?
Ông Hoàng Nam Tiến: Lấy một hình ảnh của chính tôi. Ba tôi năm 1968 tại chiến trường Khe Sanh, mỗi một ngày là hàng chục “pháo đài bay” B52 đến trên đầu ông.
Đến năm 2012, tôi có mặt tại Seattle (Mỹ), nơi có nhà máy sản xuất những chiếc B52 ngày xưa. Ở đó, những chiếc Boeing 787 Dreamliner ngày hôm nay sơn màu cờ của Vietnam Airlines. Tôi đã sờ vào những chiếc máy bay đấy. Tôi cũng đến Viện Bảo tàng lịch sử và sờ những chiếc B52.
Ngày hôm nay, thế hệ trẻ hơn tôi nữa đang xây dựng những ứng dụng phần mềm mà chính những hãng như Boeing phải sử dụng.
Mỗi một thế hệ có dấu ấn của mình và chúng tôi tin rằng những thế hệ trẻ chắc chắn sẽ vượt chúng tôi.
Nhà báo Phạm Huyền: Trước khi ta nói tiếp về câu chuyện của thế hệ ngày hôm nay, tôi có một băn khoăn muốn hỏi anh: Tại sao anh lại chọn con đường học về công nghệ thông tin và làm kinh doanh mà không phải đi theo một môi trường quân đội?
Ông Hoàng Nam Tiến: Trước đây, khi tôi đi dạy ở Viettel, tôi có kể về điều này. Tôi có làm trong quân đội nửa ngày tại Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Đấy chính là đơn vị chủ quản ngày xưa của Viettel. Tôi có làm nửa ngày.
Cậu tôi là ông Hoàng Niệm, Thiếu tướng Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc. Ba tôi phụ trách Cục Khoa học quân sự (Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ của Bộ Tổng Tham mưu). Thế là, suốt cả buổi sáng đến đến trưa, đi đâu, tôi cũng được giới thiệu cháu của Thủ trưởng Hoàng Niệm, con Thủ trưởng Hoàng Đan.
Chiều hôm đấy, tôi về tôi nói với ba tôi rằng “Thôi con xin phép con không làm quân đội”. Nhưng tôi rất tự hào vì có gia đình quân đội. Tôi học được rất nhiều điều từ quân đội.
Từ năm 1973, khi tôi 4 tuổi, tôi đã ở cùng với ba tôi tại Quân đoàn 1 ở Ninh Bình. Đến khi lớn lên năm 1976, khi mới 7 tuổi, tôi ở tại Học viện Quân sự cao cấp. Năm 1979, khi tôi mới 10 tuổi, tôi ở với ba tôi tại Quân đoàn 5 tại Lạng Sơn. Sau đó, tôi ở Quân khu 1 tại Thái Nguyên. Tức là tôi luôn luôn được đi cùng ba tôi vào những đơn vị quân đội. Vì vậy, chất quân đội đã thấm sâu vào trong người của tôi một cách rất tự nhiên.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi hiểu tâm tư của anh. Anh hoàn toàn không muốn núp dưới bóng của cha mình.
Trong một lần chia sẻ với truyền thông, anh có nói về câu chuyện thành công và thất bại. Tôi rất ấn tượng với một câu nói của anh: Đừng bao giờ để mình trở thành người thất bại. Nhưng tôi tự nghĩ rằng, trong cuộc đời và sự nghiệp mỗi người làm sao có thể lúc nào cũng thành công? Chúng ta sẽ phải đi qua thất bại.
Ví dụ như anh, trong suốt chặng đường của mình, anh cũng từng thất bại chẳng hạn: Ttuy là lớp trưởng lớp chuyên Toán trường Hà Nội Amsterdam, nhưng anh vẫn thi trượt đại học.
Anh có quan niệm như thế nào về sự thất bại và thành công?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi cố gắng luyện một thói quen suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Mỗi lúc thất bại tôi luôn luôn nghĩ tích cực, nghĩ về những bài học tích cực.
Tôi có nói, đã trót làm lãnh đạo thì cố gắng đừng thất bại. Bởi vì lúc thất bại sẽ khổ lắm. Không chỉ khổ cho mình mà còn tất cả. Những từ mà người ta hay nói như giậu đổ bìm leo, nói về người đi trả lại là do mình thôi.
Nhưng rất đặc biệt, người làm lãnh đạo mà thất bại thì sẽ ảnh hưởng hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí là hàng vạn con người.
