Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa đưa ra hạn định, năm 2023 thành phố sẽ làm ‘sống lại’ các công viên. PV VietNamNet ghi nhận thực tế, công viên ở Thủ đô vẫn chưa thoát cảnh bị ‘xẻ thịt’, dự án mới thì cỏ úa hoang tàn.
LTS: Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa nêu quyết tâm, trong năm 2023 thành phố sẽ làm "sống lại" các công viên trên địa bàn để người dân được hưởng lợi một cách công bằng và tự do tiếp cận. Báo VietNamNet ghi nhận thực trạng hệ thống công viên, chỉ rõ bất cập, chung tay góp giải pháp hồi sinh các công viên. Thực tế cho thấy, nhiều dự án công viên mới vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’, công viên cũ vẫn cảnh bị “xẻ thịt”, lấn chiếm. Thực trạng này đòi hỏi, muốn xây dựng Thủ đô trở thành đô thị xanh, cần thực hiện nghiêm quy hoạch mạng lưới công viên, vườn hoa đã có từ năm 2014 với chủ trương dành quỹ đất phù hợp sau di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học cho không gian xanh và ưu tiên đầu tư xứng tầm. Bên cạnh đó, cần quyết liệt giải tỏa, di dời các công trình sử dụng sai mục đích trong công viên, trả lại mảng xanh công cộng.
Hà Nội đang dành mọi nguồn lực xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Thậm chí, đã có những ý kiến cho rằng, Hà Nội cần hướng tới mục tiêu trở thành một thành phố đáng sống, nơi mà chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô ngày càng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, giữa bộn bề tồn tại về hạ tầng giao thông ùn tắc, ngập úng, ô nhiễm môi trường, ngay mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành đô thị xanh cũng đang là thách thức với thực trạng hệ thống công viên, vườn hoa còn rất nhiều bất cập từ đầu tư đến quản lý.
Thực trạng hệ thống công viên Thủ đô là chuỗi những vấn đề đáng bàn, từ chuyện bị "xẻ thịt", lấn chiếm, để cỏ úa hoang tàn đến chuyện có quy hoạch công viên nhưng không quyết liệt triển khai, đất công viên bị xâm chiếm. Chưa hết, ngay cả với những công viên hiện có, mô hình quản lý cũng mỗi nơi mỗi kiểu, chỗ bán vé thu tiền, nơi mở cửa nhưng để xuống cấp, xập xệ.
Còn nữa, trong khi người dân "khát" công viên, vẫn có những công trình, dự án công viên sau đầu tư quy mô lớn nhưng người dân không được tiếp cận. Thậm chí có những dự án khởi công rầm rộ, nhưng sau đó bỏ hoang đất, lãng phí tài nguyên. Rồi cả chuyện cải tạo loạt công viên hiện có, người dân thì cứ mong chờ, nhưng dự án cải tạo chỗ nào cũng vướng?.
Thực tế, gần 10 năm trước, TP Hà Nội đã đặt ra mục tiêu xây dựng, cải tạo trong nội thành 60 công viên, vườn hoa, nhưng đến nay do thiếu vốn, thiếu chủ đầu tư, vướng giải phóng mặt bằng… nhiều dự án vẫn nằm trên giấy hoặc khởi công rồi ‘đắp chiếu’.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, tại các công viên Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Tuổi Trẻ, nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều công viên bị ‘xẻ thịt’ làm nhà hàng, bãi xe nhiều năm nay qua nhưng không được xử lý dứt điểm. Chính vì vậy, dù thiếu chỗ vui chơi, giải trí nhưng người dân Thủ đô không mặn mà với những công viên bị "biến tướng".
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố hiện nay có 63 công viên, vườn hoa, với tổng diện tích khoảng 300ha, chiến 2% diện tích đất. Thế nhưng, nhiều công viên trong đó đang bị xuống cấp nghiêm trọng khiến người dân không muốn vào. Trong đó, bốn quận trung tâm (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) có 30 công viên, vườn hoa, chiếm 1,92% tổng diện tích đất, đạt 2,08 m2/người.
Với một số công viên như Đống Đa, Hà Đông, Tuổi Trẻ… dù TP Hà Nội có kế hoạch xây dựng hàng chục năm nay, nhưng vẫn bị đắp chiếu. Không được xây dựng, đất công viên này bị lấn chiếm làm nhà ở, nhà hàng, kho bãi…
Đối với công viên Thống Nhất, theo Sở Xây dựng, những khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay là về quy hoạch và xác định nguồn gốc đất trong công viên.
Cụ thể, quy hoạch cải tạo nâng cấp công viên này được xây dựng từ năm 2009 đến nay đã không còn phù hợp nên cần phải thay đổi. Các hộ gia đình đang sử dụng đất nằm trong dự án có nguồn gốc thuộc sở hữu cả nhà nước và tư nhân nên việc xác nhận nguồn gốc còn nhiều khó khăn.
Cầu sang đảo sàn gỗ bị mục, trụ cầu sắt bị rỉ; hệ thống các chuồng nuôi bị rỉ, mái che bị mục, không đảm bảo điều kiện nuôi nhốt. Các nhà vệ sinh trong công viên xây gạch, nhà vệ sinh bằng thép đều đã xuống cấp, một số thiết bị vệ sinh hỏng, không sử dụng được…
Với 9 công viên xây mới, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ rõ hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ mới có thể thúc đẩy tiến độ xây dựng.
Điển hình trong đó là Công viên Thiên Văn Học (Dương Nội, Hà Đông), đến nay đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao, cho người dân vào sử dụng. Nguyên nhân là do còn vướng mắc về các chỉ tiêu quy hoạch, thủ tục giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, vi phạm trật tự xây dựng.
Công viên Hà Đông (phường Kiến Hưng và Hà Cầu), dù đã giải phóng mặt bằng nhưng vẫn bị ‘đắp chiếu’.
Điều đáng nói, hiện nay, 12 đơn vị được ‘sử dụng tạm’ hàng chục ha đất công viên này nhưng chỉ có 1 công ty chịu trả lại đất, thanh lý hợp đồng. 11 nhà đầu tư còn lại không đồng ý thanh lý hợp đồng, do số tiền đầu tư lớn, chưa kịp thu hồi vốn.
Công viên hồ điều hòa CV1, thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm, rộng 27,7ha, được khởi công từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Đến nay dự án chưa hoàn thành do còn hơn 1.300m2 đất chưa giải phóng mặt bằng, việc kết nối hạ tầng (giao thông, thoát nước) với khu vực xung quanh gặp nhiều khó khăn.
Kỳ tiếp: Một công viên nằm trên khu đất vàng ở Thủ đô, được phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ năm 2002 với quy mô 26,4 ha, tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ lâu nơi đây đã bị ‘xẻ thịt’ để hình thành nhà hàng, bãi đỗ xe, sân tennis, thậm chí cả quán karaoke. Các khu vực còn lại, giống như một đại công trường bị bỏ hoang nhiều năm. Mời quý độc giả đón đọc bài 2...