- Lần đầu đảm nhiệm vai trò chỉ huy Hòa nhạc Quốc gia 'Điều còn mãi' do báo VietNamNet phối hợp với công ty IBgroup tổ chức. Anh có áp lực gì khi chương trình đã mang dấu ấn quá lớn của nhạc trưởng Lê Phi Phi từ ngày đầu?
Ngày 2/9 mọi năm tôi thường ở nước ngoài. Trước đó, tôi học ở Thượng Hải (Trung Quốc) 9 năm và chỉ có thể theo dõi Điều còn mãi qua mạng. Khi về Việt Nam, quãng thời gian đó tôi lại hay phải đưa các đoàn nghệ thuật đi giao lưu quốc tế hay tham gia những chương trình biểu diễn ngoại giao. Cảm giác không được ở nhà trong ngày Quốc khánh khá trống trải và tôi phải theo dõi chương trình từ xa.
Do vậy, khi nhận được lời mời từ BTC Điều còn mãi, tôi từ chối nhiều cơ hội lưu diễn ở nước ngoài để tham gia bởi ước muốn lâu nay của mình đã thành hiện thực.
Về chuyên môn, tôi không nghĩ tham gia Điều còn mãi là một thử thách lớn bởi nhiệm vụ phải làm tốt dù khó đến mấy. Tôi nghĩ Giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng và BTC sẽ đảm nhiệm phần khó hơn bởi họ phải vượt qua được các chương trình thành công trước đó cả về chất lượng và ý tưởng. Tôi đã làm việc nhiều với nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và biết đó là một người cực kỳ khắt khe về chất lượng âm nhạc.
Chính vì vậy tôi cũng phải thật chuẩn chỉ từng chi tiết khi làm việc với dàn nhạc và các nghệ sĩ để âm nhạc truyền tải được đúng ý tưởng của tác giả nguyên gốc lẫn tác giả phối khí, nhằm mang tới những tác phẩm vừa có niềm tự hào quá khứ, vừa mang hơi thở mới của thời đại.
- Hủy bỏ lịch trình đi nước ngoài để chỉ huy Hòa nhạc quốc gia 'Điều còn mãi' trên sân khấu Nhà hát Lớn đúng dịp Quốc khánh, chắc hẳn anh chờ đợi và kỳ vọng lớn lao ở sự kiện này?
Bao giờ tôi cũng đặt Tổ quốc lên trên hết. Khi tốt nghiệp ở Thượng Hải, tôi nhận được nhiều lời mời từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Nhật Bản... và thực sự là có nhiều đề nghị rất hấp dẫn. Nhưng tôi vẫn quyết định quay về đất nước đã cử tôi đi học và Việt Nam cần tôi hơn. Mình là người Việt phải trở về phục vụ đất nước. Tổ quốc sinh ra mình, cho nhiều cơ hội học tập và biểu diễn, cũng là nơi có bạn bè và các mối quan hệ thân thiết.
Thực sự đến bất cứ đâu trên thế giới, khi nói là người Việt Nam, tôi đều được quý mến. Tất cả những yếu tố để họ yêu Việt Nam chính là lịch sử tuyệt vời, cả nền văn hóa cũng như âm nhạc. Khi biểu diễn ở nhiều quốc gia, khán giả nghe nhạc Việt đều thán phục nên tôi càng thấy không thể xa rời dân tộc.
- Nhờ chuyến du học, anh có cơ hội gặp được người bạn đời. Mối lương duyên nào để chàng trai Việt Nam có thể cưa đổ một cô gái tài năng, xinh đẹp của Trung Quốc?
Đến hôm nay, chúng tôi đã bên nhau được 17 năm. Ban đầu là bạn học cùng khoa ở Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc). Cô ấy học chuyên ngành sáng tác âm nhạc và viết một bản hòa tấu các nhạc cụ dân tộc Trung Quốc.