Trong chiến tranh, nếu 1 Tiểu đoàn trưởng mà thất bại sẽ ảnh hưởng đến khoảng tầm 500 người, một Sư đoàn trưởng thất bại sẽ ảnh hưởng đến 10 nghìn người, một Tư lệnh quân đoàn như ba tôi mà thất bại sẽ ảnh hưởng đến hàng vạn người. Ngày hôm nay chúng ta cũng vậy. Đã là người lãnh đạo thì hãy nhớ không được thất bại.
Tất nhiên, thực tế là luôn luôn xảy ra rủi ro, làm sao mà thắng mãi được. Nhưng mình phải luôn luôn có tinh thần, phải suy nghĩ như vậy.
Nói thật, như ba tôi nói, đã đi chiến đấu thì sự hi sinh là đương nhiên nhưng mải nghĩ về chuyện hi sinh, đến cái sống cái chết thì chắc chắn sẽ không làm được điều gì. Chúng ta phải tạm quên nó đi, nhắm đến mục tiêu cao hơn, nhắm đến sứ mệnh được giao.
Còn đối với cá nhân tôi, khi mà tôi trượt đại học, tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể trượt đại học. Hồi đấy tôi trượt là vì tôi thi môn Vật lý chỉ được 2 điểm. Thầy dạy Vật lý của tôi, sau là hiệu trưởng Trường Hà Nội-Amsterdam, còn cố gắng để xem bài thi tôi viết gì mà lại được 2 điểm.
Bởi vì tôi nói thật với trình độ của chúng tôi lúc đấy viết bằng tay trái cũng sẽ ra 5 điểm, mà 5 điểm là thừa đỗ rồi. Thế nhưng cuộc đời có những khúc ngoặt như vậy.
Khúc ngoặt đấy của tôi dẫn đến câu chuyện: Tôi đã không được đi học nước ngoài. Tôi phải học ở Việt Nam và học tại Đại học Bách Khoa. Và có lẽ, đó lại là may mắn cho tôi.
Cùng lớp tôi, các bạn đi học ở nước ngoài rất thành đạt. Nhưng phần lớn các bạn bây giờ đều ở lại nước ngoài. Trở thành những nhà khoa học, trở thành những nhà nghiên cứu, những nhà kinh doanh. Họ rất giỏi, giỏi hơn tôi nhiều và thông minh nữa. Nhưng nói một cách sòng phẳng, họ đóng góp cho chính đất nước mình thì rất hạn chế.
Nhà báo Phạm Huyền: Khi trao đổi với anh, tôi thấy anh luôn tràn đầy một cảm hứng và năng lượng rất tích cực, lạc quan, mạnh mẽ. Vậy có khi nào anh gặp thất bại, cảm thấy nhụt chí và trong những khoảnh khắc ấy, anh làm như thế nào để vượt qua được?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi luôn luôn nhớ lời bài hát “Ai chiến thắng không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn đôi lần”. Đó là bài hát chúng tôi rất hay hát. Tôi muốn nói như thế này thất bại tôi có nhiều. Tôi đã từng thất bại về mặt cá nhân trong gia đình. Ly hôn tất nhiên là thất bại. Trong kinh doanh không phải lúc nào chúng tôi cũng thành công.
Thực ra mọi người cũng thường chỉ để ý đến thành công. Nhưng tôi nhớ từ ngày vào FPT tôi làm khoảng 10 việc thì chỉ có khoảng 5 việc thành công, còn 5 việc thất bại là mình lờ đi, mình không nói. Nhưng trong câu chuyện này tôi nói rất thành thật. Nếu học thì nên học từ những người thất bại.
Thành công không có mẫu số chung. Cái này tôi khẳng định. Học người thành công rất khó. Hơn nữa ông thành công hay kể chuyện hay, mình nghe xong mình cảm thấy rất hào hứng nhưng lại không học được gì. Nhưng học cách tránh thất bại thì lại học được.
Nhà báo Phạm Huyền: Góc nhìn rất hay. Nhưng anh học cách tránh thất bại ở những bài học thất bại như thế nào?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi làm lãnh đạo nên tôi rất hay học bài học này. Nghĩa là nhiều lúc mình duy ý chí mình, bất chấp thì sẽ có tổn thất. Ngày xưa là xương máu thì bây giờ sẽ làm công sức, mồ hôi, trí tuệ và thậm chí là hạnh phúc gia đình của những người lính, người nhân viên của mình. Vì vậy một khi đã quyết định thì phải nhìn thấy trước được, dự cảm được, đánh giá được.
