Trong số ứng viên đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2021, TS. Lê Văn Lịch (sinh năm 1988), giảng viên Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là người trẻ nhất.
Anh là cựu sinh viên ngành Cơ-Điện tử của trường, tốt nghiệp thạc sĩ tại đây, sau đó làm nghiên cứu sinh tại ĐH Kyoto (Nhật Bản). Hướng nghiên cứu của anh trong thời gian qua tập trung vào việc phát triển và sử dụng phương pháp mô phỏng số pha-trường (phase field model) để nghiên cứu các tính chất cơ học và vật lý của vật liệu.
Năm 2017, sau 3 năm làm nghiên cứu sinh và 1 năm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhật Bản, giữa lúc sự nghiệp đang khởi sắc, nhiều người bất ngờ khi Lịch có ý định trở về Việt Nam.
“Nhiều người hay hỏi tôi về lý do cho quyết định này. Thực ra, trong 1 năm trước đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về hướng đi tiếp theo của mình. Tôi cho rằng, việc ở lại một nơi quá quen thuộc sau khi tốt nghiệp – công việc có thể tiếp diễn thuận lợi hơn - có một bất lợi lâu dài là dễ đi vào lối mòn trong việc tiếp cận các chủ đề nghiên cứu mới. Theo thời gian, hướng nghiên cứu có thể sẽ dần bị bó hẹp. Do đó, tôi mong muốn có một bước chuyển giao để thử thách bản thân và tìm ra hướng nghiên cứu độc lập”.
Thực tế, ở thời điểm đó, có nhiều thông tin tuyển dụng vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ gần với lĩnh vực nghiên cứu của Lịch tại một số nước phát triển khác như Mỹ, Anh, Đức,… Trước nhiều ngã rẽ, anh đã bày tỏ trăn trở này với giáo sư hướng dẫn của mình tại Nhật Bản (GS. Takayuki Kitamura).
“Khi ấy, thầy đã chia sẻ với tôi rằng, mỗi người rồi sẽ chọn cho mình một nơi để cống hiến toàn bộ năng lượng và khả năng của bản thân. Trước đây, thầy lựa chọn ở lại Nhật dù đã từng có thời gian làm việc tại NASA (Mỹ) vì thầy cảm thấy những đóng góp của mình tại đây có nhiều ý nghĩa hơn. Câu nói ấy đã khiến tôi suy nghĩ nhiều”.
Cùng thời điểm ấy, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang có chỉ tiêu tuyển dụng giảng viên. Không đắn đo, anh quyết định quay trở về tại chính ngôi trường mà mình đã từng trưởng thành.
Anh thừa nhận, trước khi quyết định quay trở về, bản thân anh cũng đã phải tính toán rất kỹ càng, thậm chí còn chuẩn bị sẵn một khoản tiền tiết kiệm, phòng trường hợp khó khăn trong thời gian đầu khi về nước, vấn đề về tài chính sẽ không tạo thêm rào cản cho các công việc khác. Anh cũng từng bay về Việt Nam một vài lần để tìm hiểu trước điều kiện làm việc cũng như môi trường nghiên cứu.
Anh Lịch cho rằng, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong nước đang tạo nhiều điều kiện và chính sách tốt nhằm thu hút những nhà khoa học trẻ có năng lực đang ở nước ngoài trở về nước làm việc. Do đó, trong giai đoạn này, việc trở về nước để tiếp tục làm nghiên cứu khoa học cũng là một lựa chọn đáng được cân nhắc, tất nhiên, phải dựa trên những đánh giá đúng mực về khó khăn và cơ hội trong từng lĩnh vực cụ thể.
Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ càng, nhưng bản thân anh vẫn gặp phải những “khoảng hẫng”.
“Năm đầu tiên khi trở về nước có lẽ là quãng thời gian khó khăn nhất. Khi đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang trong giai đoạn chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, do đó, các chính sách hỗ trợ giảng viên mới tuyển dụng chưa được nhiều như bây giờ. Tôi nhớ, sinh hoạt phí mình phải dùng bằng tiền tiết kiệm từ trước. Sau đó, cứ nhận được 2 – 3 tháng lương, tôi lại gom góp vào mua một chiếc máy tính để xây dựng nhóm nghiên cứu”.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất nằm ở việc làm thế nào để tìm ra được một hướng nghiên cứu độc lập.
“Tiếp tục duy trì hướng nghiên cứu của thầy hướng dẫn trước đây, thực ra cũng thuận lợi vì chủ đề nghiên cứu vẫn còn nhiều, nhưng tôi cho rằng nếu tiếp tục theo định hướng đó thì bản thân mình khó có được những bước tiến đáng kể trong nghiên cứu khoa học”.
Vì thế, trong cả năm 2018, anh đã dành nhiều thời gian để tìm kiếm những hướng nghiên cứu mới. Ngoài ra, anh cũng tham gia hợp tác với các nhóm nghiên cứu khác. Áp lực công việc cùng với việc nghỉ ngơi không khoa học đã khiến sức khỏe của Lịch giảm sút nghiêm trọng, và cần nhiều thời gian sau đó để hồi phục.
“Sau biến cố ấy, tôi nhận ra rằng mình cần phải tìm ra một hướng đi phát triển bền vững hơn”, PGS. Lịch nhớ lại.
Một năm sau, nhóm của PGS. Lịch bắt đầu xin được đề tài nghiên cứu, triển khai hợp tác với một số doanh nghiệp và nhận được một số hỗ trợ quý giá từ đơn vị chủ quản. Anh cũng tìm ra hướng nghiên cứu riêng biệt liên quan đến phương pháp mô phỏng số pha-trường, cũng là hướng đi anh vẫn đang tiếp tục theo đuổi và phát triển.
