MÔI TRƯỜNG SỐNG Ô NHIỄM GẦN HAI NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC HÀNG NGHÌN TỶ Ở CỦ CHI
Hai nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện được triển khai ở huyện Củ Chi (TP.HCM) nhiều năm qua vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Hàng ngày, lớp khói bụi mù mịt, nước bẩn từ các dự án này ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân.
Hình ảnh một trong hai nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc được triển khai từ cuối năm 2019. Quá trình đốt rác phát sinh những cột khói cao hàng trăm mét, mù mịt cả ngày lẫn đêm.
Các nhà máy do Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty CP Vietstar đầu tư với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng. Riêng giai đoạn 1, vốn của nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa đã lên đến 5.000 tỷ đồng, công suất xử lý rác khoảng 1.000 tấn/ngày, còn nhà máy của Vietstar con số này cao gấp đôi (gần 2.000 tấn).
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc hình thành năm 2003, rộng 687 ha, mỗi ngày xử lý khoảng 3.200 tấn rác theo hình thức tái chế, đốt rác và ủ phân vi sinh. Hiện phương pháp xử lý rác nói trên đã trở nên lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của TP.HCM.
Sau hơn 3 năm, hai doanh nghiệp này chưa thể thực hiện được dự án chuyển đổi từ phương pháp xử lý rác cũ sang áp dụng công nghệ đốt rác phát điện, tính từ ngày khởi công nhà máy.
Ghi nhận của VietNamNet, nhiều tháng nay cả hai nhà máy này vẫn duy trì tiếp nhận rác về bãi chứa và xử lý một phần bằng phương pháp chôn lấp.
Việc vận hành nhà máy (quy trình cũ) phát ra lớp khói bụi mù mịt, người dân bức xúc, nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương.
Hàng ngày, người đi xe máy qua đường Tam Tân (chạy dọc kênh Thầy Cai - ranh giới địa chính giữa Long An và TP.HCM), gần khu vực bãi rác phải hứng chịu cảnh bụi mù, mùi hôi thối nồng nặc và tiếng ồn phát ra từ xe cơ giới thu rom rác ngày đêm chạy qua.
"Tình trạng khói bụi mù mịt, mùi hôi thối của rác cùng nước thải đen ngòm khiến cuộc sống gia đình tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mong cơ quan chức năng sớm can thiệp, mang lại môi trường sống tốt hơn cho chúng tôi", ông Bé, một người dân sống gần khu xử lý rác bức xúc nói.
Theo người dân địa phương, trước đây khi chưa có các nhà máy xử lý rác, môi trường khu vực này rất trong lành. Hiện nay, đất ở gần Khu liên hợp xử lý chất thải rắn đã bị ô nhiễm nặng, người dân không thể canh tác, không kiếm thêm được thu nhập, đời sống gặp khó khăn.
"Việc phải sống, sinh hoạt, ăn uống trong môi trường bụi bẩn, hôi thối như thế này thật sự là cơn ác mộng. Xử lý rác là để bảo vệ môi trường cho thêm sạch, thêm xanh, thế nhưng chẳng hiểu sao các nhà máy hoạt động vì môi trường lại gây ô nhiễm nghiêm trọng đến thế?" anh Tùng, một người dân địa phương đặt câu hỏi.
Theo phản ánh của người dân, trong những tháng gần đây, khói bụi phát ra từ các nhà máy xử lý rác thường xuất hiện dày đặc vào ngày mưa, hoặc chiều tối.
"Chúng tôi bất đắc dĩ phải quen với cảnh tượng khói bụi mù mịt, bất kể ngày hay đêm. Tôi mong tình trạng này sớm kết thúc để người dân được nhờ", anh Lợi, sinh sống gần nhà máy xử lý rác của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, nói.
Hiện có khoảng 20 hộ dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi sống cách Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc trên dưới 200m. Đây là những hộ trực tiếp chịu tác động xấu bởi ô nhiễm không khí, tiếng ồn phát ra từ những nhà máy này. Trong một ghi nhận của chính quyền địa phương cuối năm 2020, người dân phản ánh ở cách xa bãi rác 10 km vẫn bị 'tra tấn' bởi mùi hôi. Nguồn nước các kênh Thầy Cai, các kênh 15, 17, 18 đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi khu xử lý rác vận hành.
Nước thải rò rỉ tại một khu đất thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc bốc mùi hôi thối, nước ô nhiễm đen ngòm.
Được biết, hiện mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 9.800 - 10.000 tấn rác thải cần được xử lý. Việc đầu tư, triển khai các dự án xử lý rác thải được chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như năng lực nhà thầu, hạn chế về mặt công nghệ xử lý rác, những vướng mắc về cơ chế, thiếu kinh phí… dẫn đến tình trạng không ít dự án dù đã triển khai từ nhiều năm trước trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa đi vào hoạt động, hoặc chỉ mới là dự án nằm trên giấy.