Nhà báo Phạm Huyền: Khi đi nước ngoài, anh cảm nhận như thế nào về về góc nhìn của thế giới đối với lĩnh vực công nghệ của người Việt?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi bắt đầu từ FPT trước. Chúng tôi đã trở thành người làm thuê vĩ đại ở Việt Nam. Bây giờ, chúng tôi có gần 30.000 kỹ sư. Nhưng ngay khi bắt đầu đi làm, khi đi ra nước ngoài chứng kiến những sản phẩm của những công ty công nghiệp hàng đầu thế giới sử dụng các phần mềm của mình, chúng tôi đã đặt cho mình một mục tiêu rất lớn là đến ngày nào đấy, mình phải tự làm được những sản phẩm mà chúng tôi gọi là “make in Vietnam-made by FPT”.
Ngày hôm nay, chúng tôi đã bắt đầu làm được những sản phẩm thực sự thế giới đã phải dùng, thực sự những hãng công nghiệp, công nghệ hàng đầu thế giới đã phải dùng, nhưng vẫn còn rất nhỏ.
Bây giờ, đi ra nước ngoài, họ nhìn chúng tôi với con mắt tôn trọng hơn xưa rất nhiều, cách nói chuyện cũng khác, cách làm việc cũng khác, cách giao việc cũng khác. Thế nhưng dù sao, những người thuộc nhóm xuất sắc có thể ngang hàng với những kỹ sư với những chuyên gia tại Mỹ, Nhật Bản, Đức ở chúng tôi vẫn còn chưa nhiều. Có lẽ, chúng tôi phải chờ các bạn gen Z.
Nhà báo Phạm Huyền: Tập đoàn FPT là một đế chế về phần mềm và rất thành công. Nhưng với nhiều người dân, sản phẩm “Made in VietNam” thường nghĩ đến phải là một thứ gì đó trực quan như điện thoại, ô tô, máy tính. ..
Cách đây rất lâu, FPT cũng đã từng sản xuất máy tính. Vậy, tôi muốn hỏi, tại sao FPT lại không tiếp tục theo đuổi sản xuất sản phẩm phần cứng?
Ông Hoàng Nam Tiến: Điều thứ nhất, chúng tôi không sản xuất máy tính, chúng tôi chỉ lắp ráp máy tính. Điều vô cùng tự hào từ năm 2002 đến nay, đã được 20 năm, những chiếc máy tính Elead vẫn đến tay người dùng. Tôi vô cùng tự hào, tôi là người thiết lập nên máy tính Elead tại FPT.
Bây giờ, những máy tính mang thương hiệu Việt Nam đã biến mất hết.
Điều thứ hai, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đủ thông minh khi quyết định không sản xuất điện thoại. Những hãng vô cùng lớn, những tên tuổi như Nokia… cũng từ bỏ sản xuất điện thoại. Bởi vì họ nhận thấy không có một lợi thế cạnh tranh nào. Cách đây rất lâu chúng ta đã nhận ra điều này.
Còn nếu nói về phần cứng, tôi trả lời ngay: chúng tôi đang sản xuất chip, những con chip được các kỹ sư Việt Nam thiết kế, 100% kỹ sư Việt Nam thiết kế.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi được biết, FPT cũng có ô tô tự lái?
Ông Hoàng Nam Tiến: Không! Chúng tôi làm cho chiếc ô tô có thể tự lái được. Chứ chúng tôi hoàn toàn không có ý định sản xuất ô tô. Chúng tôi cần phải thử nghiệm những công nghệ liên quan đến xử lý IoT, Big Data, AI, xử lý hình ảnh tốc độ cao và nhiều hơn thế. Vì thế, chúng tôi làm chiếc ô tô tự lái là để thử nghiệm như vậy.
Thay vì chúng tôi trình bày từng công nghệ đơn lẻ chúng tôi quyết định đưa toàn bộ công nghệ đấy lên chiếc ô tô.
Tôi xin nhấn mạnh, chúng tôi không sản xuất ô tô mà chúng ta làm cho chiếc ô tô có thể thành không người lái.
Nhà báo Phạm Huyền: FPT luôn luôn khác biệt, không đi vào những gì thế giới đã quá thành công và tạo một sân chơi rất riêng và đặc biệt của mình.
Ông Hoàng Nam Tiến: Nói chính xác là không dám.
Nhà báo Phạm Huyền: Tôi có một thắc mắc rằng FPT Telecom cũng đang có một đối thủ cạnh tranh rất lớn là Viettel, VNPT. Vậy, là chủ tịch FPT Telecom, anh làm cách nào để có thể đối đầu với hai tập đoàn lớn này?
Ông Hoàng Nam Tiến: Hôm nay không ai nói chuyện đối đầu, người ta nói chữ đối thoại. Cũng không nói đấu tranh mà người ta nói hợp tác.
