Những ngày tháng 8 mùa thu, cái nắng oi ả còn sót của mùa hè bao trùm khắp ngõ ngách Hà Nội. Trong khu tập thể cũ kỹ Rạng Đông, bà Cao Thị Hạnh Kiểm (74 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân) tất bật nghe điện thoại khắp nơi bàn việc chuẩn bị cho chuyến về nguồn cuối năm, tặng quà các cựu chiến binh khó khăn.
Sinh sống ở thủ đô hơn 30 năm nhưng chất giọng đặc sệt miền Trung của bà vẫn không lẫn được. Là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) quận nên những ngày này bà càng bận rộn hơn. Mắt vẫn còn tinh, chân tay nhanh nhẹn bà chậm rãi giở từng trang nhật ký, những bức ảnh đen trắng từ cách đây gần 55 năm.
Sinh ra và lớn lên tại quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Kiểm tự hào mỗi khi nhắc về quê nhà. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình giữ vai trò hậu phương trực tiếp của Trị Thiên-Huế và miền Nam ruột thịt, đồng thời là cầu nối với Trung và Hạ Lào. Đây cũng là nơi tập trung hàng hóa và là điểm xuất phát của những tuyến vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường, cửa ngõ của đường Hồ Chí Minh huyền thoại cả đường bộ lẫn trên biển.
Nơi nhà bà Kiểm ở nằm bên bờ sông Gianh thuộc Xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. “Ngày tháng nơi quê nhà của tôi gắn liền với những trận máy bay Mỹ thả bom càn quét đôi bờ sông Gianh. Là dân quân cứu thương, chúng tôi ứng trực bên bờ để cứu trợ mỗi khi có bộ đội ta bị thương”, bà kể.
Bà con trong xóm làng chết nhiều, nhà cửa cháy rụi không kể siết, nỗi căm thù hun đúc cô gái trẻ xứ Quảng từ đó.
Năm 1964, sau khi ném bom bắn phá các cửa biển miền Bắc theo sự kiện Vịnh Bắc Bộ, địch phát hiện ở phía tây Quảng Bình có 2 tuyến đường chi viện quan trọng. Tháng 11/1964, Mỹ cho máy bay trút bom dữ nhằm đánh phá ngăn chặn đường chi viện trực tiếp của hậu phương.
Vào những ngày hè nóng bức năm 1965, phong trào ba sẵn sàng về đến quê bà, các đoàn hội thanh niên kêu gọi nhập ngũ cứu nước, ai nấy đều hồ hởi xung phong.
“Hai anh trai tôi, người làm bác sĩ quân y sang giúp nước bạn Lào, người làm quay phim chiến trường trong xưởng phim quân đội nên tôi rất hào hứng, muốn ra trận như các anh. Lúc đó tôi vẫn còn học cấp 3, đang trong thời gian nghỉ hè, tôi cũng liều giơ tay tham gia. Đăng kí hôm trước, không ngờ đến 10h trưa hôm sau, tôi được duyệt, gọi đi lên đường ngay”, bà Kiểm nhớ lại bước khởi đầu tham gia TNXP.
Được tổ chức tín nhiệm chọn đã đành, bấy giờ bà còn phải vượt thêm “cửa ải” gia đình do mẹ bà nhất quyết phản đối chuyện con gái xung phong ra tiền tuyến vì đã có hai anh đi bộ đội. Bà tâm sự với người chị dâu suốt đêm hôm đó để bàn cách.
Sáng tinh mơ hôm đó, khi mặt người nhìn chỉ thấy mờ mờ, bà cùng chị dâu dắt trâu ra đồng cày bừa nhưng thật tâm bà đã có ý trốn nhà để lên đường. Đeo theo cái sọt cắt cỏ bên trong, giấu bộ quần áo úp nón lên che, bà dự định đến gần trưa sẽ nhờ chị chăn trâu để mình chạy ra sân kho tập hợp cùng bạn bè rồi lên đường.
Nhưng chớ trêu thay, một người họ hàng sang hỏi thăm, lời nói làm bại lộ hết kế hoạch. “Mợ ơi, mợ đã chuẩn bị gì cho Kiểm lên đường chưa?” người họ hàng hỏi mẹ tôi. Tôi ngớ người còn mẹ tôi hốt hoảng tra hỏi. Thuyết phục mãi mẹ tôi mới đồng ý”, bà Kiểm vui vẻ kể lại.
