Công viên giải trí Dino-A-Live sẽ chứa đầy những con robot khủng long có kích cỡ như thật. Nó ra đời từ ý tưởng của Kazuya Kanemaru, người hiện là tổng giám đốc điều hành công ty ON-ART ở Nhật, và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 4 - 5 năm nữa.

Ông Kanemaru và các cộng sự vừa hé lộ hai mẫu robot khủng long ăn thịt Allosaurus và Tyrannosaurus Rex (khủng long bạo chúa), do người điều khiển nhưng sở hữu dáng vẻ trông như thật tại buổi giới thiệu về dự án công viên Dino-A-Live tại một khách sạn ở Tokyo. Đặc biệt, con robot khủng long bạo chúa đã có màn ra mắt khiến đám đông khán giả khiếp vía.

Với chiều cao gần 8 mét, robot Tyrannosaurus rex xuất hiện lừng lững giữa màn sương khói trên sân khấu và bắt đầu gầm rú về phía đám đông. Không lâu sau đó, các robot khủng long ăn thịt khác bước vào khán phòng với hàm răng lớn, sắc nhọn.

Các nhân viên công ty ON-ART đóng giả làm nhân viên chăm sóc thú, dẫn dắt khủng long di chuyển khắp sân khấu và thậm chí còn cho chúng ăn các miếng thịt giả. Nhiều người xem dựng cả tóc khi chứng kiến một con khủng long bạo chúa bắt đầu cắn ngoạm đầu của ông Kanemaru.

Dino-A-Live của vị doanh nhân người Nhật không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm tái hiện công viên kỷ Jura giả tưởng trong đời thực. Năm 2013, tỉ phú Clive Palmer đã cho khai trương một công viên giải trí tương tự với rất nhiều robot khủng long tại bang Queensland, Australia.

Công viên khủng long có tên Palmersaurus được xây dựng bên trong khu nghỉ dưỡng Palmer Coolum của ông trùm khai khoáng ở miền đông Queensland. Nơi đây có tới 160 mô hình khủng long với đủ kích cỡ khác nhau, từ 2,1 - 22 mét chiều dài và cao tới gần 10 mét. Rất nhiều trong số chúng là robot, có thể cử động được các chi và gầm rú như thật. Đáng chú ý là robot khủng long bạo chúa Jeff, cao 7,9 mét và dài 25,9 mét.

Ông Palmer từng tuyên bố, Palmersaurus mang tới trải nghiệm vô giá cho du khách với chi phí rẻ hơn nhiều so với việc họ đi tham quan Disneyland ở Pháp hay Nhật. Theo đại gia người Australia, công viên giải trí này cũng là nơi gợi nhắc lại tầm quan trọng của việc bảo tồn tự nhiên.

Tuy nhiên, không đầy 1 năm sau, ban lãnh đạo khu công viên giải trí đã buộc phải sa thải phần lớn nhân viên và đóng cửa rất nhiều quán bar cũng như nhà hàng ở đó do ế khách. Năm 2015, Palmersaurus đã bị đóng cửa vĩnh viễn.

"Nơi này hiện cũng giống như một con khủng long. Khủng long Jeff đã bị thiêu rụi. Khu nghỉ dưỡng bị đóng cửa, ngoại trừ sân golf. Có lẽ, một ngày nào đó công viên sẽ hồi sinh từ đống tro tàn?", một du khách bình luận trên trang TripAdvisor.

VietNamNet/DM