Nhưng cạnh tranh là có. Tất cả sự cạnh tranh này đều nhắm tới một điều. Đó là khách hàng, người sử dụng và người dân có lợi gì. Chắc chắn nhờ sự cạnh tranh chúng ta được gọi điện thoại rẻ hơn. Chắc chắn nhờ cạnh tranh mà ngày hôm nay Internet Việt Nam có tốc độ hàng đầu thế giới. Cái này không phải tôi nói mà cái này là báo cáo trên thế giới công bố.
Mức giá tại Việt Nam cũng thuộc loại nhóm mức giá rẻ. Nếu không có cạnh tranh sẽ không có chuyện đấy.
Nhà báo Phạm Huyền: Ngày xưa khát vọng về giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước rất lớn và hiện diện thành hào khí ở khắp nơi. Những chàng trai trẻ tuổi sẵn sàng ra trận dù có thể là chưa đến 18 tuổi.
Ngày nay thực sự mà nói chúng ta rất cần một hào khí như vậy. Mục tiêu đặt ra cũng đã rõ ràng. Việt Nam chúng ta bây giờ vẫn là nước đang phát triển và nếu đi ra nước ngoài đâu đó người ta vẫn nghĩ Việt Nam còn là một đất nước nghèo, một đất nước có đau thương chiến tranh. Vậy, theo anh, làm thế nào để có thể lan tỏa hào khí đó trong thời đại ngày hôm nay?
Ông Hoàng Nam Tiến: Nói chữ hào khí, nói về sứ mệnh thì câu chữ lớn quá. Tôi nói một chuyện rất là nhỏ thoát nghèo. Hiện nay GDP đầu người tại Việt Nam là khoảng hơn 4.000 USD. Thực sự, con số đó đáng tự hào bởi vì tăng rất nhanh.
Năng suất lao động của người Việt Nam đâu đó độ khoảng theo tôi nhớ là hơn 5.000 USD. Năng suất rất thấp. Tại FPT, đơn vị tiên phong của chúng tôi là công ty phần mềm FPT (FPT Software), năng suất lao động đã lên đến 42.000 USD, gấp khoảng 9 lần năng suất lao động trung bình.
Điều đấy muốn trả lời một câu hỏi, nếu chúng ta có đủ năng lực vươn ra toàn cầu, nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đủ thông minh, đủ giỏi, đủ kiến thức thì thực sự chúng ta có thể sánh vai được với các nước.
Hào khí hôm nay không phải nói chuyện câu chữ. Chúng ta phải làm ra sản phẩm, phải làm ra dịch vụ, phải làm ra tiền, được quy về tiền bằng với thế giới. Tất nhiên khoảng cách vẫn còn rất xa.
Nhưng chúng tôi có những đội ngũ tiên phong. Hàng nghìn, hàng chục nghìn bạn đang làm được điều đó. Nếu quay về cái gọi là sự lan tỏa, tôi nghĩ như thế này.
Năm nay đánh dấu con số rất đặc biệt, đó chính là xuất nhập khẩu Việt Nam vượt qua số 700 tỷ USD. Đó là một con số vô cùng ấn tượng. Chúng ta đã xuất khẩu sang quốc gia lớn nhất thế giới như Mỹ với 100 tỷ USD.
Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ không chỉ xuất khẩu những sản phẩm mà chúng ta đang làm như điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử do những hãng nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam, chúng ta không chỉ xuất khẩu những hạt gạo, những con tôm, rau xanh ra nước ngoài, chúng ta còn xuất khẩu được nhiều hơn thế.
Tôi muốn nói đến trí tuệ của người Việt Nam. Giờ này, không thể dùng chữ xuất khẩu nữa mà giờ này chúng ta phải nói về sự chinh phục.
Tôi muốn nhắc đến một hình ảnh mà chúng tôi luôn nói rằng ,chúng ta sẽ chinh phục thế giới mà không đổ máu. Ở đây, tôi muốn nhắc đến lời của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đến thăm FPT từ năm 1997.
Ông nhắc đại ý như thế này: Cái ngón tay có thể bóp cò súng AK, giờ này có thể dùng bàn phím. Cái tay mà cầm quả lựu đạn, giờ này cũng có thể nắm được con chuột máy tính. Trí tuệ ngày xưa dành để đánh giặc, ngày nay trí tuệ sẽ dùng để chinh phục thế giới.
Một câu chuyện từ rất lâu nhưng tôi nói thật khi đấy tôi vô cùng ấn tượng và tôi nghĩ rằng từ ngày đấy FPT chúng tôi đã đặt ra mục tiêu mà tiếng Anh gọi là “Go Global”, nghĩa là chinh phục thế giới. Ngày hôm nay tôi sẽ nói lại con số đó là đón nhân viên thứ 30.000 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm.