Đây là hướng nghiên cứu mới ở cả Việt Nam và trên thế giới ở thời điểm hiện tại. Gần đây, một số nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực Cơ học vật liệu ở trong nước cũng bắt đầu tiếp cận tới phương pháp này. Tuy nhiên, hướng đi của nhóm PGS. Lịch giải quyết bài toán đặc thù hơn, tập trung vào các vật liệu đa chức năng.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm của PGS. Lịch vẫn tiếp tục phát triển phương pháp mô phỏng số pha-trường bởi anh nhận ra, đây là một hướng nghiên cứu còn nhiều khoảng trống và cũng là một công cụ mạnh, hữu ích để nghiên cứu nhiều hiện tượng vật lý xảy ra trong vật liệu mà các phương pháp thực nghiệm hiện nay nhiều khi chưa quan sát được.
Anh Lịch cũng mong muốn được cùng các nhà khoa học khác trong nước hợp tác, xây dựng được cộng đồng “phase field” Việt Nam lớn mạnh thay vì duy trì các hướng nghiên cứu nhỏ lẻ như hiện tại.
Anh cho rằng, hiện nay, việc cạnh tranh về thứ hạng của các trường đại học một mặt giúp các trường thấy được những điểm thiếu sót để hoàn thiện, nhưng ở một mặt khác vô tình tạo ra xu hướng cục bộ hóa trong nghiên cứu. Vì vậy, điều anh mong muốn là các nhà khoa học trong lĩnh các lĩnh vực gần triển khai được nhiều hợp tác hợp lực để tạo ra được kết quả và sản phẩm nghiên cứu có giá trị hơn, phục vụ cho lợi ích của cộng đồng.
Tất nhiên, điều này cần nhiều thời gian, công sức, và sự nhẫn nại của các nhóm nghiên cứu để thực sự hiểu rõ năng lực của nhau và tìm ra được mối quan tâm chung, nhưng PGS. Lịch cho rằng, “nếu không bắt tay vào làm luôn thì sẽ còn rất lâu nữa mới có thể hình thành một cộng đồng khoa học như thế”. Thực tế, hiện nay, số lượng chuyên gia trong từng lĩnh vực hẹp không nhiều. Điều này tạo ra trở ngại đáng kể cho sự phát triển của khoa học trong nước.
Song song với việc mở rộng quy mô hoạt động nghiên cứu của nhóm và hướng đến những sản phẩm khoa học có giá trị, một mục tiêu khác anh dành nhiều thời gian chính là việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, trong đó mục tiêu cụ thể hơn là đưa sinh viên ngay từ năm nhất được tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Điều này tôi đã rút ra được từ chính trải nghiệm của bản thân. Trong môi trường học tập ở cấp 3, các em học sinh được gia đình và thầy cô quan tâm sát sao, nhưng khi lên đại học các em được yêu cầu sự chủ động cao hơn, đôi khi phải tự đưa ra nhiều quyết định quan trọng dù chưa được đào tạo cho những việc này”.
Anh Lịch nhớ lại câu chuyện của chính mình – một cậu sinh viên quê Ninh Bình cũng từng “lạc đường” trong suốt quãng thời gian năm nhất. Nhưng rồi, một số biến cố gia đình xảy đến đã khiến anh phải suy nghĩ lại mọi thứ.
“Điều may mắn nhất với tôi là ở thời điểm đó, một số thầy trong khoa cũng mới về nước và thành lập ra các nhóm nghiên cứu. Cuối năm 2008, tức khoảng năm thứ 3 đại học, tôi được tham gia vào nhóm nghiên cứu liên quan đến Cơ học vật liệu. Việc nghiên cứu khiến tôi cảm thấy thích thú. Quãng thời gian ấy cũng đã giúp ích rất nhiều cho hành trình nghiên cứu khoa học của tôi sau này”.
PGS. Lịch cho rằng, đào tạo con người luôn là việc cần nhiều thời gian và nỗ lực của cả thầy và trò, do đó, cần thiết để tạo cơ hội cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học từ sớm.
“Tất nhiên, lúc tuyển sinh viên tham gia vào nhóm nghiên cứu của mình, tôi không đặt nặng việc các em phải tạo ra một kết quả nghiên cứu mới. Điều tôi mong muốn là các em sẽ được học tập trong một môi trường làm việc, nghiên cứu nghiêm túc, được tiếp xúc sớm với các công việc thực tế ở các doanh nghiệp sản xuất, từ đó học hỏi được những kỹ năng làm việc và có kỹ năng để tự rèn luyện, phát triển năng lực bản thân, chuẩn bị cho những quyết định lựa chọn công việc sau này”, PGS. Lịch nói.
Quay trở lại với “niềm vui đầu năm” khi trở thành phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2021, PGS. Lê Văn Lịch cho rằng, điều quan trọng nhất đối với một người làm nghiên cứu khoa học là các kết quả nghiên cứu có tác động gì tới lĩnh vực chuyên môn và tạo ra được giá trị tích cực gì đối với cộng đồng và xã hội.
“Tính cạnh tranh trong khoa học vốn rất khắc nghiệt. Tôi hiểu được rằng khi mình đang cố gắng thì nhiều người khác còn cố gắng và nỗ lực nhiều hơn.
Tôi trân trọng và ngưỡng mộ những người luôn dành hết tâm lực, trí lực và sức lực cho công việc nhằm mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội. Điều này cũng tạo nhiều động lực cho tôi tiếp tục cố gắng trên con đường đã chọn để đem lại những đóng góp có ý nghĩa cho cộng đồng”.
Thúy Nga
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Phương Thu