Dọc theo miền cát trắng từ Đồng Hới về xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), rẽ vào vườn cây xanh mát tới căn nhà đơn sơ, chúng tôi gặp được cô Thới, cô Sam - thành viên Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng thời chống Mỹ…
Những năm 1967-1968, xã Ngư Thủy tiếp giáp với vùng đất giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị), là địa đầu miền Bắc tiếp tế cho miền Nam nên thường xuyên hứng chịu những trận thả bom, bắn phá của hải quân Mỹ.
Được thành lập vào ngày 20/11/1967, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng biển quê hương, bắn cháy tàu địch hoặc đuổi chúng ra xa bờ. Ban đầu, Đại đội gồm 37 cô gái tuổi từ 14-20, trú ở 3 xã miền biển Ngư Hòa, Hải Thủy, Ngư Thủy của huyện Lệ Thủy.
Đại đội biên chế thành 3 trung đội, 1 trung đội chỉ huy và 2 trung đội trận địa; được trang bị 4 khẩu pháo 85 ly có thể bắn mục tiêu xa 15km, 4 xe kéo pháo và một số phương tiện máy móc, súng ống. Để đánh địch có hiệu quả, Đại đội đã xây dựng trận địa cơ động dọc theo 22km bờ biển của xã.
Trong quá trình hoạt động, Đại đội luân phiên và bổ sung thêm quân số lên 91 người. Người dân địa phương trìu mến gọi Đại đội pháo binh là “Xê gái”.
Cô Ngô Thị Thanh Thới năm nay 75 tuổi, tham gia Đại đội lúc 17 tuổi với vị trí Kế toán số 1 bàn đạc. Cô kể, khi đó phần lớn chị em chỉ vừa rời ghế phổ thông, người trình độ văn hóa cao nhất mới đến lớp 7, thấp nhất là lớp 5. Có người mới 14 tuổi nhưng đã khai thêm tuổi để được chiến đấu.
“Con gái mới lớn, lần đầu thấy khẩu pháo toàn sắt thép không khỏi ớn lạnh. Nhưng chúng tôi học ngày học đêm tại trận địa để sớm làm chủ khẩu pháo”, cô Thới nhớ lại.
Những cô gái chân yếu tay mềm, văn hóa lại chỉ từ lớp 5, lớp 7, vậy mà phải tập sử dụng những khẩu pháo 85 ly nòng dài, trinh sát phải học tính toán cự ly, xác định tọa độ, kế toán phải học tính toán cho pháo thủ lấy thước tầm, độ hướng…
“Cứ một hòm gỗ thông thì chứa quả đạn pháo, mỗi quả nặng 16kg, khóa nòng 32kg, cộng thêm vỏ hòm phải tới 70kg, phải 2 người đàn ông khiêng vác mới nổi, thế mà chị em cứ vác như không”, cô Thới kể.
Họ đã vượt qua bao khó khăn, gian khổ. Qua 1 tháng huấn luyện bố trí trận địa trên bờ, bắn mục tiêu trên biển, hợp đồng tác chiến, họ đã sử dụng thuần thục các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh, sẵn sàng chiến đấu.
Chỉ hơn 2,5 tháng từ ngày thành lập, đến 7/2/1968 (tức ngày 10 Tết Mậu Thân), dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Ngô Thị The và Chính trị viên Trần Thị Thản, các nữ pháo thủ đã bám sát trận địa, mắt không rời mục tiêu, mặc cho bom rơi đạn nổ trên đầu.
Và rồi chiến công đã đến ngay từ trận đầu. Khi mục tiêu chỉ còn cách tầm bắn 13km, Đại đội nhận lệnh bắn từ Đại đội trưởng, đồng loạt bắn vào tàu giặc.
Khi bắn phát đầu tiên, địch đã phát hiện được vị trí của phía ta, chúng cho tàu chiến bắn pháo, máy bay địch từ trên cao ném bom xuống, đen mù mịt không thấy gì. Nhưng chị em vẫn quyết tâm bám sát trận địa không rời mục tiêu. Với 3 loạt đạn, chỉ trong vòng 7 phút đã bắn trúng tàu địch, chiếc tàu chiến Mỹ mang số hiệu 013 bốc cháy...
Trong 100 ngày đầu năm 1968, Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy bắn trúng 3 tàu khu trục Mỹ, tạo tiếng vang lớn. Mảnh đất Quảng Bình hẹp bề ngang, việc bắn được tàu chiến Mỹ buộc chúng ra xa bờ biển đã giúp cho nhiều vùng trọng yếu được an toàn.
Với những chiến công vang dội, Đại đội được Bác Hồ tặng giấy khen và huy hiệu, trở thành một trong những đơn vị dân quân đầu tiên trên vùng biển ở miền Bắc nước ta lập được nhiều chiến công xuất sắc. Tiếp đó, vào năm 1972, Đại đội đã bắn cháy thêm 2 tàu chiến Mỹ.
10 năm chiến đấu ròng rã (1967 - 1976), họ đã làm nên những chiến tích hào hùng. Ngày 25/8/1970, Đại đội được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng huân chương Quân công hạng ba, huân chương Chiến công hạng nhất, cả 37 nữ pháo binh Ngư Thủy đều được phong tặng anh hùng…
Nhờ việc nghi binh và ngụy trang khéo léo, trong 10 năm, Đại đội chỉ bị bắn trúng một lần vào năm 1972. “Rất may, cả Đại đội không ai hy sinh, chỉ bị thương”, cô Ngô Thị Sam (72 tuổi) cho biết.
Cô Sam lúc 15 tuổi đã khai thêm 1 tuổi để được tham gia Đại đội chiến đấu với vị trí trinh sát pháo binh. “Sau những trận đánh, nhiều pháo thủ ù đặc cả tai, rỉ máu do nghe tiếng nổ lớn và sức ép”, cô kể. Cô Sam vẫn nhớ mãi sự cố hóc nòng pháo mà các thành viên chưa từng biết trong khi huấn luyện lại xảy ra lúc thực chiến. Nhưng bằng sự bình tĩnh, quả cảm, quyết tâm, họ đã vượt qua.
Rồi cứ ngày 2 lần, các chị em lại phải chặt cây lá ngụy trang cho khẩu pháo. Làng bị máy bay Mỹ thả bom napan, bom bi hủy diệt, nhà cửa cháy rụi nhưng “Xê gái” vẫn bám trụ giữa lòng nhân dân, vẫn bắn cháy tàu chiến Mỹ.
Trong những ngày chiến đấu gian khổ ác liệt, vẫn vang lên tiếng cười, tiếng hát lảnh lót của các chị em át đi bom rơi đạn lạc.
Ngày 16/12/1977, sau khi làm tròn sứ mệnh vẻ vang, Đại đội chuyển sang nhiệm vụ mới là lực lượng dân quân thời bình vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu.
- Kỳ tới: Cuộc gặp giữa Chủ tịch Fidel với ‘anh hùng toàn những gái xuân xanh’
Hiền Anh - Ảnh: Bạch Hân
Thiết kế: Phạm Luyện