Nhà báo Phạm Huyền: 30.000 người là một con số lớn với một tập đoàn nhưng với một quốc gia chúng ta cần nhiều tập đoàn với con số 30.000 người làm việc như vậy.
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi thường xuyên gặp những bạn là cựu nhân viên của tôi và bây giờ đang là lãnh đạo, những nhà quản lý hàng đầu của gần 200 công ty phần mềm tại Việt Nam. Trong đó có những công ty đang có hàng nghìn bạn trẻ. Họ đã đi nhanh hơn cả FPT. Vì vậy, bạn hãy tin đi, còn rất nhiều các doanh nghiệp, các công ty các tập đoàn cũng sẽ tiếp tục đi chinh phục thế giới.
Nhà báo Phạm Huyền: Mỗi thế hệ đã kể một câu chuyện của riêng mình, ông nghĩ ở thế hệ này chúng ta sẽ kể câu chuyện như thế nào?
Ông Hoàng Nam Tiến: Năm 2045 nói có vẻ là xa, nhưng trong lịch sử đó là một khoảng cách rất ngắn. 20 năm chiến tranh là rất dài. 20 năm xây dựng kinh tế cũng rất dài. Nhưng quay đi quay lại đến nay, mới 30 năm trước, tôi là một cậu sinh viên mới ra trường và làm ở FPT và giờ, tôi cũng không nghĩ là đã 30 năm rồi.
Thành ra cái đích đến năm 2045 cũng rất nhanh và muốn đến 2045 chúng ta phải là đến 2025 rồi 2035. Và quan trọng hơn, chúng ta cần nói đến ngày mai chúng ta sẽ làm gì?
Nhà báo Phạm Huyền: Trở lại câu chuyện dự cảm. Anh có dự cảm chúng ta có thể lập nên một kỳ tích như Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không hay không?
Ông Hoàng Nam Tiến: Ngày hôm nay thế giới đã thay đổi. Chiến thắng không phải bằng 1 trận đánh. Ngày hôm nay sẽ gồm rất nhiều trận đánh, gồm rất nhiều thế hệ, rất nhiều doanh nghiệp và cả của Chính phủ. Chúng ta phải thắng ở rất nhiều thứ. Chúng ta thắng về làm chuyển đổi số. Chúng ta thắng về làm được các sản phẩm “make in VietNam”.
Chúng ta thắng bởi vì chúng ta làm được rất nhiều điều. Chúng ta thắng bởi vì rất nhiều nhà đầu tư vào việt Nam. Chúng ta thắng bởi vì chúng ta làm được nhiều hơn. Chúng ta thắng bởi vì hàng chục triệu khách du lịch sẽ vào Việt Nam. Chúng ta cũng thắng vì những khách du lịch đấy thường xuyên quay lại Việt Nam, chứ không phải chỉ đến và đi.
Nhà báo Phạm Huyền: Bên cạnh chuyên môn là một doanh nhân, một người làm công nghệ, anh còn là một người rất quen thuộc với công chúng ở nhiều chương trình trên truyền hình, cũng như diễn thuyết ở rất nhiều buổi giao lưu với các thế hệ trẻ.
Tôi muốn anh có thể rút lại một cách ngắn gọn, điều anh tâm đắc nhất muốn nói với thế hệ trẻ ngày hôm này là gì ?
Ông Hoàng Nam Tiến: Tôi muốn nói với chính tôi. Tôi rất hâm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Thủ trưởng của ba tôi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói một câu rất hay: “Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo”. Tôi cũng vậy. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ trở thành một thầy giáo. Tất cả những bài diễn thuyết. những buổi nói chuyện trên truyền hình như buổi hôm nay cũng là một cách tập luyện tốt nhất để tôi trở thành một thầy giáo.
Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn những chia sẻ hết sức ý nghĩa của anh. Những câu chuyện của anh là những câu chuyện khát vọng của Việt Nam trải qua nhiều thế hệ.
Mỗi thế hệ đều phải viết lên câu chuyện của mình và chúng ta hãy cùng anh Hoàng Nam Tiến, cùng các bạn thế hệ trẻ gen Z viết lên một câu chuyện Việt Nam hùng cường vào năm 2045.
Xin cảm ơn quý vị và độc giả đã theo dõi chương trình và xin hẹn gặp lại.
Thực hiện: Phạm Huyền - Thái Khang
Quay phim và dựng hình: Huy Phúc- Xuân Quý- Bạt Tuấn
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Nguyễn Ngọc