Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện có 5 dân tộc dưới 1.000 người là Si La, Ơ Đu, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu.

Đồng bào dân tộc Si La hiện cư trú tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải nằm cách trung tâm huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên gần 30 km.

Cũng như nhóm dân tộc thiểu số còn rất ít người, cộng đồng người Si La luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển quyền con người khi mà tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2 – 4 lần so với các nhóm dân tộc khác.

Rào cản đối với sự phát triển KT-XH và sự phát triển bền vững vùng DTTS, gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc là những hạn chế về chất lượng dân số thấp.

Nhiều năm qua, cũng như các cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người, đồng bào Si La đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước

Nghị quyết số 21-NQ/TW nêu rõ: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân… Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển”.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Trong chương trình hành động, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Bảo vệ và phát triển các DTTS, đặc biệt dân tộc dưới 10 nghìn người theo hướng đảm bảo sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc.

Để triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Điện Biên đã thực hiện hiệu quả đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2018 - 2025.

Nhờ đó, đến nay hơn 50 hộ dân, hơn 250 nhân khẩu ở bản Nậm Sin đã có sự chuyển biến tích cực: Nhà cửa ổn định, khang trang, an toàn che mưa nắng; thu nhập bình quân tăng gấp 5 - 6 lần; tỷ lệ hộ nghèo  giảm mạnh, hiện ở mức 53,33%.


Bản Nậm Sin đang dần từng bước :thay da đổi thịt” với hệ thống điện, đường, trường, trạm được quan tâm, đầu tư xây dựng, tạo diện mạo khang trang cho bản làng.

Giờ đây, bà con không còn phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới ra được trung tâm huyện. Nhà nước đã đầu tư đường bê tông từ quốc lộ 4H vào trung tâm bản với tổng chiều dài 9,3km, trong đó tuyến chính có chiều dài 8,45km  và hệ thống đường nội bản có chiều dài gần 1km, với tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng. 

Giao thông thuận tiện, đã giúp bà con trong bản được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, Chính quyền cũng hỗ trợ bà con đào ao thả cá, hỗ trợ các giống lúa mới cho năng suất cao, hỗ trợ mua trâu giống… và làm du lịch.

Thành Huế, Thu Hằng, Trọng Hiếu, Thục Anh, Bình Minh