Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là "tiếng nói" của con người và của thần linh theo quan niệm "vạn vật hữu linh".
Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng - là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên... Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. . hay trong một buổi nghe khan... đều phải có tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có.
Cồng chiêng do vậy góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.
Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Cùng với các tỉnh Tây Nguyên, Gia Lai đã có nhiều chính sách cũng như các hoạt động thực tiễn nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trong điều kiện mới.
Giờ đây, không gian văn hóa cồng chiêng không còn bó hẹp trong lễ nghi tâm linh và tín ngưỡng dân gian xưa, mà đã hiện diện khắp nơi, kể cả trên sân khấu hiện đại.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, thống kê sơ bộ tại 1.192 làng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng (dân tộc J’Rai có 3.373 bộ; dân tộc Bahnar có 2.282 bộ) và 932 bộ cồng chiêng quý hiếm; toàn tỉnh có 900 nghệ nhân giỏi, hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và đã có 23 nghệ nhân được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Có thể nói, đây là những “báu vật sống” đang đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua tỉnh Gia Lai duy trì đều đặn các cuộc liên hoan cồng chiêng từ cơ sở đến cấp tỉnh (hai năm tổ chức một lần ở cấp xã và cấp huyện; bốn năm tổ chức một lần ở cấp tỉnh). Các cuộc liên hoan này đã thu hút được đông đảo các nghệ nhân và dân làng tham gia vào hoạt động trình diễn, thưởng thức, cổ vũ. Đó là những giải pháp hiệu quả nhằm duy trì việc giao lưu, truyền dạy cồng chiêng tại cộng đồng, kích thích khả năng sáng tạo, học hỏi của nghệ nhân và góp phần nâng cao nhận thức của người dân bản địa trong việc bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng của cha ông.
Đáng chú ý là ngoài những đội chiêng truyền thống, đội chiêng thiếu nhi, hiện đã xuất hiện khá nhiều đội chiêng nữ, phá vỡ quan niệm lâu đời về vai trò của nữ giới đối với cồng chiêng. Những chủ nhân di sản đã và đang viết tiếp một chương mới cho câu chuyện bảo tồn di sản cồng chiêng trong đời sống đương đại.
Việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong bối cảnh đương đại là nhiệm vụ nặng nề, phức tạp và cấp bách. Tại hội thảo quốc tế với chủ đề Sự thay đổi đời sống kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông - Nam Á (năm 2009) và gần đây nhất là hội thảo Bảo vệ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2018) được tổ chức tại TP.Pleiku (Gia Lai), đã đưa ra nhiều giải pháp giá trị thiết thực.
Có như vậy người dâ mới hào hứng tham gia giữ gìn, bảo vệ, phát huy một cách tự nguyện.
Những năm gần đây, Gia Lai đã chú trọng khai thác các yếu tố của không gian văn hóa cồng chiêng để phát triển du lịch, kết hợp lễ hội với yếu tố di sản thiên nhiên, xây dựng các tour du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi mới mẻ, giúp cộng đồng bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch dịch vụ, xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững.
Từ kinh nghiệm triển khai các mô hình du lịch dựa vào di sản hiện nay, có thể nói Gia Lai đang có những bước đi đúng hướng, góp phần cùng với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Vũ Lụa, Tư Giang, Minh Khuê
19/12/2021 04:47