Cộng đồng cư dân làng vạn chài gần chân cầu Hòa Bình gồm 72 hộ dân với 247 nhân khẩu. Những gia đình tại đây sống đã lâu năm lênh đênh trên sông nước, có cuộc sống khá khó khăn. Công việc của họ chủ yếu là làm chài lưới, ngoài ra nuôi thêm cá lồng bè để tăng thu nhập.
Những ngày thủy điện Hòa Bình xả lũ, người dân cả làng vạn chài ngày đêm căng mình trông nom lồng cá. Không những thế họ còn phải lo giữ những căn nhà nổi trên dòng nước lớn chảy siết phía hạ lưu thủy điện Hòa Bình.
Lúc này, lối lên bờ bị chia cắt, mọi sinh hoạt của các hộ đều diễn ra trong không gian chật hẹp của những chiếc thuyền được thiết kế thành nhà ở.
Mọi hình thái đi lại, giao dịch mua bán người dân nơi đây thường sử dụng xe đạp, còn lại các hoạt động khác như làm việc, sinh hoạt, tắm rửa hay ăn uống đều diễn ra trên những ngôi nhà nổi.
Nhiều hộ gia đình ở làng vạn chài có đến 2 hoặc 3 thế hệ cùng sinh sống trên một chiếc thuyền. Điều kiện mưu sinh của họ ngày càng khó khăn khi đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến đổi thất thường của thiên nhiên, của mực nước hồ thủy điện khi cạn, khi đầy.
Đáng chú ý tại đây là gia đình ông Tuất, bà Thú, là hộ gia đình có thời gian “định cư” lâu nhất làng. Hai ông bà đã lên và neo đậu lại giữa lòng thành phố Hòa Bình từ những năm 1980. Ông Tuất không may bị chột một mắt ngay từ khi lọt lòng mẹ. May mắn sau này dù khiếm khuyết trên cơ thể và có cuộc sống thiếu thốn, "già làng vạn chài" vẫn xây dựng được một gia đình êm ấm.
Ông Tuất kể mình vốn là dân làng vạn chài lênh đênh sông nước, ngày xưa gặp vợ ông là do tình yêu mà bà theo ông, rồi cùng chia sẻ cơ cực. Hai người con cũng lần lượt sinh ra và lớn lên trên con thuyền nhỏ, rồi sau này có thêm lũ trẻ nhỏ. Bà Thú hàng ngày chế đồ câu, nướng những con cá nhỏ trên đê để khi trời tối ông đi thả lưới đánh cá dưới sông. Bắt được con cá to sẽ lên chợ bán, còn nếu là cá nhỏ bà sẽ thả vào lồng nuôi ngay phía dưới đáy nhà thuyền.
Ông bà sinh được hai con đã xây dựng gia đình. Người con gái đầu cùng chồng và hai con đang ở cùng, người con trai thứ hai cũng vừa lấy vợ. Ông bà Tuất vừa mừng vừa lo vì chuẩn bị đón đứa cháu đích tôn ra đời. Tất cả 3 thế hệ với gần 9 nhân khẩu tiếp tục sinh hoạt trong căn nhà nổi 30m2 lênh đênh trên sông với rất nhiều khó khăn.
Ông Tuất chia sẻ khổ nhất khi thuỷ điện xả lũ cũng là những ngày mưa giông, vừa lo giữ thuyền vừa lo che chắn nước tạt vào nhà. Các hộ nơi đây nhiều khi bị thiệt hại về cá nuôi trong lồng mà chẳng biết bấu víu vào đâu, cả làng phải cùng nhau di dời lồng bè xuống ngòi tránh lũ. "Cuộc đời sông nước bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào dòng sông nên những ngày thuỷ điện xả lũ tôi không làm được gì, lưới đánh bắt cá tôm không thu kịp cũng đành để trôi theo dòng sông", ông nói.
Khổ nhất là những khi thời tiết bất thường giông gió trên sông. Những cơn giông chiều và đêm thường rất mạnh, cả gia đình mỗi thành viên đảm nhiệm một việc, người che bạt, người giăng dây, người lo buộc thuyền... mặc cho gió táp mưa xối xả.
Ngày thường cả làng chài mọi người bận rộn từ 3h đến 18h. Riêng vợ chồng ông Tuất 19h bắt đầu chèo thuyền đi thả lưới bắt cá tôm, tuy nhiên có hôm được, có hôm không. Thỉnh thoảng bắt được một con cá chép sông Đà, ông bán cho người trên phố cũng kiếm được đôi ba trăm... "Cuộc sống vá víu, lo ăn từng bữa", ông nói trong khi đưa mắt nhìn xa xăm. Có lẽ ông còn muốn nhiều hơn cho gia đình, cho con cháu.
Vào mỗi chiều hè, lũ trẻ cháu ông Tuất lại nô giỡn rộn ràng cả khúc sông, ngay bên ngôi nhà của mình. Từ môi trường sông nước này đã vô tình rèn luyện cho các bé khả năng bơi lội hơn hẳn những con em ở thành phố. Ông Tuất bảo đó là một niềm vui, là một nguồn năng lượng cho cả làng vạn chài vượt qua những vất vả, quên hết những lo toan về một cuộc sống mưu sinh mỗi ngày.
Cuộc sống của các hộ dân xóm vạn chài vẫn cứ bấp bênh theo dòng Đà Giang. Họ nhận thức được nghề chài lưới mãi chỉ là công việc duy trì cuộc sống qua ngày, sinh kế không bền vững. "Cần phải thay đổi, phải dần dịch chuyển lên bờ để tìm việc để cho con cái, cháu chắt tôi có một tương lai tươi sáng hơn", ông Tuất chia sẻ.
LƯU TRỌNG ĐẠT