Chủ tịch nước phát biểu tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2015 sáng 19/1. Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ ấn tượng về những kết quả nổi bật của ngành, đáng lưu ý là tỷ lệ giải quyết các vụ án đạt cao (92,8%), án để quá hạn luật định, bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán đều giảm so với năm 2013, chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được nâng lên.
Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội hết sức quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Trong quá trình xét xử, khi phát hiện tội phạm mới đã tiến hành khởi tố tại tòa hoặc xem xét lại tội danh một số hành vi phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch nước cho rằng, nét mới là nhiều dự án tham nhũng lớn, xã hội hết sức quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trong quá trình xét xử. Khi phát hiện tội phạm mới đã tiến hành khởi tố tại tòa hoặc xem xét lại tội danh một số hành vi phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám đốc một số vụ án hình sự có đơn kêu oan, nhìn chung được dư luận đồng tình, hoan nghênh.
Chủ tịch nước cũng lưu ý bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan, chưa khắc phục triệt để án quá hạn luật định do lỗi chủ quan của Thẩm phán; vẫn còn một số bản án quyết định không rõ ràng, gây khó khăn cho việc thực hiện. Một số cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, trình độ năng lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...
Định hướng công tác ngành tòa án năm 2015, Chủ tịch nước nhấn mạnh tập trung thực hiện 4 giải pháp đột phá: tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa xét xử theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; đẩy mạnh việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của TAND các cấp.
Chủ tịch nước lưu ý trong quá trình xét xử, yêu cầu cao nhất là bảo đảm ra bản án, quyết định đúng pháp luật, mang lại công lý cho mọi người, không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Xử hàng loạt án lớn đặc biệt nghiêm trọng
Báo cáo tại hội nghị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, năm 2014, là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình. Ảnh:NTL |
Trong đó yêu cầu đặt ra cho các tòa án nói chung và TANDTC nói riêng cần tập trung làm tốt công tác tổng kết thi hành án các luật tố tụng tư pháp, Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan đặc biệt là luật tổ chức TAND năm 2002 để rà soát, đánh giá từ đó chủ trì hoặc tham gia sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp.
Trong năm qua, nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận quan tâm đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng nhu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước.
Điển hình là vụ án Vũ Việt Hùng, nguyên Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh khu vực Đắk Lăk - Đăk Nông cùng các đồng phạm phạm tội "nhận hối lộ" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Vụ án Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm phạm tội "tham ô tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", vụ án Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "trốn thuê", "kinh doanh trái phép"…
Thu Lý - Huy Phúc