Cô ấy được bạn bè giới thiệu cho tôi - một sinh viên năm thứ 2 học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc nhưng am hiểu về nhạc cụ dân tộc và hay kết hợp với giao hưởng. Cô gái ấy hết sức tin tưởng vào Đồng Quang Vinh và tôi cũng giúp đỡ Mạc Song Song bằng khả năng của mình. Trong quá trình hợp tác, chúng tôi cảm mến. Tôi nghĩ đó chữ duyên đến từ âm nhạc và sự tương đồng về văn hóa của hai nước láng giềng.
Vì là đàn ông nên tôi lúc nào cũng nghĩ tới việc làm sao để kinh tế ổn định để tổ ẩm được sung túc. Do vậy, khi mới về Việt Nam năm 2013 gặp khó khăn, đôi lúc tôi cũng nghĩ sẽ tới Thượng Hải hoặc Bắc Kinh tìm kiếm cơ hội. Chính vợ tôi khuyên tôi hãy ở lại Việt Nam tiếp tục công việc.
Thật hạnh phúc khi ngoài Việt Nam, tôi có thể đến khắp nơi trên thế giới biểu diễn. Ngoài ra, mình lại có bà xã người nước ngoài nhưng rất yêu quê hương của chồng.
Chúng tôi cùng lập ra một dàn nhạc tre nứa mang tên Sức Sống Mới vào năm 2013 sau khi vừa trở về từ Thượng Hải, tiếp nối truyền thống ban nhạc gia đình Tre Việt và một dàn hợp xướng quốc tế mang tên Hanoi Voices với thành viên đến từ nhiều quốc gia vào năm 2016.
Sau 10 năm phát triển, chúng tôi thành lập Dàn nhạc dân tộc Sức Sống Mới vào năm 2022 với quy mô lớn hơn, thành viên toàn là những sinh viên học chuyên ngành nhạc cụ truyền thống với mong ước quảng bá về hoà tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đồng thời cũng mang lại sân chơi mới cho những người trẻ tuổi yêu nhạc dân tộc.
- Theo truyền thống "thuyền theo lái, gái theo chồng" nhưng anh có khó khăn khi thuyết phục bà xã những ngày đầu về Việt Nam cùng mình?
Không có quá nhiều sự thuyết phục. Mạc Song Song hiểu tôi là một người được Nhà nước cử đi học nên động viên tôi quay lại Việt Nam. Mặc dù lúc đó có nhiều lời mời và hứa hẹn nếu ở lại sẽ được cấp nhà hay có ngay hộ khẩu Thượng Hải rất thuận lợi nhưng cô ấy quyết định về Việt Nam với tôi. Tình yêu và sự tin tưởng của Mạc Song Song cho tôi niềm hạnh phúc cũng là động lực để làm việc và cống hiến.
- Vợ anh gặp khó khăn gì những ngày đầu khi phải thích nghi với văn hóa, lối sống ở quê chồng?
Khó khăn cũng có, chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Trung là chính nên tiếng Việt của cô ấy gần như là con số 0. Cuối cùng vợ tôi phải bỏ công ra học rất nhiều mới quen được tiếng Việt và giờ có thể quản lý các nhóm nhạc ở đây.
- Anh chị đều chơi nhạc, vậy các con thì sao? Các bé có thiên hướng đi theo nghề của bố mẹ?
Tôi may mắn khi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm nghệ thuật nên được ưu ái trong các chương trình văn nghệ của trường. Thêm vào đó gia đình cũng hay được mời đi nước ngoài biểu diễn. Do vậy khi bọn trẻ sinh ra, chúng tôi hướng cho các con đến nhạc cụ ngay từ nhỏ.
Tháng 9 năm ngoái, các bé dù mới 5 và 8 tuổi nhưng đã theo bố mẹ biểu diễn ở Mông Cổ. Tháng 3/2023, cả nhà đi Kuwait tham dự một sự kiện do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp của Bộ VHTT&DL tổ chức. Cứ có cơ hội là vợ chồng tôi lại đưa các con đi biểu diễn.
- Hiện hai con chơi nhạc cụ gì? Anh chị có định thành lập 1 dàn nhạc gia đình?