Tháng 5/1965, 182 người (chủ yếu là nữ), thuộc 17 xã của huyện Tuyên Hóa được triệu tập, hầu hết họ là học sinh tuổi còn đôi mươi, chỉ có một số người đã lập gia đình.
Gần 200 con người đã lập nên Đại đội C759, để tăng cường cho tuyến đường 12A, có nhiệm vụ vừa lấp hố bom, vừa mở đường cho vũ khí, lương thực, quân đội vào chiến trường.
C759 được biên chế thành 8 tiểu đội quản lý 10km đường từ Khe Cấy đến Bãi Dinh, mỗi cung 1km có một tiểu đội nắm chốt giữ, bà Kiểm được phân vào tiểu đội 5.
Họ hành quân 5 ngày 5 đêm trong rừng, lần đầu tiên đặt chân tới rừng già, nhiều người trong đơn vị không khỏi bỡ ngỡ. Một bên là đường đi nhỏ hẹp cây cối rậm rạp nhiều cây hàng trăm năm tuổi đan xen che khuất cả ánh nắng mặt trời; một bên là vách núi cheo leo thăm thẳm. Vào mùa mưa, ẩm ướt, muỗi, vắt bâu khắp nơi.
Thế mà dần dần rồi cũng quen, ai nấy lao vào công việc một cách say sưa, quên hết mệt nhọc, quên cả nhớ nhà, nhớ quê. Như con thoi trên đèo cao, lúc cầm cờ xi nhan cho xe, khi cùng đồng đội căng sức dò bom nổ chậm. Những TNXP hừng hực tiếp sức cho chiến trường.
Không thể kể hết sự khốc liệt của tuyến đường đã nằm trong tầm ngắm của không quân Mỹ. Địch đánh cả ngày lẫn đêm trong khi chỉ cần một loạt bom nổ là tắc tuyến đường. Dù nguy hiểm nhưng TNXP phải luôn bám trụ để thông xe trong mọi tình huống. Bà hừng hực nói khẩu hiệu của đơn vị là: “Địch đánh rừng già, ta ra rừng non; địch đánh rừng non, ta ra đồi trọc; địch đánh đồi trọc, ta ra bám đường”; “Máu C759 có thể đổ nhưng đường không thể tắc”.
Bà Kiểm cho biết nhiều tấm gương anh dũng ôm cả bom nổ chậm lăn ra khỏi mặt đường như anh Trần Đức Hè, dũng cảm lao động sáng tạo như chị Nguyễn Thị Kim Huế, chị Trần Thị Thành... Bà và nhiều đồng đội đứng trong đội quân cảm tử nên có 2 lần được truy điệu sống trước khi tiến vào lò lửa bom đạn.
Nghẹn ngào nhớ lại, cựu TNXP cho biết: “45 ngày đêm, 11 đồng đội đã hy sinh, vừa thông đường chúng tôi vừa phải tìm xác của đồng đội. Đây là trận đánh ám ảnh mà cả đời tôi không quên”.
Ngày 3/7/1966, địch cho nhiều tốp máy bay Mỹ dội bom xuống cung đường khu vực núi Y Leng, nơi có ngọn đồi Cha Quang tại km21 đường 12A. Các tiểu đội của đơn vị C759 và bội đội công binh đang chốt giữ làm đường đã bất chấp hiểm nguy, bom nổ chậm để lao ra mặt đường làm việc từ 1h sáng đến 12h trưa hôm sau.
Đêm đó, Mỹ dội loạt bom xuống ngọn đồi Cha Quang làm hàng ngàn khối đất đá đổ sập xuống mặt đường, vùi lấp cả đơn vị C759 đang bám trụ.
Ngoài 11 chiến sĩ công binh hy sinh và hơn 50 chiến sĩ C759 bị thương, vẫn còn 8 đồng đội nằm trong lòng khối đất đá đổ sập đó mà chưa thể tìm ra được. “Tôi bị vùi lấp, may mắn thoát ra được. Thấy khắp nơi tan hoang, vừa cào bới đất vừa khóc, tôi gọi to tên các chị em trong đội, bới được ai tôi cõng ra xe tập trung để đưa đi cứu chữa”, bà Kiểm bồi hồi.
