Ngày 1/7/2016, tròn 1 năm trước, cùng với việc Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực, các Bộ, ngành đã trình Chính phủ ban hành 50 Nghị định, quy định điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó xóa bỏ 3.000 giấy phép con. Dư luận xã hội đánh giá cao nỗ lực này của các Bộ ngành; còn cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng đây là một đột phá trong cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên sau 1 năm thực hiện, theo công bố gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn tới hơn 5.700 điều kiện kinh doanh các loại, trong đó gần 3.000 điều kiện đầu tư kinh doanh đang được quy định tại các văn bản pháp luật được ban hành không đúng thẩm quyền.
Tuy VCCI mới chỉ khảo sát ở 243 danh mục nghề của 3 lĩnh vực là: Công Thương; Giao thông vận tải; Khoa học công nghệ, nhưng đã phát hiện 16 ngành nghề được xác định là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là không phù hợp, 10 ngành nghề cần điều chỉnh phạm vi kiểm soát.
Cũng theo báo cáo này, Bộ Công Thương còn tồn nhiều điều kiện kinh doanh nhất với 1220 loại; Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đều trên 600-700 loại... Nhiều chuyên gia cho rằng, thậm chí điều kiện kinh danh không giảm mà còn tăng thêm gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo VTV