Ngày cuối tuần giữa tháng 12, công nhân ở khu nhà trọ Hưng Lợi 2 (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) hầu như đều ở nhà thay vì đi làm tăng ca vào giai đoạn cao điểm cuối năm. "Đơn hàng không có, thứ 7, chủ nhật không đi làm, Mấy chị em chỉ biết rủ nhau ngồi tám chuyện, nhổ tóc bạc để giết thời gian", chị Lê Thị Kiều Tấn (áo tím) chia sẻ.
Khi được hỏi về thưởng Tết, cả nhóm chỉ cười trừ vì vẫn đang chờ.
Bà Cao Thị Mai (trái) và Mai Thị Quỳnh (phải), hai người phụ nữ dân tộc Khmer rời quê nhà Sóc Trăng lên Bình Dương lập nghiệp từ nhiều năm trước.
Bà Mai trước đây làm công nhân may, còn bà Quỳnh đi phụ hồ cho các công trình gần khu trọ. Từ sau đợt công ty cắt giảm nhân sự, các công trình dần không nhận người lớn tuổi, hai người phụ nữ trung niên chỉ biết quanh quẩn làm công việc thời vụ, nhặt cơm nguội đem phơi để trang trải cuộc sống.
Mỗi kg cơm phơi khô có giá 5.000 đồng. "Một ngày, hai chị em phơi từ sáng tới chiều được chừng 10kg, hôm nào trời mưa thì không làm được gì. Chừng đó tiền đủ để đổi bình gas, mua thêm ít rau, trứng mà thôi", bà Quỳnh chia sẻ.
Chỉ còn 2 tuần nữa là Tết Nguyên đán, bà Mai và bà Quỳnh chỉ còn biết chờ xem chồng con mình có được thưởng Tết hay không để gói ghém về quê.
Trong lúc nhặt rau chuẩn bị cho bữa trưa, bà Mai tâm sự, năm nay công ty của chồng không thưởng lương tháng 13 vì đơn hàng giảm. Theo thông báo sau ngày 23 âm lịch mới biết tiền thưởng Tết sẽ nhận được bao nhiêu. "Năm trước đã ở lại đây, nên năm nay chúng tôi muốn về quê ăn Tết lắm nhưng cũng chưa quyết định được vì sợ không đủ tiền", bà Mai nói.
Tết năm nay, chị Mai Thị Thu Ngân (quê Cần Thơ) và con gái quyết định đón Tết tại khu trọ. "Năm trước hai mẹ con cũng ở lại đây. Bé sắp vào lớp 1 tốn nhiều chi phí nên tôi phải tiết kiệm để dành", chị Ngân nói.
Như đa số công nhân, chị Ngân cũng phải chờ đến ngày công ty nghỉ Tết mới biết được năm nay có thưởng hay không.
Hàng ngày, chị Ngân đăng ký làm tan ca đến 9h tối để có thêm thu nhập, còn con gái thì phải gửi bán trú cả ngày. Chỉ cuối tuần, hai mẹ con mới có ở nhà, cùng ăn cơm với người cô cạnh phòng trọ.
Anh Nguyễn Minh Đạt (40 tuổi) - một công nhân mất việc, ở nhà phụ vợ bán tạp hóa trong khu trọ cho biết, Tết này hai vợ chồng anh không nhập thêm hàng vì lượng khách ngày càng ít. "Trước đây, khu vực này rất đông công nhân ở, nhưng giờ thưa thớt, do bị mất việc nên nhiều người phải trả nhà trọ về quê", theo lời anh Đạt.
Vào Bình Dương được nửa năm, anh Chùa (người dân tộc H Mông) trầm ngâm khi kể về những người bạn vào cùng đợt với mình đã trả trọ về quê do thu nhập không đủ sống. Do chưa làm đủ thời gian để nhận thưởng cuối năm, thanh niên 23 tuổi này cũng xác định sẽ ở lại xóm trọ để ăn Tết.
Phía dưới lầu, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu (50 tuổi) cũng có quyết định tương tự. Theo bà Thu, chi phí về quê, quà cáp tốn kém cộng thêm việc năm nay công ty không được tăng ca, không có thưởng nên hai vợ chồng cũng không trông đợi được gì vào Tết.
Căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2 trong xóm trọ ở quận Bình Tân (TPHCM) là nơi gia đình chị Lê Thị Ngọc Bình sinh sống đã 10 năm qua. Chị Bình bị cho thôi việc trước Tết Nguyên đán 2 tháng khi công ty tuyên bố phá sản. "Công ty gặp khó, mình bị cho nghỉ cũng buồn nhưng dù sao cũng được thanh toán lương đầy đủ. Giờ thì đành phải chịu cảnh không có thưởng cuối năm", chị nói.
Những ngày này, chị Bình ở nhà đưa đón con đi học vì xin việc mới khá khó. Hai mẹ con chờ công ty của chồng chị Bình thông báo thưởng Tết để cả gia đình cân đối chi phí về quê hoặc ở lại thành phố.
Để kiếm thêm thu nhập phụ cho các con làm công nhân, mỗi buổi chiều bà Tư Hạnh (quê An Giang) tranh thủ bày bán quần áo do tự mình may trong xóm trọ. "Tôi gắng bán đến cận Tết rồi cả nhà đi xe máy về quê. Tôi lên đây để chăm cháu cho con nhưng thu nhập của tụi nó bấp bênh, về quê thì cũng không có công việc phù hợp", bà Hạnh chia sẻ.
Chập tối, những đứa trẻ sống trong khu trọ vui đùa cùng nhau. Chúng trông đợi vào những bộ quần áo mới được ba mẹ mua khi được hỏi về ngày Tết. "Mẹ nói năm nay không có thưởng, nên con chỉ mặc đồ cũ thôi ạ", Ngân (áo vàng) nói.
Chưa đầy hai tuần nữa là tới Tết Nguyên đán, với đa số người lao động, việc mua sắm, chi tiêu Tết đều trông chờ cả vào tiền thưởng cuối năm.