Tình thế cấp bách, đường tắc, khiến cho xe bị ùn lại, nếu chờ lấy thi thể đồng đội ra thì máy bay Mỹ sẽ phát hiện ra đoàn xe rồi tập trung đánh phá, thiệt hại sẽ lớn gấp nhiều lần. Cuối cùng, vì tiếng gọi của tiền tuyến, vì nhiệm vụ, C759 kiên quyết không để đường tắc. Nén đau thương thành hành động, đơn vị quyết định san đường, mở lối để đoàn xe sớm đưa hàng ra tiền tuyến.
Đêm phát lệnh thông xe 5/7/1966, toàn đơn vị nghẹn ngào, day dứt với nỗi đau thi hài của đồng đội vẫn chưa đào lên được. Sau sự kiện này, C759 đã lấy ngày mồng ba tháng bảy để gọi tên cho ngọn đồi nơi các anh chị ngã xuống, đồi Cha Quang có tên gọi mới là “Đồi Ba Bảy”. “Đồi Ba Bảy là nơi cuộc chia ly đẫm nước mắt của chúng tôi với đồng đội khi chứng kiến nhiều anh chị em đã hy sinh, hy sinh tới hai lần, lót đường cho đoàn xe đi qua. Có người đến 45 ngày sau mới thấy thi thể”, bà Kiểm khóc nghẹn ngào.
Từ tháng 6/1965 đến tháng 5/1966, địch đánh xuống đồi Ba Bảy 633 trận với khoảng 6.000 quả bom tạ, bom tấn. Bình quân mỗi đội viên phải đối mặt với 40 quả bom lớn, không kể rocket, bom bi, đạn 12 ly. Mỗi ngày đánh vào công trình 12A khoảng 10 trận, cao điểm 72 đợt ném bom.
Bảy TNXP hy sinh anh dũng tại đồi Cha Quang ngày 3/7/1966 gồm: Nguyễn Thị Thường (Nam Hóa, Tuyên Hóa), Cao Thị Thường (Thạch Hóa, Tuyên Hóa), Trần Trọng Khuyến (Phù Hóa, Quảng Trạch), Đinh Tân Thành (Lâm Hóa, Tuyên Hóa), Cao Xuân Châu (Thạch Hóa, Tuyên Hóa), Nguyễn Khắc Hiếu (Thanh Hóa, Tuyên Hóa), Trần Văn Trường (Mai Hóa, Tuyên Hóa).
Tại Đại hội Thanh niên Quyết thắng ngày 1/1/1967, C759 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị có bà Nguyễn Thị Kim Huế, nữ TNXP đầu tiên của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước được phong tặng Anh hùng lao động. Liệt sĩ Trần Đức Hè được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2009, Bộ VHTT&DL ra quyết định xếp hạng đồi Cha Quang là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Ngày nay tại đồi Cha Quang có khu di tích lịch sử với nhà bia tưởng niệm thanh niên xung phong, một màu xanh đầy sức sống của rừng bao trùm cả ngọn đồi như che chở những người trẻ đã ngã xuống vì hòa bình cho đất nước.
Cả tuổi thanh xuân cống hiến cho con đường huyền thoại, di chứng của chiến tranh đã khiến cho sức khỏe của bà Cao Thị Hạnh Kiểm yếu đi nhiều. Sau trận đánh 45 ngày đêm, bà bị thương, được đưa về chữa trị. Bà được cử đi Trung Quốc 2 năm học kỹ thuật điện rồi về công tác ở nhà máy Rạng Đông, năm 1997 bà nghỉ hưu. Từ năm 2011 bà làm Chủ tịch Hội cựu TNXP quận Thanh Xuân. Những năm tháng về sau, bà dành nhiều thời gian thăm đồng đội, hàng năm về lại chiến trường đồi Ba Bảy, kết nối các cựu TNXP.
Thành Nam - Thiết kế: Hồng Anh
Bài viết có sử dụng hình ảnh của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết
Ký ức ‘nằm gai nếm mật’ của con trai ông Dương Quảng Hàm ở Hỏa Lò
Hai lần bị địch bắt, giam giữ trong nhà tù Hỏa Lò nơi được ví như “địa ngục trần gian”, ông Dương Tự Minh coi đó là trường học cách mạng, tôi luyện ý chí.