Bình thường các bạn học đàn piano do mẹ dạy nhưng khi tham gia lưu diễn ở nước ngoài thì chơi nhạc cụ dân tộc như sáo trúc, đàn T'rưng... Cả nhà cùng biểu diễn nên cũng có thể tạm gọi là dàn nhạc gia đình rồi.
Từ nhỏ, tôi được bố mẹ đưa đi biểu diễn ở Nhật Bản, Pháp, Úc với tư cách là thành viên ban nhạc gia đình và thấy sự tuyệt vời khi có cơ hội ra nước ngoài quảng bá văn hoá Việt. Do vậy, tôi quyết tâm nối tiếp truyền thống tuyệt vời và niềm đam mê này tới các con cùng những thế hệ sau.
- Sau 'Điều còn mãi', tháng 10 anh sẽ chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nhật trong sự kiện đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đây có phải là chương trình lớn nhất và quy mô nhất ở nước ngoài anh từng tham gia chỉ huy?
Để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam, đồng thời tưởng niệm những nạn nhân đã mất 13 năm trước do động đất và sóng thần, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức chuỗi hòa nhạc cổ điển tại 6 thành phố lớn của của Nhật.
Chuỗi hòa nhạc mà tôi sẽ chỉ huy Dàn nhạc Dream Orchestra với thành viên là những nghệ sĩ xuất sắc được lựa chọn từ những dàn nhạc giao hưởng trên phạm vi toàn quốc của Nhật Bản và Việt Nam. Đây là chương trình lớn và quy mô nhất ở nước ngoài tôi tham gia chỉ huy.
Họ đã từng chinh chiến với nhiều 'cao thủ' quốc tế trên nhiều sân khấu của thế giới. Tôi thật may mắn và vinh dự được Chính phủ Nhật Bản lựa chọn là nhạc trưởng Việt Nam đầu tiên chỉ huy tại những phòng hòa nhạc lớn nhất Nhật Bản như Suntory Hall ở Tokyo, Takasaki Arts Theatre ở Gunma, Maruhon Maki Art Terrace ở Ishino Maki, Fukishima Music Hall… Thậm chí, buổi hòa nhạc cuối cùng sẽ biểu diễn trong chùa Todaiji tại Nara, tôi cảm thấy thật tự hào.
Nhưng bên cạnh vinh dự và tự hào, cũng là áp lực rất lớn vì Nhật Bản là một đất nước có truyền thống về âm nhạc cổ điển, nhiều dàn nhạc giao hưởng Nhật Bản thuộc top thế giới và chất lượng sánh ngang với các nước Âu - Mỹ. Các nghệ sĩ Nhật Bản nổi tiếng ở tính chính xác, chi tiết và chuẩn chỉ trong từng nốt nhạc và âm nhạc của họ rất sâu.
Đại diện cho Việt Nam sẽ phải làm việc hết mình để đồng nghiệp và khán giả Nhật Bản có được cái nhìn thật đẹp về con người Việt Nam. Đứng ở vị trí nhạc trưởng, tôi còn chuẩn bị kỹ hơn và phải đi trước các nhạc công một bước.
Đặc biệt lần này, tôi không chỉ đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc giao hưởng với những nghệ sĩ đến từ hai đất nước mà còn mang Dàn nhạc dân tộc Sức Sống Mới tới Nhật Bản tham gia biểu diễn. Sức Sống Mới sẽ biểu diễn mở màn trong tất cả những buổi hòa nhạc, mang tới cho khán giả âm hưởng và phong vị của các dân tộc Việt Nam từ khắp vùng miền trên dải đất hình chữ S.
Tôi nghĩ sự sắp đặt này của chương trình thật tuyệt vời vì nó kết hợp được tinh thần dân tộc của cả hai đất nước, làm cho khán giả hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam một cách toàn diện hơn.
Bài: Mỹ Anh
Ảnh: Tuyến Híp, NVCC
Thiết kế: Minh Hoà