Dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu hè, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân) vẫn hối hả chuẩn bị cho chuyến bay vận chuyển quân, khí tài thiết bị phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Dưới cái nắng đến 33 độ C, hàng chục cán bộ, chiến sĩ đang tích cực chuẩn bị cho chuyến bay
Mọi công tác chuẩn bị đều được tổ kỹ thuật chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bay
Trong chuyến bay này, Thượng tá Đỗ Văn Lành - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân) trực tiếp cầm lái chiếc Casa C295 - máy bay vận tải hiện đại, lớn nhất của Không quân nhân dân Việt Nam.
Sau khi tiếp nhận máy bay từ tổ kỹ thuật, Thượng tá Đỗ Văn Lành kiểm tra kỹ lưỡng chiếc C295. Với đặc thù địa hình của thành phố Điện Biên Phủ khá phức tạp, có độ cao trung bình 481m, xung quanh lòng chảo có độ cao trung bình của núi 1.400m, khí hậu liên tục thay đổi, buổi sáng thường có sương mù dày gây ảnh hưởng đến tầm nhìn nên phi công và tổ bay phải được học tập kỹ về địa hình, điều kiện khí tượng.
Thượng tá Đỗ Văn Lành cùng tổ bay đã có buổi họp nhanh ngay dưới cánh bay C295. Các đặc điểm về đường bay, khí tượng... được vị cơ trưởng lưu ý tổ bay.
Đặc biệt hơn, thời điểm này, tại sân bay Điện Biên thường xuyên xảy ra hiện tượng mù khô, gió thổi ngang mạnh nên khi điều khiển máy bay, các phi công phải hết sức tập trung.
Thượng tá Đỗ Văn Lành tiếp thu máy bay C295 sau khi tổ kỹ thuật kiểm tra
Dưới cánh máy bay C295, tổ bay có buổi họp nhanh về điều kiện khí tượng tại sân bay Điện Biên
Theo Thượng tá Đỗ Văn Lành, sau khi nhận nhiệm vụ thiết lập cầu hàng không từ sân bay Gia Lâm đến sân bay Điện Biên phục vụ cho Lễ kỷ niệm, đơn vị xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cũng là vinh dự rất lớn. Từ đầu tháng 3, Lữ đoàn đã trực tiếp xây dựng kế hoạch và ra chỉ thị cho tất cả cán bộ chiến sĩ nghiên cứu, làm công tác chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
"Lữ đoàn đã tổ chức 4 ban bay huấn luyện với 7 chuyến cho tất cả tổ bay, đặc biệt là các phi công lái chính tới sân bay Điện Biên", Thượng tá Đỗ Văn Lành cho biết.
Đến thời điểm này, Lữ đoàn đã thực hiện hàng chục chuyến bay, chở hàng trăm người và nhiều tấn khí tài, thiết bị đến Điện Biên.
Đây là lần đầu tiên Lữ đoàn Không quân vận tải 918 thực hiện trọng trách thiết lập cầu hàng không, các loại máy bay làm nhiệm vụ gồm: Casa C 295 và NC-212i.
"Mỗi ngày chúng tôi có thể thực hiện từ 2- 4 chuyến bay, chở được đến 320 người và hàng chục tấn khí tài, trang thiết bị khi được yêu cầu", Thượng tá Đỗ Văn Lành thông tin.
Dù gắn bó với cánh bay và bầu trời gần 30 năm nhưng mỗi chuyến bay tới sân bay Điện Biên, Thượng tá Đỗ Văn Lành lại có những cảm xúc rất riêng.
"Không chỉ với lực lượng Không quân, trực tiếp là những phi công làm nhiệm vụ mà với đồng bào, chiến sĩ cả nước thì trong những ngày tháng 5 lịch sử này, tất cả đều hướng về Điện Biên", vị Lữ đoàn trưởng chia sẻ.
Thượng tá Đỗ Văn Lành nhấn mạnh: “Là phi công, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng phải tập trung vào nhiệm vụ nhưng khi bay đến vùng trời Điện Biên, tiếp cận đường băng và hạ cánh an toàn thì niềm tự hào về lịch sử hào hùng của ông, cha lại trào dâng”.
Vị Lữ đoàn trưởng dạn dày kinh nghiệm với hàng nghìn giờ bay tâm sự, ông không chỉ ấn tượng với chuyến bay đầu tiên khi học trong nhà trường mà mỗi chuyến bay, mỗi vùng đất đều để lại những cảm xúc rất riêng.
"Tôi nhớ mãi chuyến bay ra quần đảo Trường Sa, khi hạ cánh xuống đường băng, quân và dân trên đảo ra vẫy chào thì cảm xúc trong tôi dâng trào. Đến giờ, khi thực hiện những chuyến bay ra đảo, tôi vẫn bồi hồi và cảm thấy vinh dự, tự hào", Thượng tá Đỗ Văn Lành nói.
Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918 cũng trải lòng, ông đã bay qua rất nhiều loại, từ sơ cấp là chiếc AN-2 đến máy bay chiến đấu, máy bay vận tải hiện đại. Ông quan niệm, không có loại nào là bay dễ dàng hay khó khăn. Phi công khi ngồi lên máy bay từ khâu chuẩn bị đến hiệp đồng, thực hành, rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến phải thể hiện được vai trò của mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm và kỷ luật để đạt được chuyến bay an toàn, đúng kế hoạch đề ra.
Đối với Thượng tá Đỗ Văn Lành, phi công không chỉ đơn thuần là cái nghề, cái nghiệp mà còn là thứ gì đó vô cùng lớn lao mà vị Lữ đoàn trưởng này sẽ còn gắn bó lâu dài để đưa những chuyến bay của Không quân Việt Nam bay cao, vươn xa cùng với nhiều loại máy bay hiện đại hơn nữa.
Bài và ảnh: Đình Hiếu
Video: Kiều Oanh, Nguyễn Đức
Thiết kế: Minh Hòa